Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2020 - 2021 - Ảnh: Q.ĐỊNH
"Phải chuyển trạng thái về cách thức thực hiện nội dung chứ không cứng nhắc nội dung này phải dạy ở tuần này, nội dung kia ở tháng kia và cũng phải cân nhắc kiểm tra đánh giá cho phù hợp. Có nghĩa phải phát huy sự linh hoạt tối đa dành cho các địa phương, thậm chí từng trường, từng tổ chuyên môn.
Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022 diễn ra ngày 12-8.
Năm học 2020 - 2021 được coi là một năm học đặc biệt: ngành giáo dục song song thực hiện 2 chương trình: chương trình mới (CT2018) được thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu" từ lớp 1 trở lên và thực hiện tiếp chương trình cũ (CT2006).
Vừa đầu tư ưu tiên cho dạy chương trình mới, các nhà trường phải chuẩn bị về mọi mặt để tiệm cận dần với mục tiêu giáo dục mới, chuyển sang dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, những điểm có "sóng gió" lại chính là những vấn đề cốt lõi để chuyển mạnh mẽ sang cách dạy học mới, hướng đến mục tiêu mới. Nên nếu chỉ nhìn thấy khó mà không làm thì sẽ không bao giờ bước qua được trở ngại để tự thay đổi.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng thực tế đang diễn ra cho thấy dịch bệnh là câu chuyện dài buộc ngành giáo dục phải chuyển trạng thái, với các giải pháp linh hoạt tối đa để thích ứng và chớp lấy cơ hội triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để duy trì chất lượng và đảm bảo mục tiêu đặt ra.
"Nếu dịch bệnh được kiểm soát, các ngành kinh tế có thể sớm khắc phục nhưng giáo dục khi bị tổn thương, phải cần một thời gian dài để khắc phục và điều đó sẽ ảnh hưởng đến một số lứa học sinh. Bởi thế cần phải biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội để thích ứng, thay đổi và giảm thiểu tiêu cực" - ông Sơn nhận định.
Tính chủ động, linh hoạt được Bộ GD-ĐT khuyến khích áp dụng tối đa trong năm học này, không chỉ ở cấp sở, cấp phòng mà ở mỗi nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến "thời gian vàng" của giáo dục là lúc dịch bệnh tạm kiểm soát.
Khi đó các nhà trường cần tranh thủ cơ hội để dạy học trực tiếp, nhất là đối với học sinh tiểu học. Những gì không thực hiện được từ xa, những gì cần ưu tiên làm tốt, làm trước thì phải sắp xếp thực hiện trong khoảng "thời gian vàng" này.
Ông Sơn cho biết bộ sẽ ban hành sớm các nội dung dạy học cốt lõi, căn bản. Và ngay từ ngày đầu tiên của năm học, những nơi nào học sinh có thể đến trường sớm sẽ phải được ưu tiên dạy các nội dung cốt lõi để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Khi có dịch bùng phát phải dạy trực tuyến sẽ chỉ tập trung củng cố kiến thức, kỹ năng.
Ở bậc trung học, theo ông Nguyễn Xuân Thành, không chỉ với lớp 6 sẽ triển khai chương trình mới mà ở các lớp khác cũng áp dụng nguyên tắc chủ động, linh hoạt và quan trọng số 1 là các nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường sẵn sàng ứng biến với mọi tình thế và tiệm cận dần với cách dạy học, đánh giá mới.
Sẵn sàng chuyển trạng thái
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ sẽ ban hành chỉ thị năm học, có hướng dẫn thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Bộ có "kịch bản" chung nhưng mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, đặc thù các vùng, miền phải có "kịch bản" của địa phương để triển khai năm học. Trong đó có nhiều phương án khác nhau để sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại hoặc kết hợp các hình thức dạy học khác nhau.
Có thể áp dụng chung cho các cấp học, có thể có các kịch bản phù hợp với từng cấp học, trong đó có giải pháp ưu tiên đối với những nhóm đối tượng học sinh khác nhau (học sinh vùng khó khăn, học sinh lớp đầu cấp, cuối cấp).
Ông Nguyễn Văn Tuế (phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh):
Mong có hướng dẫn cụ thể
Khó khăn đặt ra trong việc chuẩn bị thực hiện chương trình mới là việc tập huấn giáo viên chủ yếu bằng hình thức trực tuyến nên có hạn chế không được như trực tiếp. Đội ngũ giáo viên cốt cán có biến động về khách quan, chủ quan; giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng tới đây dạy liên môn nên khó khăn...
Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn đối với năm học này và trong việc triển khai chương trình mới. Cùng với đó, rà soát và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, nhất là các quy định, hướng dẫn có liên quan tới thực hiện chương trình mới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM):
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã kết hợp với một số trường đại học để xây dựng nền tảng dạy học chuyển đổi số. Hiện nay việc chia sẻ bài giảng, dữ liệu dạy học dùng chung đã có nhiều thay đổi tích cực. Chuyển đổi số là thành công lớn của TP.HCM thời gian qua, đó là một điều kiện thuận lợi để thực hiện kế hoạch năm học trong tình huống có dịch bệnh.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 6 tại TP.HCM, từ năm học trước Sở GD-ĐT đã làm việc với Trường ĐH Sài Gòn để bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp là lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên trong chương trình lớp 6.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Tiền Giang:
Sớm nhất giữa tháng 9 mới bắt đầu năm học
Tiền Giang là một trong những tỉnh nằm trong tâm dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới vẫn lên tới hàng nghìn mỗi ngày. Dựa theo khung thời gian năm học Bộ GD-ĐT ban hành, Sở GD-ĐT Tiền Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh nhưng vẫn chưa quyết định được thời gian học sinh tựu trường.
Tỉnh có nhiều phương án khác nhau, nhưng sớm nhất thì phải giữa tháng 9 mới có thể bắt đầu năm học, so với năm học trước là trễ 2 tuần. Nhưng do dịch bệnh khó lường nên có thể vẫn phải thực hiện phương án chậm hơn nữa.
TTO - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh mục tiêu của năm học mới là ưu tiên các biện pháp để các nhà trường chuyển trạng thái, thích ứng tốt và giảm tổn thương do dịch bệnh.