Chuyên mục  


Hành trình nhiều năm đồng hành với điện ảnh Việt Nam ở vai trò thiết kế bối cảnh và phục trang đã giúp nhà thiết kế Jose Mari Basilio Pamintuan (thường gọi là Joji) nhận thức được khó khăn, trở ngại đối với một nhà làm phim nước ngoài khi đến đây làm việc. Joji nói rằng khó khăn nhất là thấu hiểu và lột tả được bản sắc và sự đậm đà của văn hóa Việt Nam.

Những năm gần đây, ở địa hạt điện ảnh, trong các hạng mục đầu tư chuyên tâm, thì thiết kế nói chung luôn là một ưu tiên. Bên cạnh những họa sĩ, chuyên gia người Việt Nam, thì các đoàn phim của chúng ta không thiếu những chuyên gia ngoại quốc. Trong số này, nhà thiết kế Joji, người Philippines, có sự gắn bó sâu sắc, với nhiều dự án nổi bật. Anh đã gây dựng được tên tuổi tại thị trường phim Việt Nam thông qua mảng thiết kế cho các phim Thiên mệnh anh hùng, Để Mai tính, Cô hầu gái, Người bất tử... Danh sách những phim đang và sẽ làm của Joji còn dài dài.

Với hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại nước ta, Joji đã có đủ kinh nghiệm, vốn sống về con người và văn hóa để làm phim Việt Nam. Anh cũng đã hiểu rõ thái độ kiên nhẫn, sự chủ động và tính quan sát sẽ đem đến thành công cho các đoàn phim Việt Nam.

Nhà thiết kế Jose Mari Basilio Pamintuan. Ảnh: Diễm Mi

* Chào anh Joji, việc trở thành chuyên gia thiết kế cho các dự án phim điện ảnh tại Việt Nam của anh đã bắt đầu như thế nào?

- Có lẽ, nó bắt đầu khi tôi tham gia vào một dự án phim quảng cáo cho một hãng xe. Ban đầu, tôi nghĩ dự án sẽ được thực hiện tại Philippines, nhưng bất ngờ là phim lại được lên kế hoạch để quay tại Việt Nam. Và thế là chuyến đi tới Việt Nam lần đầu tiên của tôi bắt đầu từ đó.

Trước khi nhận lời mời làm phim quảng cáo này, tôi đã có sự nghiên cứu nhất định về văn hóa Việt Nam trong một số dự án tại quê nhà. Tôi cũng có chút kinh nghiệm nhỏ, đó là tham gia thiết kế sản xuất phim Platoon (năm 1986) của đạo diễn Oliver Stone, về chiến tranh Việt Nam. Nhưng có lẽ chỉ khi thật sự đặt chân đến Việt Nam, tôi mới có thêm những trải nghiệm thực tế mà việc nghiên cứu, tìm hiểu đơn thuần sẽ không thể nào mang lại.

"Tôi luôn đặt câu hỏi về mọi thứ, dù là nhỏ nhặt nhất, từ cái mái nhà ở mỗi địa phương, cho đến cách phát âm khác nhau của từng vùng miền. Những chi tiết nhỏ nhặt như vậy nhưng lại có giá trị rất lớn" - nhà thiết kế bối cảnh Joji.

* Đặt chân đến Việt Nam sinh sống và làm việc trong sự tình cờ như vậy, có phải anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hỏi và làm quen với văn hóa tại đây?

- Đúng là như vậy. Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất chính là ngôn ngữ. Đối với tôi, tiếng Việt là một ngôn ngữ khó, tôi cũng cố gắng học, nhưng có lẽ vẫn không hiệu quả bao nhiêu. Tuy nhiên, với đặc thù công việc, tôi vẫn phải tìm cách để đối thoại, giao tiếp hiệu quả với mọi người, khi tôi không thể nói tiếng Việt.

Thế là tôi chọn cách đắm chìm bản thân nhiều nhất có thể với văn hóa, lối sống, phim ảnh Việt Nam. Tôi chọn sinh sống, làm việc ở môi trường có càng nhiều người Việt Nam càng tốt, hạn chế nói tiếng Anh. Tập lắng nghe và đoán nghĩa tiếng Việt. Tôi cố gắng tạo dựng các mối quan hệ bạn bè với một số người dân tại đây để có thể học hỏi những kiến thức, góc nhìn từ họ.

co-hau-gai-1704841311224948897758.jpg

Phim “Cô hầu gái” (2016) do Joji thiết kế bối cảnh

* Trong quá trình học hỏi về văn hóa và con người Việt Nam để phục vụ cho công việc thiết kế phim ảnh, anh đã ấn tượng với trải nghiệm tại địa phương nào nhất?

- Người Việt Nam ở mỗi vùng miền là mỗi kiểu văn hóa khác nhau, được thể hiện qua cách suy nghĩ, lối sống, ăn uống... Tôi sống ở TP.HCM, một nơi rất thoải mái và dễ thích ứng.

Tại đây, tôi được học hỏi và kết bạn với nhiều người từ nhiều nơi khác nhau như Hội An, Huế, Hà Nội… Họ đã cho tôi những ý tưởng về con người, văn hóa tại quê hương mình một cách đa dạng, được phản ánh qua cách hành xử, tính cách, ngôn ngữ. Chính các tình bạn này cũng góp ý rất nhiều cho tôi về mặt thiết kế và bản sắc địa phương, vùng miền trong phim.

nguoi-bat-tu-170484131121813149407.jpg

Phim “Người bất tử” (2018) do Joji thiết kế bối cảnh

* Anh đã làm sao để giao tiếp hiệu quả và truyền đạt được trọn vẹn ý tưởng, thẩm mỹ với mọi người trong đoàn?

- Vì nhận thức được khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của bản thân vô cùng hạn chế, cho nên tôi đã tận dụng khả năng vẽ và thể hiện mọi thứ bằng hình ảnh cụ thể. Đi đến đâu tôi cũng cầm theo sổ để vẽ ngay, nó như một cuốn nhật ký ghi lại các ý tưởng, suy nghĩ của tôi lúc đó. Có thể nói, hình ảnh là công cụ giao tiếp chủ yếu và hiệu quả giữa tôi và mọi người trong đoàn.

Hơn nữa, những chi tiết của bối cảnh, phục trang mà tôi hình dung cũng sẽ khó truyền đạt được qua lời nói, nếu thiếu đi những minh họa cụ thể.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ chìa khóa cho thành công trong lúc làm việc đó chính là thái độ sẵn sàng để giao tiếp. Tôi luôn thể hiện với thành viên đoàn phim về nỗ lực trong việc giao tiếp với mọi người. Đó có thể là những lần tôi cố gắng nói tiếng Việt, dù phát âm sai; tôi tiếp nhận ý kiến mọi người một cách cầu thị.

* Anh có kinh nghiệm muốn chia sẻ với các nhà làm phim người nước ngoài khi bắt đầu tham gia vào các dự án phim tại Việt Nam hay không?

- Ở vai trò là người đảm nhiệm việc thiết kế và phục trang, tôi nghĩ quan trọng nhất là khả năng quan sát. Văn hóa cần có sự tỉ mỉ, vừa phải chú ý vào từng chi tiết, vừa phải chú ý tổng thể, thì mới có thể nắm bắt trọn vẹn được.

Tôi luôn đặt câu hỏi về mọi thứ, dù là nhỏ nhặt nhất, từ cái mái nhà ở mỗi địa phương, cho đến cách phát âm khác nhau của từng vùng miền. Những chi tiết nhỏ nhặt như vậy nhưng lại có giá trị rất lớn, vì chúng là yếu tố để làm nên một bức tranh hoàn chỉnh của bộ phim.

Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, tính quan sát không chỉ là điều cần thiết ở những người làm khâu thiết kế, phục trang như tôi, mà ở bất kỳ khâu nào, hoặc với bất kỳ nhà làm phim nước ngoài nào khi đến Việt Nam. Hiểu biết văn hóa chính là chìa khóa đi vào điện ảnh Việt Nam, cũng như bất kỳ nền điện ảnh nào.

Sự quan sát và nhạy cảm với từng chi tiết của văn hóa sẽ giúp các nhà làm phim nước ngoài vượt qua mọi rào cản trong hành trình thực hiện tác phẩm của mình tại Việt Nam.

* Cảm ơn anh Joji vềcuộc trò chuyện này!

Bối cảnh ngày càng được đầu tư

Đối với một bộ phim thành công, ngoài một kịch bản có chiều sâu là cốt lõi, việc có thể đem đến sự mãn nhãn về phần nhìn cho người xem hay không là một yếu tố then chốt.

Tuy nhiên, từng có một khoảng thời gian dài phim Việt Nam chỉ chú trọng ở yếu tố phục trang, bối cảnh cho một số phim lịch sử, dã sử, mang tính chất thần thoại, dân gian… mà bỏ quên sự đầu tư cần có ở mảng này cho các bộ phim lấy bối cảnh hiện tại.

Trong những năm gần đây, yếu tố phục trang, bối cảnh dần được khán giả chú ý trong các bộ phim điện ảnh. Các bộ phim vừa chiếu như Người vợ cuối cùng, Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn… dù còn gây nhiều tranh cãi về kịch bản, lời thoại, nhưng phần phục trang, bối cảnh đã nhận được cơn mưa lời khen về độ chi tiết, tính thẩm mỹ từ khán giả, giới phê bình. Chuyên gia Joji nhận định các yếu tố về phần nhìn và đặc biệt là vai trò của khâu thiết kế, phục trang trong phim điện ảnh đã được chú trọng và đầu tư cao hơn trước đây rất nhiều.

Dung hòa quốc tế và bản địa

"Một trong những thế mạnh của các chuyên gia về hóa trang và phục trang nước ngoài chính là góc nhìn sáng tạo về tính bản địa và quốc tế. Họ cập nhật được các xu hướng của thế giới, nhưng đồng thời thấu hiểu văn hóa địa phương, từ đó mang đến kết quả dung hòa được cả 2 yếu tố trên, giúp cho phần thiết kế bối cảnh, phục trang hoặc hóa trang của tác phẩm ấn tượng và độc đáo hơn" - đạo diễn Trần Hữu Tấn.

(Còn tiếp)

Nhân sự nước ngoài trong đoàn phim Việt Nam (kỳ 1) - Aaron Toronto: Tôi thích câu 'nhập gia tùy tục' của Việt Nam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020