Học sinh TP.HCM trong tiết học môn khoa học bằng tiếng Anh theo đề án 5695 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Kết quả học tập ở mức cao
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết ban đầu đề án 5695 được triển khai tại một số trường trên địa bàn thành phố.
Từ những kết quả tích cực, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em theo học chương trình theo đề án. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã mở rộng ra nhiều trường khác.
Năm 2014, đề án 5695 được triển khai ở 18 trường thuộc 3 quận huyện với 600 học sinh. Đến năm 2024 đã có hơn 30.000 học sinh thuộc 160 trường ở 20 quận huyện theo học chương trình tiếng Anh tích hợp.
Từ trái qua: ông Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Trần Thị Diệu Thúy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tại hội nghị - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo ông Quốc, kết quả học tập của học sinh tham gia đề án 5695 luôn đạt mức cao, đặc biệt là ở các môn toán và khoa học. Tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi trong các bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ môn toán và khoa học bằng tiếng Anh luôn đạt từ 85% - 90%.
Ngoài ra, tỉ lệ học sinh dự thi chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel có kết quả mức Đạt (Pass) trung bình 3 môn tiếng Anh - toán - khoa học qua 10 năm: bậc tiểu học: 86%, THCS: 92%, THPT: 96%.
Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện đề án 5695 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Quốc cho biết thêm: "Đa phần học sinh khi hoàn thành chương trình các cấp học đều đạt được trình độ tương ứng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tương đương các mức độ theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR).
Nhiều học sinh có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh, đặc biệt là trong các tình huống liên quan đến học thuật và khoa học.
Trong 10 năm thực hiện, đề án 5695 đã giúp nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học thuật quốc tế. Cụ thể, nhiều học sinh đã đoạt giải cao trong các cuộc thi toán và khoa học bằng tiếng Anh tại các kỳ thi toán quốc tế, trong đó 5 học sinh đạt điểm cao nhất thế giới trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel;
41 học sinh được Hội đồng khảo thí quốc tế Pearson Edexcel trao giải Outstanding Learners Awards - Học sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc; 119 học sinh được Hội đồng khảo thí quốc tế Pearson Edexcel trao giải Excellence Awards - Học sinh đạt thành tích xuất sắc".
Ông Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thứ ba từ phải qua) và bà Trần Thị Diệu Thuý (thứ hai từ trái qua) trao bằng khen cho Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và EMG Education - Ảnh: NHƯ HÙNG
4 điều kiện then chốt
Từ góc nhìn của đơn vị đồng hành triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, bà Nguyễn Phương Lan, tổng giám đốc EMG Education, đúc kết chương trình tiếng Anh tích hợp thành công được như hôm nay vì đã đảm bảo được bốn điều kiện then chốt.
"Thứ nhất là mô hình hợp tác "bốn nhà" nhất quán, hiệu quả và thành công. Trong đó, nhà quản lý đã lựa chọn và chỉ định các trường tham gia phù hợp; nhà trường đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp và điều hành các công tác triển khai chương trình;
Nhà doanh nghiệp có nhiệm vụ phát triển khung chương trình, triển khai giảng dạy, bao gồm ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới và ứng dụng công nghệ cao trong giáo dục; nhà người học (phụ huynh - học sinh): học sinh đóng vai trò trung tâm, trực tiếp tham gia quá trình học tập và thụ hưởng các giá trị giáo dục; phụ huynh đồng hành cùng học sinh và là điểm tựa cho sự phát triển của học sinh.
Sự đồng lòng, phối hợp của bốn cột trụ này đem lại sự nhất quán và bền vững cho chương trình, đồng thời đây cũng là một điều kiện tiên quyết để chương trình có thể nhân rộng trong tương lai" - bà Lan khẳng định.
Bà Nguyễn Phương Lan, tổng giám đốc EMG Education, phát biểu tham luận tại hội nghị - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo bà Lan, điều kiện thứ hai chính là chất lượng đội ngũ giáo viên. Bà Lan nói: "Với sứ mệnh kiến tạo môi trường giáo dục đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn song hành và phù hợp với các định hướng, quyết sách phát triển giáo dục của trung ương nói chung và TP.HCM nói riêng, EMG Education đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng đội ngũ giảng dạy chất lượng cao, tâm huyết và cam kết lâu dài với Việt Nam.
Đội ngũ nhân sự của EMG Education có các chuyên gia và giảng viên với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy đến từ những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất thế giới như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc, Ireland, Canada...".
Lãnh đạo các vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự hội nghị - Ảnh: NHƯ HÙNG
Riêng về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp, bà Lan thông tin: "Giáo viên của EMG Education có bằng cấp và trình độ chuyên môn cao, nắm vững các phương pháp tích hợp xuyên môn và liên môn.
Họ có chuyên môn và kinh nghiệm sâu rộng trong phương pháp giảng dạy toán, khoa học hiệu quả bằng tiếng Anh với cách tiếp cận CLIL (Content and Language Integrated Learning - Phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ).
Với CLIL, giáo viên vừa dạy học sinh nội dung kiến thức mới của môn học đồng thời phát triển ngôn ngữ tiếng Anh một cách tự nhiên và thực tế nhất.
Trong quá trình học ngôn ngữ tích hợp nội dung, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức chuyên môn toán - khoa thông qua các bài học, đồng thời phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết chính từ các hoạt động lồng ghép khéo léo của giáo viên trong giờ học".
Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết sẽ học tập mô hình như TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Điều kiện thứ ba để đảm bảo sự thành công của đề án chính là việc xây dựng chương trình và ứng dụng công nghệ tiên tiến chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, chương trình tiếng Anh tích hợp theo đề án 5695 được thiết kế đảm bảo mục tiêu và chuẩn của chương trình giáo dục Việt Nam và chuẩn Pearson Edexcel của Vương quốc Anh cho các bộ môn toán, tiếng Anh và khoa học.
Trong đó, một yếu tố rất quan trọng không thể bỏ qua chính là việc áp dụng công nghệ trong quá trình dạy học. "Chương trình tiếng Anh tích hợp đã và đang có những bước đột phá trong việc ứng dụng các nền tảng công nghệ, nền tảng kỹ thuật, công nghệ AI và Metaverse vào giảng dạy.
Chương trình tiếng Anh tích hợp là một trong những chương trình đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022.
Chương trình đã nhanh chóng triển khai các giải pháp như chuyển đổi phương thức dạy trực tuyến, triển khai hệ thống học liệu trực tuyến LMS, ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ luyện phát âm... nhằm mang đến trải nghiệm học tập tốt nhất cho học sinh, giúp các em tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại với tốc độ rất nhanh và kịp thời so với thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trao thưởng cho các trường thực hiện tốt đề án 5695 - - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Hiện nay, EMG Education tiếp tục ứng dụng và không ngừng cải tiến trên nền tảng các thành công đã đạt được đối với những công nghệ giáo dục tiên tiến như mô hình 3D, phòng thí nghiệm ảo Virtual Experiments, lớp học trên nền tảng Metaverse… trong các tiết học, giúp cho học sinh luôn được tiếp cận với các học liệu và công nghệ giáo dục hiện đại nhất, từ đó trang bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết để các em sẵn sàng thích ứng và hội nhập trong tương lai" - bà Lan chia sẻ tại hội nghị.
Một tiết dạy của giáo viên bản ngữ theo đề án 5695 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Điều kiện thứ tư để đảm bảo sự thành công của đề án, theo bà Lan là: "Xây dựng môi trường ứng dụng tiếng Anh thực tiễn, học mọi lúc mọi nơi, không chỉ giới hạn trong các giờ học trên lớp.
Cụ thể là chương trình có nhiều nội dung học tập qua dự án (project-based learning), các hoạt động STEM, bài tập nhóm, thuyết trình, các dự án làm phim bằng tiếng Anh… giúp học sinh có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh ở bên ngoài giờ học.
Những thành quả đạt được trong 10 năm qua đã minh chứng rằng đề án 5695 thực sự là tiền đề vững chắc để từ đó có thể đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Chúng ta đã tạo ra một mô hình giáo dục bền vững, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn tự tin giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh, sẵn sàng cạnh tranh công bằng với bạn bè quốc tế" - bà Lan khẳng định.
Đề án 5695 là sáng kiến của TP.HCM
Đề án 5695 là sáng kiến của TP.HCM và đang được thực hiện tại TP.HCM. Tuy nhiên, hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện đề án 5695 ngoài lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các vụ, viện của bộ còn có lãnh đạo của 10 sở giáo dục như: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bình Dương...
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: "Việc tham mưu kịp thời, ban hành và tổ chức thực hiện đề án 5695 thể hiện tầm nhìn xa, nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm, dám đột phá của lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Thực tiễn đã chứng minh đề án mang lại hiệu quả tích cực và bền vững. Hội nghị sơ kết hôm nay là để mở ra giai đoạn mới và nâng tầm.
Bài học kinh nghiệm ở đây chính là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự chủ động tham mưu kịp thời của Sở Giáo dục và Đào tạo, là bài học về công tác tuyên truyền và tìm được đối tác đủ năng lực…
Từ đó, tôi mong muốn các sở giáo dục khác hãy tham khảo và học hỏi mô hình đề án 5695 của TP.HCM".
Ông Thưởng cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nghiên cứu cân nhắc để mở rộng việc thực hiện đề án 5695 và mở rộng việc giảng dạy các môn học khác bằng tiếng Anh (ngoài môn toán, khoa học), từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.