Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cả tầm vĩ mô ngắn hạn hay dài hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT. Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sau gần một năm ông giữ cương vị Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Nhật Hồng).
Đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp
Bộ đã có một năm khó khăn trong tình hình dịch bệnh, vậy Bộ có kế hoạch như thế nào khi học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ dịch dài?
- Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chủ động gặp và làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung hướng dẫn đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.
Nhằm thích ứng an toàn lâu dài với tình hình dịch bệnh, Bộ tiếp tục đề nghị các địa phương, tùy theo tình hình dịch bệnh, bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ để tổ chức dạy học trực tuyến, truyền hình, đi học trực tiếp đảm bảo chất lượng và an toàn cho học sinh.
Cụ thể, Bộ đã ban hành Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2021 về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập; Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Trước đó, Bộ đã quy định nội dung cốt lõi trên cơ sở các yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh phù hợp để có quy định nội dung cốt lõi phù hợp hơn hướng tới mục tiêu giảng dạy phù hợp với điều kiện dịch bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là dạy học trực tuyến hay trực tiếp. Tiếp tục tổ chức xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình cho tất cả các cấp/bậc học, tập trung vào các bài giảng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phát triển con người với các năng lực cảm xúc, thẩm mỹ, năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt - Đó có phải là một trong những lý do, năm qua Bộ trưởng đề cập nhiều đến việc nghiêm cấm học theo Văn Mẫu soạn sẵn trong nhà trường?
- Môn Ngữ văn là môn học có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, các năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người, lấy phát triển con người, nâng cao trí tuệ cảm xúc, năng lực cảm xúc làm trọng tâm. Đặc biệt, một trong những việc cần làm tốt đầu tiên đối với môn học này là trang bị kiến thức và kỹ năng biết và vận dụng tiếng Việt đúng, thành thạo.
Vừa qua trong một số cuộc họp và chỉ đạo công việc tôi có nêu là cần phải chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Bởi việc dạy theo văn mẫu, đặc biệt là việc giáo viên đọc cho học sinh chép rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo những cảm xúc và những tình cảm chân thực, chân thành của học sinh khó được phát huy. Trong thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu và có những biện pháp cụ thể hơn để điều chỉnh.
Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi
Bộ trưởng nghĩ gì về nghề giáo và lực lượng nhà giáo có vai trò thế nào trong sự nghiệp phát triển của ngành Giáo dục?
- Nền giáo dục nước nhà chỉ có thể phát triển bền vững, lâu dài, và thực chất khi có một đội ngũ các nhà giáo giỏi và tâm huyết với nghề. Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi, và như thế sẽ tạo ra các thế hệ giỏi, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, và công cuộc phát triển đất nước. Trong các định hướng phát triển trọng tâm thời gian tới của ngành, Bộ GDĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo và quan tâm đến chế độ, chính sách các nhà giáo là một trong những các nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, vẫn đang còn có những bất cập, tồn tại liên quan đến nhà giáo như: vị thế, hình ảnh, sự tôn nghiêm có phần bị xem nhẹ, chế độ và chính sách còn có những bất cập, thiệt thòi cho giáo viên, đặc biệt là những thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, … và nhiều vấn đề khác.
Để có thể giải quyết được những vấn đề trên, cần có sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành liên quan, trong đó, Bộ GDĐT sẽ đặc biệt quan tâm để không chỉ thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ đối với các thầy cô giáo mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm phát triển đội ngũ các nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Phát triển con người vẫn phải đảm bảo các năng lực và kỹ năng mà đất nước cần ở những giai đoạn và những đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể" (Ảnh: Nhật Hồng).
Việc phát triển con người là gốc rễ
Bộ trưởng nhận định như thế nào về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đâu là những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Giáo dục trong năm 2022?
- Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cả tầm vĩ mô ngắn hạn hay dài hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT. Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt. Tuy nhiên, phát triển con người vẫn phải đảm bảo các năng lực và kỹ năng mà đất nước cần ở những giai đoạn và những đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Như thế, việc phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững.
Trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ ưu tiên cho một số công việc:
Trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.
Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!