Khoảng vài nghìn dân thường Nga vẫn sống ở khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát ở tỉnh Kursk. Họ chủ yếu là người già và phần lớn bị chia cắt với thế giới bên ngoài, không có điện thoại hay mạng lưới viễn thông, theo lời những người lính Ukraine đang đóng quân tại đây.
Các binh sĩ Ukraine tham gia chiến dịch Kursk đã kể về cảnh "sống chung" với cộng đồng địa phương, dù ban đầu người dân tỏ ra ngờ vực và xa lánh.
Quân nhân Ukraine ở vùng Sumy, gần biên giới Nga, hồi tháng 8. Ảnh: Reuters
Chiến dịch xuyên biên giới của Ukraine được phát động từ đầu tháng 8, đánh dấu lần đầu một đội quân nước ngoài tiến vào lãnh thổ Nga kể từ sau Thế chiến II. Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo đã chiếm khoảng 100 ngôi làng và kiểm soát 1.300 km2 lãnh thổ ở Kursk, nhưng chiến dịch này dường như đã chững lại sau gần hai tháng.
Lực lượng Nga giữa tháng 9 phát động chiến dịch phản công ở tỉnh Kursk và tái kiểm soát ít nhất 12 làng trong khu vực.
Thông tin từ khu vực này rất ít do giao tranh liên tục và khả năng tiếp cận hạn chế. Chính quyền Nga cho hay hàng chục nghìn cư dân đã sơ tán khi Ukraine phát động tấn công, số người ở lại chưa được công bố.
Theo lời binh lính Ukraine, điều kiện sống tại Kursk hiện rất khó khăn. Người dân phải dựa vào lương thực dự trữ và vườn rau của mình, hoặc nguồn thực phẩm, nước uống và thuốc men mà quân đội Ukraine tuyên bố đang phân phát cho cộng đồng địa phương.
Các cửa hàng và hiệu thuốc không còn hoạt động, điện và mạng viễn thông đã bị cắt. Trong lúc đó, quân đội Nga liên tục tập kích các mục tiêu trong khu vực nhằm đánh bật lực lượng Ukraine.
Binh lính Ukraine nói rằng họ không gặp phải nỗ lực kháng cự nào từ người dân địa phương. "Một số người thậm chí còn chào bằng ngôn ngữ của chính chúng tôi", người lính tên Andriy cho biết.
Ở vùng biên giới này, nhiều người nói được cả tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Andriy cho rằng phản ứng thân thiện từ người dân địa phương có thể bắt nguồn từ những hỗ trợ mà họ nhận được. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận có thể là do binh sĩ Ukraine được trang bị đầy đủ vũ khí và "mọi người tránh bộc lộ cảm xúc thật của mình".
Người dân gần một tòa nhà chung cư bị hư hại sau cuộc pháo kích của Ukraine tại Kursk hôm 11/8. Ảnh: AP
Oleksiy Dmytrashkivsky, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Ukraine tại Kursk, nói rằng người dân Nga ban đầu "sợ hãi và trốn tránh" khi thấy binh lính Ukraine. "Giờ đây người dân địa phương không còn sợ quân đội Ukraine nữa. Khi nhìn thấy xe quân sự, họ đến gần hơn và hỏi liệu có phải xe phân phát viện trợ nhân đạo không", binh sĩ tên Sergiy nói.
Tuy nhiên, Sergiy chọn cách hạn chế tiếp xúc vì sợ rằng bất cứ điều gì anh nói cũng có thể được truyền đến quân đội Nga. "Chỉ cần chung sống lịch sự và kín đáo là đủ", anh cho hay.
Quân đội Ukraine từ chối bình luận về cáo buộc một số binh sĩ nước này tấn công dân thường và cướp bóc khi tham chiến tại Kursk.
Ukraine đã mời Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế cử quan chức đến thăm Kursk, đề nghị mà Điện Kremlin lên án là "hành động khiêu khích".
Vị trí tỉnh Kursk. Đồ họa: RYV
Nga đến nay vẫn hạ thấp mức độ nghiêm trọng đối với tình hình ở Kursk. "Tình hình ở các khu vực do lực lượng Ukraine kiểm soát tất nhiên là khủng hoảng và nó sẽ được khắc phục kịp thời", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 20/9.
Khi được hãng thông tấn AFP phỏng vấn, những người dân Nga đã sơ tán khỏi Kursk thường kể về mức độ tàn phá khủng khiếp, thêm rằng họ hiện không thể liên lạc với người thân còn ở khu vực.
"Chúng tôi không thể đến đó lúc này, không ai quay lại được. Nhiều người già vẫn ở lại và chúng tôi không thể liên lạc với họ để biết chuyện gì đang xảy ra với đàn gia súc và nhà cửa", Elena, người đã rời thị trấn Sudzha thuộc tỉnh Kursk, nói.
Lính Ukraine Dmytrashkivsky thừa nhận từng muốn "hành xử thô lỗ" với cư dân Nga ở Kursk để đáp trả, nhưng khẳng định suy nghĩ đó không còn nữa.
Sergiy cho biết người dân địa phương không có hành động khiêu khích nào đối với lực lượng Ukraine. "Họ đều là những con người hiền hòa và không muốn xung đột", anh nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP, TASS)