Đây là một trong những loại quả mà kể cả khi chín vẫn giữ nguyên màu xanh lá, hoặc chỉ ngả nhẹ ánh vàng nếu chín rục.
Ở Việt Nam, loại quả này mọc tự nhiên rải rác trong rừng thứ sinh, ở độ cao khoảng 500m, phân bố rộng rãi tại nhiều tỉnh thành như Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Tây Ninh.
Người Việt thường gọi đây là quả trám trắng, hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cà na, ô lãm, mác cợm, mạy cưởm (Tày), thanh quả (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, trám trắng thường được ngâm muối hoặc kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để làm món ăn. Còn ở Trung Quốc, người ta thường ăn quả tươi để giải nhiệt, giải khát.
Trám trắng có hương vị rất lạ. Sau khi gọt vỏ, thịt vẫn rất cứng, phải cắn thật mạnh mới được. Cùi của nó lại có vị chua và chát, thậm chí xen lẫn vị đắng. Nhiều người mới ăn thử miếng đầu tiên sẽ thấy khó ăn, chỉ muốn nhè ra. Nhưng nếu biết cách ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt của nó. Trong lần cắn đầu tiên, bạn hãy nhai từ từ sẽ thấy được mùi thơm và dư vị ngọt ngào tan trong miệng.
Ở Trung Quốc, người ta thường nói “Trám mùa đông xuân còn hơn cả nhân sâm”, cho thấy loại quả này được đánh giá rất cao về giá trị. Thực tế, trám trắng rất giàu dinh dưỡng, nó có chứa vitamin C, chất béo, carbohydrate và protein, canxi, sắt, phốt pho và các nguyên tố khoáng chất khác. Hàm lượng vitamin C của nó rất cao, gấp 10 lần táo. Giá trám trắng tại đây có thể lên đến hơn 50 NDT/kg (~170.000 đồng). Ở Trung Quốc, người ta còn ngâm trám trắng với rượu, tạo nên thức uống thơm ngon đặc trưng.
Còn ở Việt Nam, bạn có thể mua cây giống trám trắng với giá khoảng 14.000đ/cây. Quả trám xanh (khoảng trên dưới 100.000đ/kg) hay trám xanh ngâm muối (khoảng 100.000đ/lọ 300g) cũng được bán phổ biến.
Ngoài công dụng giải nhiệt, trám trắng còn có công dụng giải độc, làm dịu cơn khát, làm dịu cổ họng và giảm đờm, giúp đầu óc tỉnh táo. Bên cạnh đó, gỗ của cây trám trắng cũng có giá trị và có thể dùng để đóng tàu, làm đồ nội thất, làm vật liệu xây dựng…
Theo Người Đưa Tin