Hình ảnh lịch sử: Tổng thống Roh Moo Hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il nâng ly chúc mừng tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào tháng 10-2007 - Ảnh: Korea Times
15 năm sau ngày ông qua đời, di sản của ông vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng tới đất nước này.
Vị tổng thống đặc biệt
Tháng 5-2017, ngôi làng Bongha nhỏ bé ở tỉnh Nam Gyeongsang bỗng đông đúc khác thường. Hơn 50.000 người khắp nơi đổ về để tưởng nhớ cố tổng thống Roh Moo Hyun, nhân kỷ niệm 8 năm ngày mất của ông.
Những dải ruy băng và bóng bay màu vàng trang trí khắp đường làng, tạo bầu không khí vừa trang nghiêm vừa ấm áp.
"Theo thời gian, ngày càng có nhiều người nhớ về ông. Tên ông đã trở thành biểu tượng của một xã hội nơi công lý và nguyên tắc được tôn trọng" - tờ Korea Times dẫn lời Tổng thống Moon Jae In, người từng là chánh văn phòng của Roh, phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm năm đó.
Đây không phải là điều bất ngờ. Ngay khi còn sống, cựu tổng thống Roh đã là hiện tượng độc đáo trong chính trường Hàn Quốc. Sau khi ông nghỉ hưu, mỗi cuối tuần có tới 20.000 người tìm đến làng Bongha chỉ để được nhìn thấy ông.
Và ông thường xuyên ra gặp gỡ, trò chuyện với họ trong trang phục giản dị với chiếc mũ rơm quen thuộc. "Tôi nhớ hình ảnh ông đạp xe trong ngôi làng này" - bà Kim Hyun Ju, 59 tuổi, xúc động chia sẻ với tờ Korea Times.
Ông Roh Moo Hyun sinh ra trong gia đình nông dân nghèo làng Bongha. Là con út trong năm người con của gia đình nông dân trồng đào, ông phải vật lộn với đói nghèo ngay từ bé. Để có tiền học Trường trung học thương mại Busan, ông phải làm bảo vệ đêm tại nhà máy sản xuất bình cứu hỏa.
Tốt nghiệp trung học năm 1966, không đủ tiền vào đại học, ông làm công nhân nhà máy sản xuất lưới đánh cá và công trường xây dựng. Dù vậy, điều này cũng không ngăn được khát vọng học tập của ông. Trong 9 năm tiếp theo, vừa làm việc vừa tự học, ông vượt qua kỳ thi luật sư quốc gia vốn cực kỳ khó khăn vào năm 1975.
Bước ngoặt và con đường dấn thân
Năm 1981 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời ông Roh. Ông gặp những sinh viên bị tra tấn vì tàng trữ sách cấm. "Tôi nhìn thấy ánh mắt kinh hoàng và những móng chân bị mất của họ - tờ Korea Times dẫn lại những dòng ông viết sau này - Và cuộc sống thoải mái của tôi với tư cách luật sư đã kết thúc".
Từ đó, ông trở thành người đấu tranh cho dân chủ và là trung gian trong các cuộc đình công. Năm 1987, ông bị bắt giam ngắn hạn trong cuộc đình công tại nhà máy đóng tàu. Một năm sau, ông đắc cử Quốc hội, đại diện cho một khu vực ở Busan.
Năm 1989, trong các phiên điều trần trực tiếp trên truyền hình về cuộc biểu tình tại Gwangju năm 1980 - nơi quân đội thiết quân luật đã giết chết hơn 200 người biểu tình, công chúng lần đầu được chứng kiến phong cách độc đáo của ông Roh.
Trong khi các nghị sĩ khác lớn tiếng và giận dữ, ông bình tĩnh đặt ra những câu hỏi sắc bén với các vị tướng lĩnh từng một thời "hét ra lửa". Ông lập tức trở thành ngôi sao.
Tháng 12-2002, ông đã làm nên điều không tưởng khi đánh bại ứng viên Lee Hoi Chang trong bầu cử tổng thống với tỉ lệ 48,9% phiếu bầu. Chiến thắng của ông khiến nhiều người bất ngờ đến mức trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, đứng trước hàng trăm doanh nhân nước ngoài, ông hóm hỉnh: "Nếu tôi có thể khiến nhiều người nước ngoài đến gặp tôi như thế này, chắc hẳn tôi đã trở thành người quan trọng rồi" - tờ Korea Times thuật lại.
Thậm chí ngay trong nội bộ đảng, nhiều người cũng không tin ông có thể đắc cử. Các máy quay truyền hình đã ghi cảnh các lãnh đạo đảng bắt tay chúc mừng ông với vẻ mặt không thoải mái. Họ đã từ chối cấp kinh phí cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vì tin ông thất bại.
Ông Roh Moo Hyun, khi là ứng viên tổng thống, đang thật sự đổ mồ hôi làm tình nguyện viên tại khu bị ảnh hưởng lũ lụt tại Gimhae (tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc) tháng 8-2002 - Ảnh: Korea Times
Những cải cách táo bạo
Bất chấp khởi đầu không êm ả, ông Roh đã để lại những dấu ấn quan trọng trong việc cải cách nền dân chủ Hàn Quốc. Thành tựu nổi bật nhất của ông là việc tách rời hệ thống tư pháp khỏi nhánh hành pháp.
Sáng kiến mang tính lịch sử này dẫn đến chiến dịch chống tham nhũng đầu tiên được tiến hành độc lập với những người nắm quyền lực chính trị.
Ông cũng xóa bỏ hệ thống đăng ký hộ tịch lâu đời vốn phân biệt phụ nữ trong luật gia đình, và mở rộng các cuộc điều tra do chính phủ tài trợ về lịch sử đau thương của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tinh thần sự thật và hòa giải.
Ông Roh còn để lại dấu ấn đặc biệt trong kinh tế với Hiệp định thương mại tự do Hàn - Mỹ (KORUS FTA). Bất chấp sự phản đối gay gắt từ chính những người ủng hộ cánh tả trung thành nhất của mình, ông vẫn kiên quyết theo đuổi hiệp định này.
"FTA với Mỹ mang rủi ro chính trị, nhưng nó đáng giá. Chúng ta đang bước vào vùng nước chưa được khám phá. Chúng ta phải có niềm tin vào khả năng chống chọi với nghịch cảnh trong cạnh tranh khốc liệt", tờ Korea JoongAng Daily dẫn lại quan điểm ông chia sẻ với các cộng sự về hiệp định này.
Trong lĩnh vực quốc phòng, quyết định xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju của ông thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Căn cứ này được hoàn thành vào tháng 2-2016, có khả năng theo dõi hoạt động của tàu chiến các cường quốc. Ông Roh từng khẳng định: "Hòa bình không thể được đảm bảo nếu không có vũ khí".
Bình luận với Korea Times về những cải cách táo bạo đã có dưới thời ông Roh, giáo sư Kyung Moon Hwang từ Đại học Nam California nói: "Những bước đi này đã có tác động tức thì, to lớn và những hệ quả tốt đẹp có thể sẽ còn kéo dài xa vào tương lai".
Bi kịch cuối đời
Vào cuối năm 2008, em trai ông Roh bị bắt trong cuộc điều tra tham nhũng và dần dần vụ việc lan rộng đến gần ông. Khi cựu trợ lý Chung Sang Moon bị bắt, ông Roh đã viết trên trang web của mình: "Cáo buộc nên nhắm vào gia đình chúng tôi, không phải Chung. Gia đình chúng tôi đã đưa ra yêu cầu, nhận tiền và sử dụng nó", tờ Korea Times trích dẫn.
Số tiền bị cáo buộc là 6 triệu USD. Đến tháng 5-2009, các công tố viên đã triệu tập cựu đệ nhất phu nhân, con trai họ và chính ông Roh để thẩm vấn. Trước khi chọn cách kết thúc cuộc đời, ông đã viết: "Tôi đã đánh mất căn nguyên đạo đức của mình chỉ với những sự thật mà tôi đã thừa nhận. Từ giờ trở đi, cái tên Roh không còn là biểu tượng cho những giá trị mà các bạn theo đuổi... Các bạn nên từ bỏ tôi", theo Korea Times.
Tờ báo này thuật lại, vào sáng ngày 23-5, ông Roh đã leo lên vách đá Owl's Rock cao 150 feet (45,72m) sau nhà. Ông sai vệ sĩ đi mua thuốc lá, kéo áo khoác qua đầu, có lẽ để ngăn mình đổi ý, và nhảy xuống.
Hơn 5 triệu người trên khắp đất nước đã đến viếng tang lễ ông. Cuộc điều tra tham nhũng dừng lại, và ký ức về ông Roh được lưu giữ với sự trân trọng sâu sắc.
Những bức ảnh và đoạn phim tư liệu gợi nhắc người dân Hàn Quốc về lòng dũng cảm, nguyên tắc trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài, sự đồng cảm với các nạn nhân, cam kết với công lý, cùng tính trung thực và phong thái khiêm nhường của ông.
Có lẽ di sản lớn nhất của ông Roh chính là niềm tin ông đã gieo vào lòng người dân Hàn Quốc rằng dân chủ, công bằng và nguyên tắc không phải là những khái niệm xa vời mà là những giá trị có thể và cần phải được bảo vệ bằng mọi giá.
Khác hầu hết tổng thống tiền nhiệm, ông Roh được biết đến với phong cách thẳng thắn và cởi mở. Ông thích tranh luận và thoải mái khi người khác không đồng ý với mình.
Ông có thể giải thích một cách rõ ràng và mạch lạc về cơ sở lý luận đằng sau các chính sách của mình - điều mà chưa một tổng thống tiền nhiệm nào làm được.
Ông cũng nổi tiếng với sự khiêm tốn và gần gũi với người dân. Sau khi nghỉ hưu, khác với các cựu tổng thống khác thường rút lui vào những nơi biệt lập sau các bức tường an ninh, ông chọn về sống tại ngôi làng nhỏ Bongha - nơi ông sinh ra và cũng vì thế mà sau đó nơi này trở thành điểm thu hút du khách quý trọng ông.
----------------------
Kỳ tới: Lee Myung Bak: Bi kịch vị tổng thống doanh nhân