Chuyên mục  


base64-1693844223200870773053.png

Sáng 4-9, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM) tổng dượt chuẩn bị cho ngày khai giảng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện với nhiều nội dung tâm huyết. Người đứng đầu ngành giáo dục đang trăn trở gì cho con đường đổi mới giáo dục và muốn nhắn gửi gì đến thầy cô giáo, học sinh và xã hội?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Đổi mới giáo dục cần hướng đến thúc đẩy sự năng động, sáng tạo. 

Cùng với đó, trong quá trình đổi mới, công việc của giáo viên tăng lên, thách thức nhiều hơn, hoạt động dạy học đa dạng, khác biệt, sáng tạo hơn và cũng sẽ dần giải quyết được các vấn đề như học thêm, học vẹt, văn mẫu... lâu nay nhiều người vẫn lo lắng".

Vai trò của giáo viên trong cuộc đổi mới này là quan trọng nhất. Những thay đổi mạnh mẽ từ người thầy sẽ tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa tích cực. Nhưng để giáo viên có một môi trường thuận lợi thực hiện đổi mới, sáng tạo, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Thay đổi quan trọng nhất: vai trò của người thầy

* Đổi mới giáo dục là tất yếu, nhưng con đường của nó dường như đang đứng trước nhiều thách thức với nhiều quan điểm còn khác nhau về một số công việc cụ thể, ví như câu chuyện sách giáo khoa (SGK) vừa qua. Đâu là cái cũ cần phải quyết liệt cởi bỏ để giáo dục được sáng tạo từ thầy đến trò, thưa ông?

- Chúng ta nói nhiều về nền giáo dục đổi mới, nhưng đổi mới giáo dục không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thay đổi nội dung một số môn học, mà đổi mới đòi hỏi phải có rất nhiều thay đổi, mà một trong những thay đổi quan trọng nhất là vai trò người thầy. 

Trước đây, khi khả năng tiếp cận kiến thức còn hạn chế thì người thầy càng biết nhiều càng giỏi. Nhưng trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, ta có thể tiếp cận kiến thức từ nhiều kênh khác nhau, lượng kiến thức của nhân loại ngày càng khổng lồ, không giới hạn và bản thân kiến thức, thông tin đang không ngừng biến đổi. 

Vì thế, việc dạy học không thể chỉ nhằm vào truyền thụ kiến thức thuần túy.

Người thầy phải là người dẫn dắt, định hướng, tổ chức, hỗ trợ, điều phối hoạt động học tập, nghiên cứu để học trò phát triển các năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần có đáp ứng với yêu cầu mới hiện nay. 

Chúng ta không thể áp dụng chương trình cũ, SGK cũ, cách tiếp cận giáo dục cũ, cách dạy học cũ để thực hiện một chương trình mới và đạt được những mục tiêu mới.

Vì thế cần có một chương trình mở, khích lệ sự sáng tạo, chủ động của người dạy, người học. Tôi muốn nhấn mạnh đến từ khóa "chủ động, sáng tạo". Với chương trình mới, nếu không có sự chủ động, sáng tạo sẽ rất khó thực hiện.

* Vậy làm thế nào để có thể "chủ động", "sáng tạo" trong bối cảnh giáo dục hiện nay, thưa ông?

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đi theo hướng đó. Hiện chúng ta đã có một chương trình khung chung cho cả nước, đủ chi tiết để giáo viên có thể dựa vào chương trình, yêu cầu cần đạt của chương trình để tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Khác với trước, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình có tính mở. 

Giáo viên không phải lo dạy đúng trình tự phân phối chương trình cứng đến từng chi tiết, không buộc phải dạy đúng nội dung trong SGK một cách "đồng phục" như trước đây. Thay vào đó, họ được chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch dạy học của mình.

Giáo viên có thể sử dụng một hoặc nhiều SGK, các tài liệu khác để xây dựng bài giảng của mình; có thể áp dụng các phương pháp dạy học, đánh giá học sinh đa dạng, vượt ra ngoài không gian lớp học. 

Kế hoạch dạy học của giáo viên được chủ động trong tổng thể kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường. Và trên cơ sở kế hoạch bao quát của ngành, mỗi nhà trường có quyền chủ động xây dựng một kế hoạch sao cho phù hợp với định hướng mục tiêu, điều kiện, đối tượng học sinh của mình.

dptuutruongnguyenthuonghien-7-1998816-1read-only-1693844168623302496528.jpg

Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) vui vẻ trong ngày tựu trường - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thoát khỏi thói quen lệ thuộc cứng nhắc vào SGK

* Để hình thành và duy trì tốt một nền giáo dục mở, sáng tạo, theo ông cần bắt đầu từ những thay đổi nào?

- Để thực hiện mục tiêu đổi mới cần phải có quá trình, và quá trình đó cần có thời gian để cho thấy những kết quả. Việc xác định rõ con đường đi ngay từ đầu và kiên định với con đường đó là điều rất quan trọng. 

Cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phải nắm được tinh thần cốt lõi của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. 

Các nhà trường, các thầy cô giáo cũng cần hiểu rõ quyền tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học của mỗi giáo viên, trong việc linh hoạt ứng dụng các phương pháp, hình thức, tài liệu dạy học.

Đặc biệt, người thầy trong thời kỳ đổi mới này phải thoát khỏi thói quen lệ thuộc cứng nhắc vào SGK khi dạy học. SGK là một công cụ quan trọng giúp giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học. 

Nhưng người thầy có thể sử dụng các tài liệu khác nhau đã được thẩm định hoặc bài soạn của chính mình để dạy học, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh để đạt được các mục tiêu của chương trình. Đây là những thay đổi mang tính cốt lõi, tuy không thể thực hiện triệt để ngay nhưng cần có sự thống nhất, kiên trì hướng tới để tiến dần đến các mục tiêu đã đề ra.

* Ông đánh giá như thế nào về điều kiện để triển khai cuộc đổi mới giáo dục lần này? Nói một cách khác là xác định những khó khăn, thách thức đang phải vượt qua?

- Có vô vàn khó khăn và thách thức đặt ra với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng, trong số đó nổi bật vẫn là vấn đề: thiếu giáo viên, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu trang thiết bị dạy học, tài liệu dạy học, sĩ số học sinh/lớp ở nhiều nơi vẫn vượt quá quy định... 

Cùng với đó, nhiều quy định trong quản lý chuyên môn bất hợp lý, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên còn chưa đảm bảo thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề. Để giải quyết những vấn đề này, không chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được mà cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương.

Một khó khăn khác cần phải nói tới đó là sự chậm thay đổi về quan điểm, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên. Mặt khác, ngành giáo dục cũng chưa làm cho phụ huynh, cho xã hội hiểu đầy đủ về tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện để có được niềm tin, sự chia sẻ, đồng sức, đồng lòng tốt hơn.

Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN:

Để không còn văn mẫu, luyện thi

Một chương trình nhiều bộ sách là cách tiếp cận hướng đến một nền giáo dục mở, khích lệ sự sáng tạo.

Cách tiếp cận này sẽ dần cải thiện và khắc phục vấn đề dạy học khuôn cứng, lệ thuộc vào một bộ học liệu nhất định, dễ dẫn đến các vấn đề như văn mẫu, toán mẫu, học thuộc lòng, là luyện thi, là học ứng thí...

Cùng với đó, không chỉ hoạt động dạy học bị lệ thuộc vào SGK mà nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử khó có thể thoát ra ngoài phạm vi nội dung SGK.

Hỗ trợ nhiều hơn cho nhà trường, giáo viên

* Theo bộ trưởng, những điều kiện, công việc nào cần làm ngay để đi tiếp con đường đã định?

- Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị để kiên định và kiên trì với bản chất và mục tiêu xuyên suốt cần đạt được của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, bộ sẽ chủ động, tích cực hơn trong công tác thông tin, truyền thông để làm cho xã hội, phụ huynh hiểu sâu hơn về nội dung cốt lõi của chương trình này. Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp lý để điều chỉnh, sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường, giáo viên phát huy sự chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chương trình mới.

Bộ cũng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất, kiến nghị các chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo.

1289f250229ef0c0a98f-1998830-1read-only-1693844168598366544907.jpg

Các giáo viên tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Việt tại Hà Nội - Ảnh: N.TRẦN

Đặc biệt, trong năm học mới, việc tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được làm ráo riết hơn với các hình thức linh hoạt nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường, giáo viên tháo gỡ vướng mắc, bất cập cụ thể trong quá trình triển khai chương trình.

Và để có thể tiếp tục con đường đổi mới, ngành giáo dục rất cần sự tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, của xã hội, của các phụ huynh.

Không chỉ là sự hỗ trợ để giải quyết các vấn đề như thiếu giáo viên, thiếu trường, lớp, thiết bị dạy học mà trong việc thay đổi dần quan điểm tiếp cận giáo dục, bình đẳng trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền...

Bộ GD-ĐT cũng sẽ làm việc nhiều hơn với các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, để cùng giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà trường và giáo viên.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020