Thông báo triệu hồi được Toyota đưa ra hôm 28/10, với 1,52 triệu xe riêng tại Mỹ. Tổng cộng, số xe cần được sửa chữa xấp xỉ 3,34 triệu chiếc trên toàn cầu. Các đợt triệu hồi gồm cả xe Toyota và Lexus, từ xe con, SUV và bán tải, sản xuất trong thời gian 7/2017-9/2020.
Camry đời 2018-2020 thuộc diện triệu hồi. Ảnh: Toyota
Đợt triệu hồi gồm các xe Lexus LS 460 và GS 350 (2013-2015), Toyota Highlander (2017-2019), Toyota Sienna và Lexus RX 350 (2017-2020), Toyota Avalon, Camry, Corolla, Sequoia, Tacoma, Tundra (2018-2020) cũng như Toyota RAV4 (2019-2020).
Tại Việt Nam, vào tháng 5, hãng Nhật đã thông báo triệu hồi hơn 32.500 xe cùng lỗi trên. Tổng cộng 6 dòng xe Toyota nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam thuộc đời 2013-2019 lắp bơm nhiên liệu gặp lỗi có thể khiến động cơ rung giật, chết máy. Các xe bị ảnh hưởng bao gồm: Camry, Corolla, Fortuner, Innova, Alphard, Land Cruiser 200.
Nguyên nhân theo hãng sản xuất, những xe trong diện ảnh hưởng trang bị một bơm thấp áp, đặt trong bình nhiên liệu để cung cấp nhiên liệu cho hệ thống phun xăng điện tử. Cánh bơm có thể được sản xuất với mật độ vật liệu thấp hoặc loại cánh bơm khác có thể phát sinh vết nứt do sấy khô trong quá trình sản xuất.
Những cánh bơm gặp sự cố có thể bị biến dạng nhất định do tác dụng của xăng, dẫn đến va chạm với thân bơm, khiến bơm không hoạt động. Biểu hiện trên các xe gặp lỗi là động cơ rung giật, không thể khởi động hoặc xe bị chết máy khi đang chạy ở tốc độ thấp hoặc tốc độ cao. Khi đó đèn báo lỗi và các thông tin cảnh báo xuất hiện trên bảng táp-lô.
Tuy nhiên, ngoài Toyota, một hãng Nhật khác là Honda cũng đã triệu hồi hơn 1,4 triệu xe trên toàn thế giới trong năm 2020 do cùng lỗi bơm xăng dẫn tới chết máy. Mitsubishi Việt Nam từng triệu hồi hơn 14.000 chiếc Xpander nhập khẩu từ Indonesia với lỗi tương tự.
Bơm xăng của các hãng trên đều do hãng Denso (Nhật Bản) cung cấp và được sử dụng bởi Honda, Toyota, Mitsubishi, Mazda, Subaru, Ford, Magnuson Products (hãng chuyên sản xuất bộ siêu nạp).
Mỹ Anh (theo Fox Business)