Chuyên mục  


Ái Phương, Phương Anh Đào và Otis trong phim - Ảnh: CJ

Được làm lại từ một bộ phim hình sự của Hàn Quốc, Bằng chứng vô hình cho thấy khả năng tạo dựng một phiên bản Việt hóa mượt mà, hấp dẫn từ đầu đến cuối, cho dù vẫn mắc một vài hạn chế từ phiên bản gốc.

Không chỉ là bộ phim hình sự mở đầu cho trào lưu "thiller" nở rộ trong năm nay, Bằng chứng vô hình còn là tác phẩm được nhiều kỳ vọng "giải cứu" tình trạng ảm đạm của thị trường điện ảnh Việt sau cơn địa chấn COVID-19. Và cá nhân người viết đặt cược phần thắng vào bộ phim này!

Trailer phim Bằng chứng vô hình

Hành trình giải thoát và chuộc lỗi của cô gái mù

Bằng chứng vô hình thuộc thể loại suspense/crime thriller (hình sự tội phạm), một thể loại phim rất phổ biến của điện ảnh Hollywood và phần nào đó ở Hàn Quốc gần đây.

Đây là bộ phim làm lại từ Blind (Nhân chứng mù) của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt năm 2011. Và thực ra, tác phẩm gốc của đạo diễn Ahn Sang-hoon cũng lấy cảm hứng từ bộ phim Wait Until Dark ra mắt từ năm 1967 của đạo diễn Terence Young với diễn xuất của huyền thoại Audrey Hepburn (bà nhận được đề cử Oscar nhờ vai diễn này).

Ở cả ba bộ phim nói trên, nhân vật nữ chính đều bị khiếm khuyết về cơ thể (khiếm thị), đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng danh tính (sự dằn vặt về tội lỗi mà họ gây ra trong quá khứ) và vô tình rơi vào một vụ án mạng tinh vi của một tên tội phạm biến thái.

Hành trình truy tìm/chạy trốn theo kiểu mèo vờn chuột của những cô gái với kẻ biến thái nhân cách vì thế phần nào đó cũng là hành trình để giải thoát và chuộc lỗi để tìm lại hi vọng và mục đích sống của họ.

Concept "Girls versus psychopath" (những cô gái chống lại kẻ biến thái) cũng là một chủ đề tạo được sức hấp dẫn trong điện ảnh với nhiều bộ phim kinh điển, bởi ở đó, khán giả được chứng kiến những màn truy đuổi nghẹt thở giữa một tên tội phạm nguy hiểm, liều lĩnh với một nhân vật/nữ anh hùng có phần yếu ớt và đơn thân độc mã.

Bằng chứng vô hình mở đầu với hình ảnh hiện tại của Thu (Phương Anh Đào đóng), một cô gái mù sống với chú chó tên Ben, kẻ vừa là bầu bạn vừa hỗ trợ cô trong sinh hoạt hàng ngày. Thu mong muốn quay trở lại trường cảnh sát để tiếp tục việc học hành dang dở do tai nạn khiến cô bị mù ba năm trước, nhưng Thu bị từ chối.

Phương Anh Đào trong Bằng chứng vô hình

Và một "flashback" (hồi tưởng) tiếp diễn lý giải vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trong quá khứ. Thu vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân trong một vụ tai nạn xe hơi gây ra cái chết cho em trai và khiến cô bị mù do sự độc đoán, bảo thủ của mình.

Cú sốc ngay từ đầu phim được đạo diễn xử lý nhanh gọn và tạo được một cú nghẹn về mặt cảm xúc, đồng thời mở ra một câu chuyện kịch tính mà khán giả ngay lập tức phải nhập cuộc để đồng hành cùng chuyến hành trình tìm lại bản ngã của cô.

Trong một buổi tối định mệnh, sau khi ở nhà người dì Út để tổ chức đám giỗ cho em trai trở về, Thu vô tình bước lên xe của một tên tội phạm biến thái (Quang Tuấn đóng) và suýt chút nữa trở thành con mồi của hắn nếu không xảy ra một vụ tai nạn trên đường.

Dù khiếm khuyết về thị giác, Thu lại có lợi thế của một nữ cảnh sát điều tra đã từng học hành dang dở và khả năng sử dụng giác quan nhạy bén của mình. Cô thoát khỏi bẫy của kẻ tội phạm nguy hiểm, nhanh chóng đến đồn cảnh sát để cung cấp lời khai nhưng có vẻ như tay cảnh sát điều tra (Anh Tú) không mấy tin vào lời khai của một nhân chứng mù.

Sự căng thẳng và quyết liệt của Thu buộc tay cảnh sát trẻ phải mời cấp trên của mình đến, Hòa (Ái Phương đóng), một nữ cảnh sát điều tra năng nổ, nhiệt huyết và từng là thần tượng của Thu khi đang học trên giảng đường đại học.

Những lời khai của Thu phần nào đó cũng trùng hợp với những vụ án các cô gái trẻ mất tích trong thành phố qua một ứng dụng hẹn hò mà Hòa đang cấp tập điều tra.

Quang Tuấn (từng đóng Thất sơn tâm linh) vào vai tên biến thái đáng sợ - Ảnh: CJ

Và khi quá trình điều tra vụ tai nạn trên đường phố cũng như tên biến thái đang ẩn nấp trong bóng tối đang bế tắc thì họ có thêm nhân chứng mới - Hải (Otis), một chàng thiếu niên có tính cách hơi ngổ ngáo, bướng bỉnh và trẻ con - người chứng kiến một phần vụ tai nạn trên đường trong đêm mưa gió và đến cung cấp lời khai chỉ vì món tiền thưởng để giải quyết những rắc rối tạm thời của cậu…

Mạch phim vẫn tiếp tục với sự nhanh gọn và dần dần mang đến một cảm giác hồi hộp ớn lạnh khi tên tội phạm biến thái và liều lĩnh bắt đầu truy đuổi hai nhân chứng trẻ tuổi.

Cả hai cảnh truy đuổi nghẹt thở kiểu mèo vờn chuột của bộ phim với nhịp điệu căng thẳng dồn dập đều diễn ra giữa Lê (tên tội phạm) và hai nhân chứng của vụ án, đặc biệt là với Thu, cô gái mù vừa là nhân chứng vừa là đối tượng săn mồi mới của kẻ biến thái.

Sự phối hợp ăn ý giữa Thu và Hải trong quá trình chạy trốn trong đêm tối bằng giọng nói và tính năng sử dụng máy ảnh trên điện thoại của cả hai cho thấy sự thông minh và đưa mối quan hệ của họ lên một tầm cao mới…

Hải trở thành hình ảnh phản chiếu của cậu em trai Thu và cũng là động cơ để cô chuộc lại lỗi lầm của mình trong quá khứ…

Dù thuộc thể loại hình sự tội phạm, Bằng chứng vô hình không lạm dụng "plot twist" (nút thắt kịch tính trong phim) như nhiều bộ phim cùng thể loại ở Việt Nam trước đây.

Câu chuyện phim đề cao yếu tố tâm lý, những mối quan hệ cá nhân hay ẩn ức trong xã hội hiện đại hơn là đi sâu khai thác những nét giật gân, câu khách với cái kết đảo ngược hay nhân vật phản diện bất ngờ ở phút chót.

Bất ngờ của Bằng chứng vô hình nằm ở hành trình phá án và đồng thời với nó là hành trình giải thoát và chuộc lỗi của nhân vật chính. Đó là một hành trình song song và chỉ trở nên nhập làm một ở đoạn kết.

Cuộc sống của Thu bị đảo lộn sau khi 'chứng kiến' vụ tai nạn kinh hoàng - Ảnh: CJ

Những ưu thế và một số vượt trội của phiên bản Việt

Điểm cộng đầu tiên phải kể đến là kịch bản Việt hóa khá tốt với những chi tiết được thay đổi để phù hợp với bối cảnh và văn hóa ở Việt Nam.

Ta sẽ thấy bối cảnh của một trại trẻ mồ côi trong bản gốc, phần nào đó khá khuôn mẫu và sáo mòn được sử dụng trong nhiều bộ phim được thay thế bởi một ngôi nhà ở ngoại ô - nơi hai nhân vật chính bằng sự thông minh và dũng cảm của mình tìm mọi cách để thoát khỏi nanh vuốt của tên tội phạm nguy hiểm.

Bối cảnh tàu điện ngầm trong cuộc truy đuổi nghẹt thở cũng được thay thế bằng xe bus và tầng hầm của một tòa nhà chung cư hiện đại trong phiên bản Việt.

Ngoài những chi tiết thay đổi hợp lý đó, phiên bản Việt hóa còn có một vài ưu thế trong việc khai thác các mối quan hệ cá nhân và tâm lý nhân vật khi họ đối mặt với khủng hoảng hay sự dằn vặt, vết thương của quá khứ.

Tuy nhiên, một vài điểm yếu, lổ hổng trong cách xây dựng nhân vật phản diện và sự phi logic ở một vài tình tiết chưa được xử lý rốt ráo.

Dàn cast chính trong phim Việt được đạo diễn lựa chọn hợp vai và giúp họ phát huy được thế mạnh diễn xuất, dù trong số họ chưa có một cái tên nào có thể bảo chứng tại phòng vé. Nhưng ai biết được, sau bộ phim này, một vài cái tên sẽ tỏa sáng?

Phương Anh Đào có vai diễn tốt nhất trong sự nghiệp của cô, tính đến nay. Nữ diễn viên trẻ này đã khắc họa tuyệt vời tâm lý của một nhân vật mù có nhiều tổn thương nội tâm đồng thời phát huy những sở trường, kiến thức về phá án và tội phạm học.

Chú chó bên cạnh Phương Anh Đào trong phim cũng là một nhân vật thú vị

Đôi mắt mù thực ra không hề là một lực cản mà thậm chí còn là một lợi thế phi thị giác để giúp nhân vật chính của chúng ta phát huy các giác quan khác của mình.

Cũng như vậy, thiếu sự biểu đạt của đôi mắt, một "công cụ" diễn xuất tuyệt vời của diễn viên, Phương Anh Đào lại phát huy các thế mạnh diễn xuất khác, đặc biệt là sự dẻo dai về thể chất và sức mạnh/sự tổn thương nội tâm trong chuyến hành trình giải thoát của nhân vật.

Diễn viên trẻ Otis là một phát hiện mới và nói không ngoa rằng con đường diễn xuất điện ảnh đang rộng mở trước mắt cậu nếu có những kịch bản tốt. Ngay từ khi nhân vật Hải xuất hiện, ta biết rằng cậu sẽ mang một hình bóng của em trai Thu và sẽ là nhân vật mang lại sự cứu chuộc cho cảm giác tội lỗi mà cô gái mù mang theo.

Lối diễn xuất dù còn hơi non nớt, thiếu kinh nghiệm nhưng bù lại bằng gương mặt sáng và biểu cảm kinh hoạt của Otis giúp nhân vật này đáng tin như một trọng trách chứ không đơn giản chỉ để xuất hiện cho có. 

Ái Phương trong vai nữ cảnh sát điều tra Hòa cho thấy con đường diễn xuất của cô có nhiều lợi thế hơn ca hát.

Nhân vật phản diện của bộ phim, qua diễn xuất của Quang Tuấn, phần nào đó lặp lại kiểu dạng nhân vật của anh trong bộ phim Thất Sơn Tâm Linh mới đây. 

Anh vẫn giữ vững phong độ với nhân vật một nhân vật tội phạm biến thái, nhiều ẩn ức và động cơ mù quáng, tuy nhiên, ở nhiều chỗ, Tuấn vẫn cho thấy anh hơi lạm dụng diễn xuất bằng biểu đạt cơ mặt và đôi lúc tỏ ra nguy hiểm không cần thiết.

Ái Phương vào vai nữ cảnh sát gan dạ, giỏi võ - Ảnh: CJ

Dàn cast này cho thấy một thế hệ diễn viên trẻ tài năng và có lối diễn xuất tự nhiên theo ngôn ngữ của điện ảnh hiện đại, đủ sức thay thế thế hệ đi trước đang mắc kẹt hay đôi lúc không phân biệt được đâu là lối diễn xuất kiểu sân khấu hoặc điện ảnh.

Ví dụ trong một phân đoạn diễn xuất giữa Phương Anh Đào và Mỹ Duyên, nữ diễn viên kỳ cựu đóng vai dì Út trong phim, ta có thể nhìn ra kiểu diễn xuất nặng tính kịch và sân khấu của Mỹ Duyên, bên cạnh một Phương Anh Đào, dù ít kỹ năng hơn, nhưng mang đến lối diễn xuất tự nhiên và thuyết phục hơn.

Các yếu tố kỹ thuật của một bộ phim hình sự tội phạm được phát huy trong Bằng chứng vô hình. Dựng phim tạo được nhịp điệu căng thẳng, hồi hộp và hấp dẫn xuyên suốt, gần như không có một chi tiết thừa.

Nhiều "mối dựng" thông minh, như cảnh tay bác sĩ biến thái đang thực hiện một thao tác mổ mắt nạn nhân và tiếp nối ở phân cảnh có góc máy đặc tả cảnh bổ quả gấc đỏ chót để chuẩn bị đổ xôi trong ngày giỗ của em trai Thu rồi tiếp diễn với cảnh tay bác sĩ ăn mắt cá ngừ ngay sau đó.

Hiệu ứng âm thanh, nhạc nền, âm nhạc đều được chú trọng để tăng kịch tính và thu hút sự nhập tâm của khán giả trong một bộ phim thuộc dòng suspense thriller.

Cho dù đâu đó trong phim vẫn còn những điểm phi logic về bối cảnh, tâm lý nhân vật hay cách xử lý nhân vật phản diện vẫn bị khuôn mẫu, sáo mòn, an toàn; thậm chí hơi đơn giản khi xây dựng một nhân vật bệnh hoạn kiểu biến thái nhân cách; tuy nhiên, những nhược điểm đó không làm ảnh hưởng nhiều lắm đến việc thưởng thức bộ phim.

Bằng chứng vô hình vẫn đủ sức để chinh phục người xem và dẫn dắt họ bước vào cuộc hành trình hấp dẫn của nữ nhân vật chính, một cô gái mù tìm cách chuộc lại lỗi lầm và giải thoát cô khỏi một cuộc khủng hoảng nội tâm mà chỉ có cô, chứ không thể ai khác - tự tháo gỡ cho mình!

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Cuối cùng là vai trò quan trọng của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khi làm lại một tác phẩm "xác" ngoại quốc nhưng thổi vào đó nhiều "hồn" Việt với nhiều chi tiết đậm chất văn hóa Việt, đặc biệt là cảnh chuẩn bị, bày biện đám giỗ hay không khí gia đình, tình chị em trong phim.

Từ một bộ phim độc lập tròn trịa và nhiều cảm xúc cá nhân trong tác phẩm đầu tay Thưa mẹ con đi, Minh đã cho thấy anh có khả năng dàn dựng được nhiều thể loại phim khác biệt nhờ lợi thế học hành bài bản của mình.

Trong một bộ phim thuộc dòng hình sự, tội phạm như Bằng chứng vô hình với mạch phim nhanh gọn mà vẫn chắc chắn, hoặc tạo được sự hấp dẫn kịch tính của một tác phẩm thương mại; Trịnh Đình Lê minh vẫn giữ được những lợi thế của một đạo diễn phim độc lập nhờ khai thác chiều sâu của nội tâm nhân vật hay nắm bắt tinh tế những ẩn ức, sự dằn vặt cùng khủng hoảng danh tính của nhân vật chính.

Những điều đó đã giúp bộ phim tạo được sự đồng cảm và giúp các nhân vật có nhiều liên hệ với bản thân, hơn là một tác phẩm giải trí thuần túy mà khán giả quên ngay khi tên tội phạm bị hạ gục ở đoạn kết.

Bằng chứng vô hình tung trailer nhiều cảnh bạo lực với Quang Tuấn, Phương Anh Đào

TTO - Bằng chứng vô hình tiết lộ nhiều nội dung quan trọng trong trailer mới: vụ tai nạn do cô gái mù 'chứng kiến', cảnh kẻ biến thái đè đầu, túm tóc cô.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020