Hành trình người em đi tìm người anh hy sinh tại chyến trường miền Nam vừa ly kỳ vừa xúc động, được phóng viên Thanh Niên ghi lại qua lời kể người thân liệt sĩ, cựu chiến binh Vũ Đình Luật (Đoàn Cựu chiến binh tình nguyện Phú Thọ - Bình Phước).
Gặp nhà ngoại cảm lừa đảo
Tôi đi tìm anh Vũ Thế Tuyền trong vô vọng suốt 10 năm. Khi đoàn Cựu chiến binh tình nguyện tỉnh Bình Phước thành lập, tôi tham gia với hy vọng việc đi tìm, quy tập mộ liệt sĩ... biết đâu họ sẽ phù hộ tìm thấy anh mình. Lúc đó, đoàn Cựu chyến binh tình nguyện Phú Thọ (Bình Phước) chưa được trang bị máy thăm dò địa bức xạ. Việc tìm mộ liệt sĩ chỉ dựa vào những tài liệu do các đơn vị quân đội còn lưu trữ cung cấp, thông tin của các cựu chiến binh đồng đội, phát hiện của nhân dân.
Đã có mấy nhà ngoại cảm cùng chúng tôi lội suối, băng rừng tìm hài cốt liệt sĩ. Ở Bình Phước người ta đồn thổi cha con ông quản trang Nghĩa trang liệt sĩ TX.Phước Long tên Q. “nói chuyện” được với liệt sĩ. Tôi không từ bỏ hy vọng nên gặp cha con ông Q.
Họ nói cha con ông Q. được anh tôi “nhập vong” về mách bảo. Vong về khóc lóc, đòi ăn vì bị bỏ mấy chục năm nay đói khát. Vong ra hiệu sự chịu đựng đau khổ... làm anh em tôi không cầm được nước mắt, cả nhà ôm nhau khóc. Vong nói bằng ký hiệu, con gái ông Q. phiên dịch lại: "Vong hy sinh vì bị địch bắt, chúng cắt lưỡi và mổ bụng rồi đạp xuống hố, chết nằm sấp, hài cốt ở đằng sau hội trường của khu phố 3, xã Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương)”. Nghe vậy lòng tôi đau như cắt.
Anh Vũ Thế Truyền khi mới nhập ngũ Ảnh: Gia đình cung cấp |
Đơn vị báo tử anh tôi là D7KB, đây là địa phận của Quân khu 7 thì chắc đúng rồi. Lại những tình tiết hy sinh cũng có lý lắm, vì anh tôi là trinh sát có thể bị địch bắt. Anh hy sinh tháng 7.1972, đúng thời điểm ác liệt nhất của chiến dịch Nguyễn Huệ. Chắp nối những dữ kiện thấy cái gì cũng có lý. Ba ngày sau, chúng tôi thuê xe, sắm sửa lễ vật về thắp nhang tại Nghĩa trang liệt sĩ Phước Long rồi rước cha con ông Q. đi tìm mộ. Ông Q. dẫn gia đình tôi tới ấp 3 xã Định Hòa, chạy thẳng vào một khu nghĩa địa đang giải tỏa nói: “Liệt sĩ đang nằm gần đây, gia đình sắp lễ cúng kính để vong nhập xác chỉ chỗ mộ”.
Rồi ông Q. lầm rầm khấn, ông Q. biểu hiện như vong về nhập xác rồi chạy tới ôm anh em chúng tôi khóc lóc. Sau một hồi năn nỉ chỉ "nhà", vong chạy tới một bụi cây gần một gò mối nằm dang chân dang tay chỉ "nhà". Lại một lần nữa anh em chúng tôi nức nở vì thương anh trai lạnh lẽo bao năm. Chúng tôi đắp lên một cái nấm để khỏi lạc, bày biện hoa quả, lễ vật, giấy tiền vàng bạc, thắp nhang khấn vái mong anh nhận được chút lòng thành, hẹn anh một ngày gần nhất sẽ đón anh về...
Ông Vũ Đình Luật, người từng rong ruổi khắp nơi tìm anh ẢNH: NVCC |
Chúng tôi đưa cha con ông Q. về lại Phước Long kèm theo một sự "biết điều" không nhỏ. Trên đường về, gia đình ai cũng tin anh đã hiển linh về nhận em, con cháu. Vợ tôi, con tôi, chị tôi, chú em tôi nói chắc ăn rồi không phải tìm đâu xa xôi nữa, không phải người nhà mình thì sao vong ôm anh em trai và cháu khóc lóc...
Riêng tôi quá nhiều câu hỏi đang cần giải đáp. Tôi quyết định đi thẩm tra thêm một lần nữa. Một tuần liền tôi rong ruổi liên hệ tìm danh sách liệt sĩ ở Quân đoàn 4, Quân khu 7, Quân khu 9, Cần Thơ. Các đơn vị giúp tôi lục tìm danh sách liệt sĩ trong kho lưu trữ nhưng không thấy tên anh tôi.
Có gia đình liệt sĩ ở Hà Nội cũng được ông Q. và con gái chỉ đi tìm mộ. Vào tới nơi ông Q. chỉ nơi liệt sĩ trong gia đình họ yên nghỉ, mọi người đào bới cả ngày cuối cùng thấy một đám đất đen. Ông Q. nói do hài cốt liệt sĩ bị phân hủy, người nhà vạch soi kỹ hóa ra là khúc rễ cây mục lâu năm. Từ khi có phong trào ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ không biết có bao nhiêu gia đình bị lừa giống như chúng tôi.
10 năm mòn mỏi tìm mộ anh liệt sĩ
Tôi chỉ còn một hy vọng cuối cùng là tài liệu về anh tôi còn lưu trữ ngoài Bộ Quốc phòng. Tôi gửi thư liên lạc với Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN). Một ngày trung tuần tháng 10.2012, tôi đang đi công tác cùng đoàn thì nhận được thông báo của Phòng Chính trị Sư đoàn 5 đã tìm thấy thông tin về anh Truyền như sau: liệt sĩ Vũ thế Truyền sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1968, quê quán thôn Ngọc Trúc, xã Minh Hoàng, H.Phù Cừ, tỉnh Hải Hưng. Cấp bậc: trung sỹ. Chức vụ: Tiểu đội trưởng. Hy sinh trong chiến đấu ngày 20.7.1972. Nơi mai táng: Thạnh Phú, Cai Lậy, Mỹ Tho, Tiền Giang. Đơn vị: Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5...
Tôi nuốt từng lời nhắn tin và khóc khi tìm thấy thông tin về anh. Vì sau đúng 40 năm, tôi mới biết chính xác nơi anh trai nằm xuống.
Ông Sáu Coọc (phải) và ông Vũ Đình Luật Ảnh: Gia đình cung cấp |
Nhận được thông báo, tôi lập tức lên đường. Hóa ra, sau bao nhiêu năm tìm khắp nơi thuộc Quân khu 7, anh tôi lại hy sinh tại Tiền Giang, thuộc Quân khu 9.
Tôi rong ruổi về miền Tây tìm gặp cho được ông Sáu Coọc, người cách đây 40 năm là Tiểu đoàn trưởng đơn vị của anh tôi. Mùa nước nổi miền Tây năm đó không lớn, nhưng cũng đủ hình dung ra được sự gian nan vất vả của anh bộ đội năm xưa, hành quân, chống càn và hy sinh nơi đồng nước mênh mông.
Gia đình ông Luật đến nghĩa trang ở Cai Lậy, Tiền Giang viếng mộ anh trai được chôn cất tại đây Ảnh: Gia đình cung cấp |
Ông Sáu, bắt tay tôi thật chặt, tự nhiên tôi ứa nước mắt cảm động. Sau vài ba câu thăm hỏi, ông Sáu kể lại trận chống càn ngày 20.7.1972 của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 như một cuốn phim. Ngày 16.7.1972, Tiểu đoàn 7 đánh đồn Chà Là và mấy đồn xung quanh nhằm kéo giãn lực lượng địch ra khỏi Bình Long, hỗ trợ cho F7 quân giải phóng đang giằng co với địch trên Quốc lộ 13. Sáng 20.7.1972, địch tăng quân hai trung đoàn, dùng xe tăng, thiết giáp phản công lại. Trên cánh đồng xã Thạnh Phú, cuộc giao tranh dữ dội. Tiểu đoàn 7 giữ từng tấc đất, đến 16 giờ thương vong quá nhiều. Lực lượng địch quá chênh lệch lại được máy bay, xe tăng, và pháo binh yểm trợ... Tiểu đoàn 7 được lệnh rút lui, đồng chí Truyền bị thương vào ngực không rút kịp, địch tràn lên bắn hy sinh.
Ông Sáu kể ba ngày sau địch rút mới có điều kiện an táng các chyến sĩ, trong đó có đồng chí Truyền. Sau chiến tranh, địa phương quy tập các liệt sĩ về nghĩa trang của xã. Mới đây xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Cai Lậy, các xã quy tập liệt sĩ về đây...