Chuyên mục  


Ngày 31.8, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận và điều trị nam bệnh nhân (BN) N.N.D(54 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) trong tình trạng nguy kịch, do ăn pate Minh Chay.

Hơn 30 năm trong nghề mới gặp

Theo TS-BS Hùng, chiều tối 25.8, BN ăn khá nhiều pate Minh Chay. Lúc 23 giờ ngày 26.8, BN có biểu hiện đau bụng, nôn ói, nuốt khó, nói khó và sụp mi, được đưa đến BV Bà Rịa-Vũng Tàu trong tình trạng yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy ngày 27.8 với chẩn đoán nhược cơ và đưa vào khoa nội thần kinh.

Pate Minh Chay có vi khuẩn độc Clostridium botulinum

Tuy nhiên, thấy bệnh cảnh của BN không giống bệnh liệt cơ, các bác sĩ (BS) đã hội chẩn và nghi ngộ độc Clostridium botulinum nên chuyển vào khoa bệnh nhiệt đới. BN tỉnh, không sốt và liệt chưa cải thiện, thở máy. BV cũng đã lọc máu cho BN và ngăn ngừa các biến chứng do độc tố Clostridium botulinum gây ra. Do hiện nay Việt Nam chưa có thuốc giải độc nên BN được điều trị hỗ trợ bằng thở máy, lọc máu... “Hơn 30 năm trong nghề tôi chưa gặp ngộ độc dạng này. Các BS thế hệ trước có nói đã gặp lác đác vài ca thời điểm những năm 1980 và đưa vào BV Chợ Rẫy”, TS-BS Lê Quốc Hùng nói.
Như vậy, đây là ca thứ 6 nhập BV Chợ Rẫy sau khi ăn pate Minh Chay (5 BN trước đã xuất viện về tiếp tục điều trị tại các địa phương). Còn tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng có 2 ca đang được điều trị với 1 ca vẫn còn thở máy.
Trong khi đó, tối 31.8, BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết BV cũng đã tiếp nhận nữ BN T.T.T.H (41 tuổi, ngụ TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong tình trạng nặng sau khi ăn pate Minh Chay. BV đã thay huyết tương 5 lần, cho thở máy, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ. Hiện tại BN tỉnh, tiếp xúc được. Sức cơ tứ chi cải thiện 4/5 nhưng cơ hô hấp còn yếu nên chưa cai máy thở được.

Phải nhập thuốc khẩn cấp

Tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng đang điều trị nội trú 2 BN là hai vợ chồng (ông Đ.G.T, 70 tuổi, và bà T.B.L, 68 tuổi), bị nhiễm độc Clostridium botulinum sau khi cùng ăn pate Minh Chay. Hai BN nhập viện trong tình trạng liệt lan tỏa, liệt từ vùng đầu mặt cổ lan xuống tới tay, chân, đồng tử giãn.

Hai chị em ngộ độc pate Minh Chay tại TP.HCM vẫn thở máy

BN cho biết tháng 7 vừa qua mua pate Minh Chay trên mạng sử dụng dần. Lần ăn cuối cùng vào khoảng cuối tháng 7. Các triệu chứng xuất hiện sau đó một thời gian ngắn, hai ông bà được đưa vào điều trị tại BV Lão khoa T.Ư, sau đó được chuyển sang BV Bạch Mai điều trị ngày 18.8.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, cho biết hai BN vẫn liệt hoàn toàn các cơ từ đầu đến chân, không thở được, phải phụ thuộc vào máy thở, tiên lượng khá nặng. Đây là những ca ngộ độc Clostridium botulinum đầu tiên tại BV Bạch Mai trong nhiều năm qua. Do Việt Nam hiện không có thuốc giải độc Clostridium botulinum, BV Bạch Mai đã cấp tốc gửi công văn lên Bộ Y tế báo cáo. Ngay sau đó, BV Bạch Mai, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải làm việc rất gấp rút để có thể đưa được 2 lọ thuốc giải độc từ một trung tâm chống độc của Thái Lan về Việt Nam trong 10 ngày.
‘‘Ngày 29.8 vừa qua 2 lọ thuốc giải độc đã được vận chuyển về Việt Nam và được sử dụng ngay cho 2 BN. Giá bán của mỗi lọ thuốc này tại Thái Lan lên đến 8.000 USD và toàn bộ chi phí hiện do WHO chi trả”, BS Nguyên nói và cho biết thêm với các ca bệnh có dấu hiệu nhẹ hơn, BN chỉ điều trị triệu chứng, hoặc điều trị ngoại trú. “Nếu tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh nặng thì nguồn cung thuốc điều trị sẽ rất khó khăn”, BS Nguyên nói.

1.290 người ở TP.HCM mua Pate Minh Chay

Liên quan ca bệnh nhập viện sau sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, ngày 31.8, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có văn bản hỏa tốc gửi BV Bạch Mai (Hà Nội), BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đề nghị thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc tố Clostridium botulinum có tiền sử dùng thực phẩm pate Minh Chay; cung cấp kinh nghiệm trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị; báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh và tình trạng hiện tại của BN. Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn chung cho các BV về công tác phát hiện ca bệnh, chẩn đoán để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi phát hiện ca bệnh mới.
Trong một diễn biến khác, sáng 31.8, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, có công văn gửi 24 quận, huyện trên địa bàn về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn liên quan các BN nhập viện sau khi ăn pate Minh Chay. Ban Quản lý ATTP đề nghị UBND 24 quận, huyện kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, TT.Đông Anh, H.Đông Anh, Hà Nội) và thông báo cụ thể về Ban, gồm 13 sản phẩm: pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mù, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc cháy tỏi.
PGS-TS Lan cũng cho biết Ban Quản lý ATTP đã xác minh có 1.290 khách hàng tại TP.HCM mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7 và 8.2020 qua mạng. Ban đã liên lạc với người mua cảnh báo ngưng sử dụng và thu hồi. Hiện Ban tiến hành rà soát các cửa hàng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020