Chuyên mục  


Ngày 1/11, HĐND thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Nghị quyết quy định giá dịch vụ đào tạo với 30 nghề trình độ sơ cấp. Giá này gồm học phí, giá dịch vụ tuyển sinh, kiểm định chất lượng, giá cấp phát các loại phôi văn bằng, chứng chỉ...

Theo dự thảo, nghề thiết kế tạo mẫu tóc có giá cao nhất - gần 17 triệu đồng một khóa, kế đó là nghề lái xe ôtô B2 (15,6 triệu đồng), nghề sửa chữa máy lạnh và điều hòa (10,9 triệu). Đây là ba nghề có giá dịch vụ trên 10 triệu đồng.

Trồng lúa chất lượng cao là nghề có chi phí đào tạo thấp nhất - hơn 4,8 triệu đồng. Một số nghề có giá dịch vụ hơn 5 triệu đồng là trồng cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, may công nghiệp, sửa chữa điện thoại di động.

Thời gian đào tạo chương trình nghề trình độ sơ cấp dao động 3-12 tháng, tối thiểu 300 giờ học.

Bảng giá dịch vụ dự kiến với sinh viên nghề trình độ sơ cấp nghề như sau:

TT Tên nghề Giá dịch vụ(triệu đồng/người/khóa học)
I Nhóm nghề phi nông nghiệp
1 Mộc dân dụng 6,22
2 Mộc mỹ nghệ 5,755
3 Kỹ thuật sơn mài 9,83
4 Kỹ thuật khảm trai 8,87
5 Sản xuất hàng mây tre, giang đan 6,91
6 Hàn điện 9,375
7 Điện dân dụng 7,545
8 Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí 10,95
9 Pha chế đồ uống 6,635
10 May công nghiệp 5,89
11 Xây trát dân dụng 6,92
12 Sửa chữa điện thoại di động 5,96
13 Lắp đặt điện nội thất 7,29
14 Thiết kế tạo mẫu tóc 16,95
15 Sửa chữa xe gắn máy 5,86
16 Sửa chữa máy tính phần cứng 5,965
17 Lái xe ôtô B2 15,68
II Nhóm nghề nông nghiệp
18 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh 7,24
19 Trồng đào, quất cảnh 7,37
20 Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn 6,65
21 Chăn nuôi thú y 6,115
22 Trồng lúa chất lượng cao 4,87
23 Trồng cây ăn quả 5,1
24 Kỹ thuật chăn nuôi lợn 5,47
25 Kỹ thuật trồng hoa 8,13
26 Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm 5,3
27 Kỹ thuật chăn nuôi cá thương phẩm, nước ngọt 6,58
28 Nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu 7,93
29 Chế biến rau quả 6,995
30 Kỹ thuật sơ chế và bảo quản hoa màu 6,21

Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí có đề cập tới mức trần giá dịch vụ đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, mức trần này được xác định dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Hồi tháng 3 năm nay, UBND thành phố Hà Nội ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo một số nghề trình độ sơ cấp. Văn bản này quy định rõ về số mô-đun, số tiết học của mỗi mô-đun và các thiết bị cần có để đào tạo. Đây là một trong những căn cứ để HĐND thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết về giá dịch vụ đào tạo nghề. Từ đó, các trường nghề tính toán mức thu với chương trình đào tạo của mình, không vượt quá quy định.

Dự thảo Nghị quyết được lấy ý kiến từ ngày 1/11, áp dụng với các trường nghề công lập trên địa bàn thủ đô từ năm 2024 nếu được thông qua.

Sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic thực hành làm tóc, trang điểm. Ảnh: Poly K-Beauty

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020