Chuyên mục  


Đỗ Xuân Thắng, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao, giành học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) năm nay. Nam sinh hiện là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu. Theo xếp hạng đại học Shanghai Ranking 2024, trường đứng thứ ba ở Trung Quốc, sau Thanh Hoa và Bắc Kinh.

Ba tuần kể từ khi trở thành du học sinh, Thắng vẫn đang dần thích nghi với cuộc sống mới. Những ngày đầu, sinh viên năm nhất này sốc văn hóa và ngôn ngữ.

"Em bị ngợp vì phải dùng tiếng Trung liên tục, tuần suất cao. Em không giao tiếp được, chủ yếu đoán từ", Thắng kể.

Thắng và mẹ hôm nhận giấy nhập học tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hồi giữa tháng 8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với những việc thường ngày như đi chợ, đi khám sức khỏe, Thắng bối rối vì không nghe được, phải dùng cả ngôn ngữ hình thể, tiếng Anh lẫn tiếng Trung để nói chuyện.

Tiếng Trung trên giảng đường dễ nghe hơn do các thầy cô nói giọng chuẩn, nhưng tốc độ nhanh nên Thắng thấy cũng khó bắt kịp, phải chụp lại các slide hoặc xem lại bài giảng để hiểu hơn.

dam-me-nhay-mua-dua-nam-sinh-den-dai-hoc-top-3-trung-quoc-1726893170.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IjVGFEcDj4k3vmvQ-mMVUg
Đam mê nhảy múa đưa nam sinh đến đại học top 3 Trung Quốc

Thắng cùng các bạn tham gia một tiết mục nhảy hiện đại. Video: Nhân vật cung cấp

Ban đầu, Thắng định học nhẹ nhàng, dần dần mới tăng tốc, nhưng thấy các sinh viên quốc tế khác có thái độ học nghiêm túc, chuẩn bị bài chỉn chu ngay hôm đến lớp đầu tiên, cậu sốt ruột. Vào ngày nghỉ hay ngày lễ, thư viện của trường đều hết suất đăng ký học từ sớm. Nhiều sinh viên mang đồ ăn, nước uống và ngồi học ở đây đến 23h đóng cửa mới về.

"Em rất lo tụt lại phía sau", Thắng kể.

Đi học cả ngày, về phòng ở ký túc xá, Thắng tiếp tục luyện kỹ năng, làm bài tập hoặc đọc trước tài liệu đến gần nửa đêm. Sáng hôm sau dậy sớm, nam sinh ôn bài một lượt trước khi lên giảng đường.

Thắng là con duy nhất trong một gia đình ở Lào Cai. Bố mất khi Thắng học lớp 2, hai mẹ con sống nương tựa nhau. Mẹ làm cô nuôi ở trường tiểu học, chắt chiu tiền cho Thắng đi học. Sau khi thi trượt chuyên Anh năm lớp 10, Thắng được xếp vào lớp chuyên Trung.

Năm lớp 12, nam sinh cũng có ý định du học Trung Quốc song thấy thành tích và hoạt động ngoại khóa chưa nổi bật nên quyết định ở lại. Sau khi xuống Hà Nội học tại Học viện Ngoại giao, Thắng từng đắn đo việc du học vì nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ cũng can ngăn, khuyên cậu học trong nước.

Nhưng Thắng muốn giành học bổng du học để đỡ gánh nặng cho mẹ. Học ở Hà Nội, mỗi tháng Thắng tốn khoảng 7 triệu đồng cho tiền học, nhà trọ, ăn uống và chi phí đi lại, gần hết cả lương của mẹ. Nếu học tốt ở trường, cậu cũng có thể giành học bổng nhưng xác suất được khá thấp.

"Em giấu mẹ làm hồ sơ", Thắng kể. "Em hoàn thành khi hạn nộp chỉ còn một tháng".

Ngoài điểm số và các thành tích học thuật, kế hoạch học tập cho 4 năm đại học là quan trọng nhất trong hồ sơ học bổng CSC. Thắng nhận thấy so với ứng viên khác, điểm trung bình học tập của mình không quá xuất sắc (3,6/4), chứng chỉ Hán ngữ quốc tế HSK mới ở cấp 5 trên 6, nên đã nghĩ cách làm cho hồ sơ trở nên nổi bật, mang màu sắc cá nhân.

Thắng mê nhảy cover Kpop từ năm cấp hai, sau này là nghệ thuật múa cổ trang Trung Quốc. Không chỉ bắt chước động tác, cậu còn tìm hiểu các phong cách nhảy hiện đại khác nhau và biên đạo. Lên đại học, nam sinh tham gia câu lạc bộ nhảy của trường và đi diễn tại các sự kiện.

Trong bản kế hoạch, bên cạnh mục tiêu học tập cụ thể cho từng năm, Thắng còn đầu tư cho các hoạt động ngoại khóa. Với thế mạnh nhảy múa, cậu muốn tham gia các câu lạc bộ, hoạt động của trường để rèn luyện sức khỏe và tìm hiểu văn hóa. Kế hoạch học tập là nơi để ứng viên thể hiện sự sáng tạo, nên cậu còn trang trí để hồ sơ thêm bắt mắt.

Năm nay, ứng viên CSC phải làm bài thi đầu vào bằng tiếng Trung và trả lời phỏng vấn cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Thắng nhớ nhất câu hỏi: "Em thấy múa của Trung Quốc khác Việt Nam như thế nào?"

Cậu không bất ngờ trước câu hỏi này vì đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà. Thắng cho hay từng tìm hiểu về nghệ thuật múa Đôn Hoàng của Trung Quốc từ những năm học THPT. Loại hình vũ đạo này lấy cảm hứng từ những chuyển động cơ thể trong các bức bích họa ở hang Đôn Hoàng.

Múa Trung Quốc cũng giống Việt Nam nhưng tập trung vào chi tiết hơn, từ đầu ngón tay đến các khớp tay. Cùng một động tác đưa tay lên nhưng vũ công Trung Quốc đưa nhiều cách khác nhau, mỗi di chuyển của ngón tay lại là một động tác khác.

"Em còn thể hiện động tác múa bằng tay để chứng minh, khiến ban phỏng vấn ồ lên thích thú", Thắng chia sẻ.

Với Thắng, học bổng là bước ngoặt lớn, mang đến cơ hội phát triển và bước ra thế giới. Còn với chị Trần Thị Chung, mẹ Thắng, đó là niềm tự hào và hạnh phúc lớn. Theo chị Chung, con trai hiểu chuyện nên luôn nỗ lực trong học tập và lạc quan trong cuộc sống.

"Thấy con biết thương mẹ, tôi chỉ muốn khóc", chị Chung kể.

Cô Vũ Ngọc Trinh, Phó bí thư Đoàn trường THPT chuyên Lào Cai, nhớ cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực đạt học bổng.

"Thắng ngoan ngoãn và năng động. Em ấy có năng khiếu âm nhạc và nhảy rất đẹp", cô Trinh nói.

Sau khi tốt nghiệp, nam sinh dự định về Việt Nam làm việc để ở gần mẹ. Thắng cũng muốn xin học bổng để học lên thạc sĩ ngành truyền thông nhằm có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Bình Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020