Chuyên mục  


"Ấn tượng đầu tiên của tôi về bạn trai cũ là 1 người con trai có học thức và tốt bụng vì anh ấy mặc áo sơ mi trắng, gọn gàng và trông rất tri thức. Anh ấy nhẹ nhàng hỏi tôi có cần giúp đỡ bưng bê bàn ghế hay không, tôi luôn nghĩ rằng anh ấy là 1 người cực kỳ tốt" , Minh chia sẻ.

Dù những người xung quanh nói rằng mối quan hệ của Minh với người yêu cũ vô cùng độc hại, người đó không tốt như vậy, cô bạn vẫn tiếp tục tin tưởng bản thân chỉ vì... ấn tượng đầu tiên của bản thân về người đó.

Minh không biết rằng lý do đằng sau tâm lý này chính là "Halo effect" - Hiệu ứng hào quang.

Theo Heath Line, hiệu ứng hào quang là một thành kiến nhận thức, trong đó ý kiến của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của họ trước khi thật sự hiểu họ. Ví dụ, nếu chúng ta gặp một người đàn ông cao lớn, quyến rũ và đẹp trai, chúng ta có thể cho rằng anh ta giống như bạch mã hoàng tử, 1 người anh hùng và 1 người đàn ông tốt bụng.

photo1697022538-1812-1697077109498-16970771097231460348793.jpeg

Ảnh minh họa

Đây là lý do khiến chúng ta đôi khi không hiểu rằng ai đó đang dùng vẻ ngoài và sự hào nhoáng do họ tạo dựng lên để đánh lừa ta. Bạn thậm chí sẽ biện minh cho hành vi xấu và những việc làm sai trái của ai đó bởi vì trong đầu bạn nhận định họ là một người tốt.

Giống như cách Minh luôn tự biện minh những hành động như thao túng tâm lý, tính cách không dịu dàng như tưởng tượng hay sai lầm của bạn trai rằng đó là một phút nông nổi. "Tôi nghĩ rằng ai mà chẳng có lúc nóng giận, anh ấy chỉ muốn tốt cho tôi, đến 1 ngày quá nhiều người xung quanh nói rằng nó không ổn và tôi cần suy nghĩ lại".

Hiệu ứng này chỉ đến việc chúng ta luôn gắn vầng "hào quang" cho người khác, tựa như nghĩ rằng 1 ai đó là người giàu có vì họ thường dùng đồ hiệu, luôn tiêu rất nhiều tiền, nhưng lại chỉ là vỏ bọc tạo lên để lừa 1 ai đó. Họ có thể chỉ đang sử dụng lại đồ hiệu cũ hoặc đồ giả, chi tiền bằng thẻ tín dụng và có 1 khoản nợ khổng lồ đằng sau vẻ hào nhoáng của bản thân.

Mặt khác, hiệu ứng hào quang cũng có thể khiến chúng ta có nguy cơ hiểu nhầm những người tốt chỉ đơn giản vì họ không tạo được ấn tượng tốt ban đầu. Hiệu ứng hào quang khiến chúng ta nhìn cuộc sống bằng hai màu đen trắng và quên rằng màu xám cũng tồn tại. Chúng ta hình thành một phán quyết và từ chối tin rằng một người có thể đã thay đổi hoặc có thể đã đưa ra một phán đoán sai lầm.

"Tôi có thói quen nhìn vào đôi giày để xem liệu đó có phải 1 người cẩn thận không. Tôi cho rằng những người đi dép 'xuề xòa' sẽ không bao giờ làm việc chi tiết và chu đáo. Điều đó khiến tôi không muốn làm việc với họ dù chưa từng thật sự bắt đầu thử" , 1 cô gái giấu tên chia sẻ.

Bạn từ chối để họ có 1 cơ hội khác để tìm hiểu kỹ càng hơn dù có 1 sự thật rằng chẳng ai có thể nhận định đúng về 1 người ngay lần đầu gặp mặt. Cuối cùng, bạn cứng nhắc với quan điểm cá nhân đến mức từ chối thay đổi ý kiến của mình ngay cả khi bạn được đưa ra bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Điều này làm giảm khả năng phán đoán của bạn và đôi khi khiến bạn tin tưởng nhầm người trong cuộc sống.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020