Lời tòa soạn
Năm 2023 là năm quan trọng, đánh dấu 10 năm ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây cũng là năm ngành bước vào giai đoạn “cao điểm,” khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đồng thời ở cả ba cấp học.
Nghị quyết 29 nêu rõ định hướng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
Mục tiêu của đổi mới là “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân… Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng… Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.”
Với những mục tiêu, nhiệm vụ trên, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 đã tạo ra sự kỳ vọng lớn trong xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục.
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết chỉ rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa.”
Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/62004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giao và cán bộ quản lý giáo dục đã nêu rõ: Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiepj công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nồng cốt, có vai trò quan trọng.”
Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng thành từ nhà giáo, Giáo sư Nguyễn Kim Sơn cho hay ông hiểu một cách sâu sắc rằng nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo, đội ngũ nhà giáo là tài sản quý giá nhất của ngành, là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của đổi mới.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới với “những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như rời non lấp bể” trong bối cảnh “thiếu mọi thứ,” gồm cả hai yếu tố mang tính quyết định là giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu giáo viên.
Không chỉ thiếu về số lượng, giáo viên cũng chưa được đảm bảo về chất lượng ở một số môn học theo yêu cầu của chương trình mới. Tinh thần say mê với nghề cũng phần nào bị lung lay bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền khi yêu cầu, áp lực ngày càng cao dẫn đến tình trạng hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc mỗi năm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đào tạo, dù toàn ngành đã không ngừng nỗ lực và đã đạt những kết quả tích cực trong bước đầu đổi mới…
Trong khi đó, một năm học mới đã lại bắt đầu, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả với rất nhiều yêu cầu mới, trong bối cảnh “đi cày” mà thiếu “trâu”. Đây thực sự là một bài toán cần sớm có lời giải đáp, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần phải nhanh chóng có những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.
Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng nhức nhối và những hệ quả của việc thiếu giáo viên cũng như “điểm mặt, chỉ tên” nguyên nhân và gợi mở giải pháp từ phía chuyên gia, những nhà giáo tâm huyết, Báo Điện tử VietnamPlus mời độc giả đón đọc chùm bài “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới”.
Bài 1: Đỏ mắt tìm giáo viên, trường “giật gấu vá vai” chạy đua năm học mới
Tiếng trống trường đã rộn rã ngoài sân, học sinh quần áo chỉnh tề, khăn quàng đỏ bay phấp phới, tập dượt cho ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 đã cận kề, nhưng trong phòng làm việc, cô Hiệu trưởng T.H. (Hà Nội) đang đau đầu để tính toán, sắp xếp thời khóa biểu, bởi so với chỉ tiêu, trường cô đang thiếu đến hơn 10 giáo viên.
“Tôi phải đôn đáo khắp nơi mới tìm được 4 giáo viên để ký hợp đồng. Đa số thầy cô ở trường phải dạy hai môn,” cô T.H. chia sẻ.
Thiếu tới trên 118.000 giáo viên
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở dữ liệu ngành, đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Trong số đó, bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu trên 33.000 giáo viên, trung học cơ sở thiếu hơn 19.300 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu gần 14.000 giáo viên.
Thống kê cũng cho thấy các tỉnh thành trên cả nước đều trong tình trạng không đủ nhân lực đứng lớp cho ngành giáo dục và đào tạo. Thiếu nhiều nhất là Hà Nội với trên 14.000 giáo viên, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh thiếu trên 9.000 giáo viên, Nghệ An thiếu gần 7.800 giáo viên, Thanh Hóa thiếu gần 5.000 giáo viên.
Đến năm học 2023-2024 này, số lượng giáo viên thiếu còn tăng lên nhiều hơn nữa.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay thời điểm này, số giáo viên còn thiếu của Thanh Hóa so với định mức là trên 16.600 người, gấp hơn 3 lần số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở dữ liệu ngành năm học 2022-2023. Nguyên nhân do chỉ tiêu được giao thấp so với nhu cầu, trong khi quy mô học sinh tăng lên và ngành bị cắt giảm biên chế.
Thiếu lượng giáo viên lớn nên ngày 4/8 vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo và đề xuất về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024. Theo đó, Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung 16.634 biên chế, trong đó bậc mầm non 4.936 biên chế; tiểu học 4.703 biên chế; trung học cơ sở 6.131 biên chế; rung học phổ thông 864 biên chế.
Thiếu giáo viên nên tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông ở các địa phương trên cả nước đều thấp hơn so với quy định.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non, các môn học mới xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông) nhưng chậm được khắc phục, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Tại Hội thảo về giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam 2023 vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng Bảy vừa qua, Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh.
Báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho thấy ở bậc trung học phổ thông, tổng số giáo viên môn Nghệ thuật trong biên chế của cả nước chỉ vỏn vẹn 46 giáo viên, dù có đến 2.465 trường. Trong số đó, cả khu vực Đồng bằng sông Hồng có 2 giáo viên, miền núi phía Bắc có 19 giáo viên, Bắc Trung bộ có 12 giáo viên, Tây Nguyên có 4 giáo viên, Đông Nam Bộ có 4 giáo viên, Đồng bằng Sông Cửu Long có 5 giáo viên. Địa phương có nhiều giáo viên Nghệ thuật nhất là Bắc Giang với 7 người.
Thiếu hàng trăm nghìn giáo viên nhưng năm học 2022-2023, ngành giáo dục có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc, trong đó có trên 10.000 giáo viên nghỉ hưu và gần 9.300 giáo viên nghỉ việc.
“Treo thưởng” trăm triệu cũng không có ứng viên
Trước thực trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở hầu hết các địa phương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: “Phân bổ giáo viên còn thấp so với định mức tối đa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là thực tiễn ở các địa phương.” Cũng theo ông Cường, năm học 2023-2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ nhu cầu so sánh với định mức để xác định mức bổ sung trong thời gian tới.
Tuy vẫn còn ít hơn nhiều so với nhu cầu nhưng việc tuyển dụng cũng không dễ dàng, nhất là với các vùng khó khăn do thu nhập giáo viên thấp, áp lực công việc lớn trong khi ứng viên có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết năm học 2022-2023, tỉnh được giao 614 biên chế nhưng chỉ tuyển được 140 người vì không có nguồn tuyển.
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cho hay hiện tổng số giáo viên của Yên Bái mới đạt 86,5% so với định mức, song dù có chỉ tiêu, việc tuyển dụng rất khó khăn, kể cả có chính sách thu hút, hỗ trợ.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt, với tổng số chỉ tiêu tuyển là 2.532 giáo viên nhưng số đăng ký chỉ có 1.359 người, chiếm 53,7%; số trúng tuyển là 726 người, chiếm 53,4% số dự tuyển và chỉ chiếm 28,7% tổng chỉ tiêu tuyển.
“Riêng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, tỉnh có chính sách thu hút lên vùng cao đối với giáo viên tuyển mới với số tiền 100 triệu đồng/người nhưng vẫn chưa tuyển mới được một trường hợp nào,” ông Duy buồn rầu cho biết.
Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. “Giống như Yên Bái, đội ngũ giáo viên của Cà Mau thiếu rất nhiều. Trung ương quan tâm, phân bổ cho Cà Mau 600 viên chức ngành giáo dục nhưng không tuyển được vì không có nguồn, đặc biệt là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc,” ông Luân cho hay.
[Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm học]
Cũng theo ông Luân, Cà Mau còn có lực lượng khá lớn giáo viên ở các tỉnh phía Bắc được tăng cường vào dạy học từ 15-20 năm trước, đến nay các thầy cô có nguyện vọng chuyển đi địa phương khác, số lượng khoảng 200 người mỗi năm. Vì thế, giáo viên vốn đã thiếu lại càng thêm thiếu, nhất là huyện Ngọc Hiển, huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh.
“Hiện tỉnh đang giao sở giáo dục và đào tạo rà soát để đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách thu hút giáo viên, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, chính sách với giáo viên mầm non,” ông Luân nói.
Một giáo viên “chạy sô” 4 trường, làm việc 200%
Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến cho các địa phương phải chật vật tìm người, “giật gấu vá vai,” co kéo để có giáo viên dạy cho học sinh, đặc biệt là các địa phương vùng khó khăn, vốn ít thuận lợi trong thu hút nhân lực.
Nếu Ngọc Hiển là huyện vùng sâu vùng xa nhất, thiếu giáo viên trầm trọng nhất của tỉnh Cà Mau thì xã Đất Mũi là xã xa xôi nhất của huyện này. Ông Lâm Quốc Trạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đất Mũi cho hay toàn xã có 5 trường, gồm một trường mầm non, 3 trường tiểu học và một trường trung học cơ sở với tổng số gần 2.500 học sinh, nhưng bậc học nào cũng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tin học, Tiếng Anh.
Thầy Phạm Minh Đạo là giáo viên dạy môn Tin học duy nhất của xã Đất Mũi nên dù biên chế ở Trường Trung học cơ sở Đất Mũi, thầy vẫn phải “chạy sô” kiêm nhiệm thêm môn học này cho cả ba trường tiểu học trên địa bàn.
Với môn Tiếng Anh, cả trường Trung học cơ sở Đất Mũi cũng chỉ có duy nhất một giáo viên là cô Nguyễn Thị Diễm Trang nên mình cô phải dạy cho gần 700 học sinh. Vì vậy, trong năm học 2022-2023, mỗi tuần cô phải dạy hơn 40 tiết, trong khi quy định giáo viên chỉ dạy 19 tiết/tuần.
“Năm học 2023-2024 tới đây, trường đã ký hợp đồng được với một giáo viên nên cô Trang sẽ không phải làm việc hơn 200% như vậy nữa, nhưng mỗi tuần cô vẫn phải dạy hơn 20 tiết, vượt quy định,” thầy Quân chia sẻ.
Trong khi đó, ở bậc tiểu học, xã Đất Mũi có ba trường nhưng chỉ có một giáo viên Tiếng Anh nên giáo viên này phải luân phiên dạy học sinh của cả ba trường. “Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục,” thầy Vũ Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 xã Đất Mũi thẳng thắn nói.
Để phần nào gỡ khó cho các trường, các địa phương đã phải linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài.
Trong năm học vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện biệt phái giáo viên Tiếng Anh ở vùng thuận lợi lên vùng khó khăn, khi cả huyện Mù Căng Chải với 16 trường tiểu học và trên 9.000 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh biên chế. Yên Bái còn nhờ sự hỗ trợ của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn Tiếng Anh cho học sinh của 5 trong tổng số 9 huyện, thị trên địa bàn.
“Yên Bái cũng phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển, đào tạo ngay tại tỉnh. Chúng tôi đã tuyển được khóa đầu tiên với 35 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm nguồn giáo viên Tiếng Anh lâu dài,” ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Tại Hà Giang, năm học 2022-2023, toàn huyện Mèo Vạc chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh ở cấp tiểu học. Huyện đã phải nhờ giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) dạy trực tuyến qua Zoom ba tiết mỗi tuần cho học sinh. Dù huy động cả các bậc học trên, giáo viên của huyện Mèo Vạc chỉ đảm nhiệm được một tiết mỗi tuần.
Sự chung tay của cộng đồng giáo viên vùng thuận lợi hỗ trợ vùng khó khăn là điều vô cùng đáng quý, nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ có thể là giải pháp tạm thời và chất lượng giáo dục không thể đảm bảo so với có đội ngũ giáo viên trực tiếp tại trường.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính của việc thiếu giáo viên do quy mô học sinh tăng cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu dạy hai buổi/ngày ở bậc tiểu học, cũng như xuất hiện thêm các môn và nội dung học mới như môn Tin học, Ngoại ngữ ở tiểu học, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương. Trong khi đó, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không kịp thực tế, việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế để giữ chân giáo viên gắn bó với nghề. Một số địa phương không tuyển dụng giáo viên mới để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cơ sở, ngoài các nguyên nhân trên, các địa phương đã chỉ ra những hạn chế trong cơ chế, chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, việc quy định một định mức giáo viên/lớp, mức sỹ số học sinh/lớp chung cho cả nước là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho địa phương trong tuyển dụng.
Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cho hay dù đã được tăng 319 biên chế trong năm học vừa qua nhưng địa phương này hiện vẫn đang thiếu836 giáo viên. Nguyên nhân do tỉnh có địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở vùng biên giới và các huyện 30A, nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, còn nhiều lớp ghép. Thực trạng này làm tăng nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng số lượng người cần làm trong ngành giáo dục so với tổng số học sinh, dẫn đến thiếu giáo viên. Trong khi đó, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn nên không thu hút được người ứng tuyển.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, để tạo được nguồn tuyển, thu hút được giáo viên, vấn đề chính sách cho nhà giáo ngày càng đặt ra bức thiết hơn, khi nhu cầu đời sống ngày càng tăng và cơ hội nghề nghiệp cũng phong phú hơn, trong khi đồng lương giáo viên eo hẹp.
Bài 2: Hơn 10.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm, cách nào để giữ chân nhà giáo?
Bài 3: Chương trình đi trước, giáo viên mải mướt theo sau
Bài 4: Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng