Chuyên mục  


Chị Bình chia sẻ, từ nhỏ con gái chị đã có mơ ước đi du học Mỹ. Gia Hân thường xuyên đạt thành tích học tập tốt và tham gia nhiều cuộc thi tiếng Anh, hùng biện từ nhỏ. Khi Hân đang học lớp 8 với định hướng chuyên Toán, gia đình có một quyết định mang tính "cách mạng" là chuyển con sang trường quốc tế. Tại đây, Gia Hân theo học chương trình Tú tài IB, cho phép em lấy bằng phổ thông quốc tế, dùng để ứng tuyển và có thể được quy đổi một số tín chỉ ở nhiều trường đại học trên thế giới. Gia đình cũng nhận định môi trường quốc tế sẽ giúp Hân hòa nhập nhanh chóng khi du học.

"Việc học ở trường chuyên thường chú trọng vào các môn chính (Toán, Văn, Anh) nhưng sang trường quốc tế, các môn đều có giá trị như nhau cho nên môn nào cũng phải cố gắng", Gia Hân nói. Tuy nhiên, nhờ việc học trường chuyên trước đó, Hân có thể chịu áp lực cao và được rèn luyện sự bền bỉ, quyết tâm.

Tháng 10/2022, khi đang học lớp 12, Gia Hân được điểm tuyệt đối ở 6 môn IB, rồi nhận tin trúng tuyển Đại học Stanford - trường xếp thứ ba trong bảng xếp hạng đại học thế giới của QS.

Chị Bùi Tuyết Bình (áo trắng, đeo kính) tại một sự kiện du học hôm 25/12 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cho con học trường quốc tế cũng là lựa chọn của chị Phạm Lan Anh, mẹ của Lương Anh Khánh Huyền - nữ sinh trúng tuyển trường kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania. Khánh Huyền được học các môn AP, giúp em làm quen và hoàn thành một số tín chỉ đại học. Ngoài ra, theo chị Lan Anh, khi học ở Việt Nam, con có thuận lợi là sống cùng gia đình nên cân bằng về tâm lý, được các thầy cô giỏi hướng dẫn và dễ dàng tham gia các hoạt động ngoại khóa, thực tập theo lĩnh vực mà con hướng đến. Khánh Huyền đạt điểm GPA gần tuyệt đối, điểm bài thi chuẩn hóa dùng xét vào đại học Mỹ - ACT đạt 35/36.

Trong khi đó, chị Vũ Thu Lê, Hà Nội, cho con du học từ lớp 10 để thực hiện ước mơ vào đại học Mỹ. Con gái Châu Anh của chị hiện học lớp 12, trường Cate, bang California. Trường nội trú có nhiều quy định nghiêm ngặt, bao gồm việc tuân thủ giờ đi ngủ, trong khi theo nhận định của nữ sinh bài vở nhiều, các môn Lịch sử hay Văn học được chấm điểm rất khó. "Để được điểm A, học sinh quốc tế như em thực sự phải đổ mồ hôi công sức chứ không dễ dàng, học sinh Mỹ rất xuất sắc và chăm chỉ", Châu Anh nói.

Chị Thu Lê từng phải sang Mỹ vài tháng để hỗ trợ về tinh thần, chăm sóc con nộp hồ sơ đại học. Chị vừa làm việc online, vừa nấu cơm, rửa bát, lái xe đưa đón con đi học, tham gia ngoại khóa. Châu Anh nhận tin trúng tuyển đợt nộp đơn sớm vào Đại học Brown hồi tháng 12/2022, ngôi trường nằm trong nhóm 8 trường Ivy League danh giá.

Chị Ngô Điệp, mẹ của Trần Đĩnh Dũng, nam sinh giành học bổng 6,1 tỷ đồng đến Đại học Dartmouth, lại định hướng cho con vào trường chuyên. Từ học kỳ hai lớp 8, gia đình đã cho Dũng học thêm môn Vật lý để thi vào lớp 10 chuyên. Năm 2019, Dũng đỗ và chọn theo học trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Theo chị Điệp, môi trường có truyền thống học sinh đi du học đã trang bị cho con và các bạn ý thức đua nhau học. Ngoài giữ vững phong độ học tập với điểm GPA lớp 10, 11, 12 lần lượt là 9.3, 9.7, 9.9, Dũng tham gia và giành nhiều huy chương thi Vật lý, thiên văn quốc gia và quốc tế. "Nếu không vào trường chuyên, chị khẳng định chắc chắn con khó đi du học, nhất là vào đại học Ivy League như Dartmouth", chị Điệp nhận định.

Khánh Huyền trong buổi chụp ảnh kỷ yếu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, cho rằng thường khi bố mẹ có định hướng từ sớm, con sẽ có sức bật tốt và có sự may mắn, thuận lợi hơn khá nhiều so với các bạn ứng tuyển du học mà bố mẹ có ít thông tin để hỗ trợ con. Theo bà, dù ứng viên học ở đâu, các đại học top đầu Mỹ đều cởi mở. "Điều cần làm là học sinh có điểm trung bình học tập, điểm các kỳ thi chuẩn hóa cao, có một số giải thưởng, minh chứng về khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, sự năng động", bà Hoa nói.

Theo chị Tuyết Bình, giai đoạn cấp 3 là giai đoạn bước đệm, nếu tìm đúng môi trường giúp con, bố mẹ sẽ tạo đà để con tiến tới ước mơ du học đại học Mỹ. Các yếu tố để chọn trường là sở thích, sở trường của con và điều kiện kinh tế của gia đình.

Bà Đào Thu Hiền, Thạc sĩ Đại học Harvard, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục quốc tế GPA, nhận định ngoài năng lực của học sinh và sự định hướng, giúp đỡ của bố mẹ, để theo học tại những đại học danh tiếng của Mỹ, các gia đình còn cần chi những khoản tiền tốn kém. Bà Hiền nói từng biết có phụ huynh kỳ hợp đồng tư vấn 3 tỷ đồng với một trung tâm du học, với mong muốn con vào được đại học Ivy League. Ngoài ra, chi phí luyện thi chứng chỉ chuẩn hóa như SAT, IELTS, trại hè, học thêm của học sinh này khoảng 1-1,2 tỷ đồng, học phí theo học trường quốc tế 700 triệu đồng mỗi năm. Nếu trúng tuyển nhưng không có học bổng toàn phần, gia đình này cần chi trả thêm ít nhất khoảng 5 tỷ đồng cho bốn năm học cử nhân. "Như vậy, tổng chi phí bố mẹ đầu tư cho em học sinh này du học Mỹ có thể lên tới gần 12 tỷ đồng", bà Hiền ước tính.

Nếu theo học phổ thông ở Mỹ, theo bà Hiền, chi phí khoảng 1 tỷ đồng một năm học, những trường phổ thông hàng đầu có thể tới 1,5 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên, bù lại học sinh không tốn tiền luyện thi hoặc tham gia ngoại khóa quá nhiều.

Nếu theo học tại các trường quốc tế ở Hà Nội, TP HCM, học phí dao động 138 - 807 triệu đồng, phổ biến ở mức 500 - 600 triệu đồng một năm học. Nếu học trường công, các gia đình cũng thường phải đầu tư 300-600 triệu đồng, gồm tư vấn, cho con luyện thi các chứng chỉ, tham gia các hoạt động ngoại khoá. Muốn hồ sơ ứng tuyển cạnh tranh, nhiều gia đình đầu tư cho con các khóa học chuyên sâu, học 1-1 (một thầy, một trò) với chi phí 1-3 triệu đồng một buổi. "Có bạn không đòi hỏi mức đầu tư lớn như thế nhưng cũng đòi hỏi năng lực cao và nội lực rất lớn", bà Hiền nói.

Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ hồi tháng 11/2022, năm học 2021-2022, Việt Nam lần đầu trong top 5 về sinh viên quốc tế ở Mỹ với 20.713 người, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 721 triệu USD (khoảng 17.000 tỷ đồng).

Nói về lý do sẵn sàng đầu tư cho con, chị Phạm Lan Anh cho biết, con gái theo đuổi ngành Kinh doanh nên việc học tại môi trường giáo dục hàng đầu về nghiên cứu kinh tế, tài chính cũng như có điều kiện thực tập tại các ngân hàng, công ty quản lý quỹ danh tiếng sẽ tạo điều kiện để con gái học tập tốt nhất. Hơn nữa, Mỹ là môi trường cạnh tranh cao, sẽ là môi trường để phát triển toàn diện các tiềm năng của con.

Bà Đào Thu Hiền cho biết, thường bố mẹ có khả năng tài chính mạnh sẽ không tiếc tiền đầu tư cho con. Theo bà, việc du học giúp nhân lực người Việt rút ngắn chênh lệch về trình độ với thế giới. Các sinh viên Việt tốt nghiệp đại học danh tiếng ra trường dễ xin việc ở các công ty lớn nước ngoài với mức thu nhập không thua kém gì người Mỹ. Còn nếu trở về, các em là nguồn nhân sự chất lượng cao đóng góp cho phát triển của đất nước. Tuy nhiên, phụ huynh cần đồng hành để con được chuẩn bị tốt về mọi mặt, nhất là về tinh thần, bản lĩnh trước khi theo đuổi môi trường học thuật cao, áp lực lớn.

"Lợi ích của đầu tư du học không phải đo được ngày một, ngày hai. Một cuộc sống hạnh phúc, những trải nghiệm quý báu, cơ hội mở mang tri thức của con không định giá được", bà Hiền nói.

Lệ Thu

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020