Chuyên mục  


Trong báo cáo công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ước tính trong ba năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS tăng gần 29.000 so với 129.210 của năm nay. Trong khi đó, thành phố chỉ tăng 6 trường THPT công lập (không tính trường công tự chủ, hiệp quản).

Để đáp ứng nhu cầu về chỗ học, Sở đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hà Nội hưởng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10 ở các trường công lập thuộc 12 quận và một số huyện giáp ranh nội thành.

Cụ thể, các địa bàn này được tăng 10% số lớp, tức từ 45 lên 50 lớp một trường; tăng 10% số học sinh một lớp, từ 45 lên 50, và dùng tỷ lệ diện tích sử dụng/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh trong các hoạt động đánh giá.

Ngoài kiến nghị này, Sở còn đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm đẩy nhanh tiến độ xây mới và sửa chữa; rà soát những công trình chậm tiến độ để thu hồi đất xây trường; quy hoạch mạng lưới trường công đến năm 2050; tiếp tục phân tuyến tuyển sinh để điều hòa thí sinh hợp lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh xã hội hóa.

Động thái này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được đưa ra sau nhiều ý kiến lo ngại về việc thiếu trường, lớp dẫn đến tỷ lệ học sinh trượt lớp 10 năm nay "thấp kỷ lục". Hôm 10/7, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát và báo cáo về việc này.

Thí sinh Hà Nội trong buổi làm thủ tục thi vào lớp 10, ngày 9/6. Ảnh: Tùng Đinh

Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với quận Hoàng Mai về xây dựng trường học, chiều 11/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết năm nay Hà Nội có 78.620 trong số 129.210 học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập (60,9%), tăng 1.000 so với năm học trước.

Theo ông Cương, tỷ lệ trên 60% là phù hợp với quy định phân luồng sau THCS. 51.000 học sinh còn lại sẽ vào học các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc chuyển hẳn sang học nghề. Tuy nhiên, ông Cương cho biết "tâm lý phụ huynh vẫn muốn học trường công" và đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục Hà Nội.

Trước đó, Sở đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc quản lý của Sở, từ nay đến 2025. Ngoài ra, thành phố dự kiến xây thêm 16 trường, gồm 7 trường liên cấp. Tổng đầu tư cho 139 dự án này là 8.873 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố. 93 dự án đã được phê duyệt chủ trương.

Các trường mầm non, tiểu học và THCS được quản lý bởi cấp quận, huyện, số dự án cải tạo, cơi nới là 494, còn 20 đang làm thủ tục.

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020