Chuyên mục  


Chiều 25/4, tại họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ của thành phố, vụ bạo hành ở nhà trẻ Tí Bo, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn có 273 nhóm lớp, 210 trường mầm non ngoài công lập và đều được quản lý tốt.

"Câu chuyện xảy ra ở Linh Đông là trường hợp cá biệt, không phải là xu hướng chung của các lớp nhóm trẻ ngoài công lập", bà nói.

Hôm qua, video giáo viên lớp mầm non Tí Bo đánh, ngồi lên bụng một bé trai 5 tuổi để nhét quýt vào miệng, lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao. Một bé khác cũng bị cô này tát, đập đồ chơi nhựa vào đầu. Nhà chức trách xác định sự việc xảy ra hôm 11/4, bà Lâm Thị Bạch Nga, chủ nhóm lớp là người đánh các em.

"Việc trẻ bị bạo hành là điều rất đáng tiếc", ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói. Qua vụ việc, Sở rút ra một số kinh nghiệm, trong đó có nâng cao trách nhiệm và tăng cường các giải pháp trong quản lý như qua camera, tập huấn...

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức tại họp báo, chiều 25/4. Ảnh: An Phương

Về việc quản lý qua camera, bà Hiền cho rằng cần cân nhắc. Tâm lý của phụ huynh mầm non là rất muốn theo dõi mọi hoạt động của con em, nhưng hình ảnh của trẻ và cô giáo trong lớp có tính riêng tư, cần bảo vệ.

Nhiều trường mầm non công lập của Thủ Đức đã lắp đặt hệ thống camera nhưng chủ yếu phục vụ quản lý, đảm bảo an ninh. Camera được lắp ở những khu vực chung, không khuyến khích lắp trong lớp học, tránh tạo áp lực cho giáo viên đứng lớp, cũng để bảo vệ hình ảnh của học sinh.

Với các trường ngoài công lập, việc lắp camera do thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

"Ở góc độ của ngành thì đây là vấn đề rất tâm tư", bà Hiền nói.

Bà Hiền và ông Nam đều cho rằng, để phòng chống bạo lực trong học đường, điều quan trọng là giáo viên phải quan tâm đến từng học sinh, tự điều chỉnh hành vi của mình cho đúng chuẩn mực sư phạm.

"Sở nhận thấy quản lý theo quy định thôi là chưa đủ, phải nâng cao nhận thức của đội ngũ làm công tác giáo dục mầm non, để họ thấy được trách nhiệm của mình, có tình yêu thương với trẻ", ông Nam nói.

Bảo mẫu (áo đen) ngồi lên người để nhét thức ăn vào miệng trẻ. Ảnh:Chụp màn hình

Hiện việc quản lý bậc mầm non thuộc quản lý của các quận, huyện.

Theo Thông tư 49 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non độc lập do cá nhân hoặc cộng đồng dân cư đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định. Tùy quy mô (dưới hoặc trên 7 trẻ), giáo viên phải đạt tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo (từ cao đẳng sư phạm trở lên), được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Lê Tuyết

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020