Chuyên mục  


thich-chan-quang-17192812415211823352911.jpg

Thượng tọa Thích Chân Quang tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Luật Hà Nội - Ảnh: HLU

Trường đại học Luật Hà Nội đang rà soát các mốc thời gian học cử nhân, tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang, sau đó sẽ có văn bản báo cáo chi tiết. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định đây là trường hợp rất khó lý giải.

Nhà trường đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh

Ngày 26-11-2019, hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội ký quyết định phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh luật đợt 2 năm 2019. Quyết định này căn cứ trên kết quả xét tuyển nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 và danh sách thí sinh đề nghị công nhận trúng tuyển đã được hội đồng tuyển sinh sau đại học thông qua ngày 21-11-2019.

Trong danh sách này có tên ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) với ngành luật hiến pháp và luật hành chính.

Thời gian từ lúc ông trúng tuyển (tháng 11-2019) đến lúc bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12-2021 tương đương 2 năm (24 - 25 tháng).

Đáng chú ý, thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 của Trường đại học Luật Hà Nội (ngày 7-6-2019) quy định điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh, trong đó đối với người có bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp…

Sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức ở trình độ thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển.

Tuy nhiên đến ngày 30-9-2019 nhà trường lại có thông báo đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh trong thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019. Điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh có một trong các văn bằng: "bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp…".

Lý giải về việc đính chính này, nhà trường cho biết trong quá trình soạn thảo thông báo tuyển sinh, nội dung về "điều kiện dự tuyển" chưa đảm bảo tính chính xác so với quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành theo quyết định số 216/QĐ-ĐHLHN ngày 24-1-2019 của hiệu trưởng nhà trường.

Trường đại học Luật Hà Nội quy định thời gian học tiến sĩ 4 năm với người có bằng đại học

Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng học lên tiến sĩ bao gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, đối tượng cử nhân phải tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên được học thẳng lên tiến sĩ.

Theo quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội ban hành tháng 1-2019, thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung; đối với người có bằng đại học là 4 năm tập trung liên tục.

Thực tế thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành luật ngày 26-1-2019, đến ngày 2-4-2022 nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ.

Lý giải việc thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, cho biết thượng tọa Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân (tốt nghiệp loại giỏi) lên trình độ tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính; và làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

"Thượng tọa Thích Chân Quang đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ các bước theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Hòa khẳng định.

"Cử nhân học xong tiến sĩ trong 4 năm đã rất siêu rồi"

Nhiều chuyên gia cho hay thực tế cũng có không ít người tốt nghiệp đại học được học thẳng lên tiến sĩ. Họ đều là những sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp đại học chính quy. Còn đối với trường hợp sinh viên tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học (tại chức cũ) được học thẳng lên tiến sĩ là rất hiếm ở hầu hết các trường đại học trên cả nước. Do vậy, trường hợp của thượng tọa Thích Chân Quang là vô cùng đặc biệt.

Nếu thực hiện đúng quy chế đào tạo tiến sĩ cũng như quy định của chính Trường đại học Luật Hà Nội thời điểm năm 2019, đối với cử nhân học thẳng lên tiến sĩ phải học tập trung 48 tháng. Những nghiên cứu sinh này nếu học xuất sắc được hiệu trưởng cho phép rút ngắn thời gian học thì cũng phải học ít nhất 36 tháng.

"Như vậy, thượng tọa Thích Chân Quang trúng tuyển nghiên cứu sinh luật vào tháng 11-2019, đến lúc nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ tháng 4-2022 là chưa đủ 36 tháng. Trường đại học Luật Hà Nội cần rà soát kỹ lại các thông tin liên quan để có lời giải thích hợp lý. Nếu trường không có lời giải thích thuyết phục, chỉ riêng về thời gian đào tạo đối với trường hợp này thì trường đã sai quy chế đào tạo tiến sĩ", một chuyên gia khẳng định.

Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM trước đây từng học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ cho hay:

"Theo quy chế, người tốt nghiệp cử nhân loại giỏi (không phân biệt hệ đào tạo) được học thẳng lên tiến sĩ. Những người học thẳng từ đại học lên tiến sĩ bên cạnh tốt nghiệp loại giỏi trở lên thường có bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành được tính điểm.

Các nghiên cứu sinh này thường học tập rất vất vả do phải học lại toàn bộ kiến thức ở trình độ thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển. Sau đó mới làm luận án và bảo vệ các chuyên đề trong luận án… Cùng lúc học nhiều chuyên đề, thi, bảo vệ chuyên đề, bảo vệ cấp khoa, phản biện kín, bảo vệ cấp trường…

Một số nghiên cứu sinh xuất sắc, với các bài báo quốc tế có thể hoàn thành đúng tiến độ đào tạo trong 4 năm, được xem là rất siêu rồi. Bản thân tôi phải học hết thời gian đào tạo kéo dài cho phép theo quy định mới tốt nghiệp tiến sĩ (hơn 7 năm)".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020