Chuyên mục  


Ngành công nghiệp ôtô Đức, từ lâu được coi là nơi sản xuất những mẫu xe động cơ đốt trong (ICE) tin cậy và sáng tạo, đang phải vật lộn để phát triển, duy trì tên tuổi trong thời đại điện khí hóa.

Các nhà sản xuất ôtô lớn như Volkswagen, Mercedes và BMW đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong những tuần gần đây, với lý do kinh tế suy yếu, nhu cầu chững lại tại Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Tại thị trường châu Âu, các hãng đã gặp nhiều trở ngại để phát triển như cắt giảm việc làm, khả năng đóng cửa nhà máy của Volkswagen tại Đức, chương trình trợ cấp xe điện của Đức kết thúc đột ngột vào cuối năm ngoái, và gần đây là thất bại trong việc ngăn cản các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bỏ phiếu ủng hộ thuế quan đối với xe điện Trung Quốc.

Những vấn đề nói trên đã làm dấy lên mối lo ngại rằng nhãn hiệu "made in Germany", vốn gắn liền với những mẫu xe có chất lượng cao, có thể mất đi sự hấp dẫn trong sự chuyển dịch từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

"Tôi tin rằng nhãn hiệu chất lượng Đức nói chung vẫn giữ nguyên, nhưng chưa đủ, vì thế giới ôtô đang thay đổi nhanh chóng", Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao về vận tải và hậu cần tại ngân hàng ING của Hà Lan, trả lời với CNBC.

Mẫu concept xe điện BMW Vision Neue Klasse X giới thiệu tại triển lãm ôtô Paris 2024. Ảnh: Autocar

Luman cho rằng quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa của ngành công nghiệp ôtô có nghĩa các nhà sản xuất ôtô Đức sẽ ngày càng coi trọng việc mở rộng nguồn cung ứng công nghệ cao cho xe điện, đặc biệt là pin, tuy nhiên điều này vẫn chưa được phát triển ở Đức.

Chính phủ Đức cho biết họ đang cân nhắc các cách hỗ trợ Volkswagen trong giai đoạn cắt giảm chi phí mà không cần phải đóng cửa nhà máy trong nước. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck coi Volkswagen là "tầm quan trọng cốt lõi" đối với đất nước, Reuters đưa tin vào ngày 19/9.

Tuy vậy, không phải ai cũng quan ngại về triển vọng của ngành công nghiệp ôtô Đức. Sigrid de Vries, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), một nhóm vận động hành lang của ngành, cho biết bà thấy "thực sự khó tin" rằng ngành ôtô Đức đang phải vật lộn để thích ứng với quá trình điện khí hóa.

Bà cho biết trong một buổi phỏng vấn với CNBC tại Triển lãm ôtô Paris, diễn ra vào tuần qua: "Tôi quan tâm nhiều hơn đến 'sản xuất tại Châu Âu' hơn là 'sản xuất tại Pháp' hay 'sản xuất tại Đức', tôi nghĩ rằng có một truyền thống lớn trong ngành sản xuất ôtô, đó là năng lực tự thân. Tôi nghĩ chúng ta không nên đánh giá thấp năng lực đó, cũng như khả năng đổi mới và làm chủ các công nghệ mới, và chúng ta không nên đánh giá thấp tên tuổi của thương hiệu, cũng như lòng trong thành của khách hàng".

Tại triển lãm ôtô Paris, một số nhà sản xuất đã ra mắt những mẫu xe điện giá rẻ nhằm kích cầu, và giành lại thị phần hiện do các thương hiệu Trung Quốc nắm giữ, như BMW giới thiệu 2 mẫu xe điện giá rẻ Mini, bao gồm John Cooper Works Electric và John Cooper Works Aceman.

Julia Poliscanova, giám đốc cấp cao về chuỗi cung ứng xe cộ và xe điện tại nhóm vận động Transport & Environment, cho biết có hai vấn đề riêng biệt cần xem xét khi đánh giá "sức khỏe" của ngành ôtô Đức.

"Thứ nhất là điều gì tốt nhất cho hoạt động sản xuất tại Đức, thứ hai là điều gì tốt nhất cho các nhà sản xuất Đức có quy mô toàn cầu, hai vấn đề này không phải lúc nào cũng tương đồng nhau", Poliscanova chia sẻ.

Bà cho biết thêm ngành công nghiệp Đức và một số hãng như Volkswagen đang gặp phải những vấn đề trên toàn cầu, ví dụ như sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc, xu hướng dùng hàng nội địa của người tiêu dùng Trung Quốc, doanh số bán ôtô không hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà khẳng định việc làm chậm lại quá trình điện khí hóa không phải là giải pháp cho ngành ôtô tại Đức.

Hồ Tân (theo CNBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020