Trong căn phòng trọ 0 đồng ở gần Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội một chiều cuối tháng 7, chị Vi Thị Hương mở hộp cơm từ thiện, động viên con trai Cao Xuân Đức ăn cho nóng.
Cậu bé 9 tuổi xúc những thìa cơm chan nước canh với giò thái nhỏ, nhai từng miếng khó khăn. Tác dụng phụ của thuốc điều trị khiến em bị nhiệt miệng, dù cố gắng cũng chỉ ăn được phần ba. Người mẹ dỗ dành mươi phút, đút thêm được hai thìa. Bữa nào cũng vậy, chị ăn lại hộp cơm đã nguội ngắt của con.
Nhưng chị Hương vẫn thấy biết ơn. "Ngày nào cũng có cơm từ thiện. Ba hôm nay lại được vào đây ở miễn phí, mẹ con cháu như tỉnh người ra", chị Hương, 37 tuổi, quê Yên Thành, Nghệ An chia sẻ
Trong thời gian chờ được nhập viện, chị Vi Thị Hương và con trai Cao Xuân Đức được cho ở miễn phí trong khu trọ ở gần Bệnh viện K Tân Triều, chiều 30/7. Ảnh: Phan Dương
10 năm trước chị Hương kết hôn với anh Cao Xuân Dũng. Một năm sau họ chào đón cặp sinh đôi Xuân Nhân và Xuân Đức. Gia cảnh nghèo, lại không nghề nghiệp, vì mưu sinh mà cặp vợ chồng mỗi người mỗi ngả.
Sóng gió ập tới khi năm 2016, anh chồng của chị Hương bị tai nạn lao động, may mắn giữ được tính mạng nhưng bị khuyết tật nửa cơ thể, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc cha mẹ già. Để chạy chữa cho anh, gia đình phải cầm cố sổ đỏ và vay mượn nhiều nơi.
Anh Dũng buộc phải xa vợ con qua Campuchia làm ăn những mong có thu nhập tốt hơn. Được hơn một năm anh gửi tiền về, rồi sau mất liên lạc. Chị Hương từ chỗ làm việc ở gần, nay phải xa con làm công nhân ở Bắc Ninh để có thu nhập ổn định. Một ngày cuối năm 2019 chị nhận tin chồng đã bị tâm thần, giờ phải lo liệu vài chục triệu sang Campuchia đón về.
"Lúc đi anh là người chồng yêu vợ thương con, nhưng khi về quấy phá, không còn nhận ra ai nữa", chị kể. Gia đình buộc phải đưa anh vào Bệnh viện tâm thần tỉnh Nghệ An. Thời gian đó chị Hương suy sụp, nhưng rồi cũng phải tự gượng dậy bởi cả nhà 6 miệng ăn trông chờ vào mình.
Biến cố này chưa qua, tin dữ khác ập đến. Một ngày cuối tháng 2 năm nay, bố mẹ chồng gọi thông báo bé Đức không chịu nổi những cơn đau đầu nữa. Từ trước đó vài tháng cậu bé đã thường xuyên đau sốt và được bác sĩ trong tỉnh xác định viêm tai giữa, cho thuốc về dùng nhưng càng ngày thời gian đau sốt càng gần nhau.
Hương vội vàng trở về đưa con ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương ở Hà Nội. Sau ba ngày kết quả cho thấy cậu bé bị ung thư hầu mũi. "Lúc bác sĩ thông báo tôi cảm tưởng bị ép vào tường, không cựa, không thở được", người mẹ kể.
Trên chuyến xe trở về, chị ôm con trong lòng, cứ hai tiếng lại phải cho bé dùng một viên giảm đau, hạ sốt. Lúc con thiu ngủ là nước mắt người mẹ tuôn trào. Chị không biết bệnh của con như thế nào. Không biết lấy tiền đâu chữa trị. Trong lòng ngập tràn cảm giác ăn năn, hối hận vì kiếm tiền mà phải để hai con thơ dại. Năm nay 9 tuổi nhưng hai anh em đều chưa đến 19 kg, đi khám được xác định suy dinh dưỡng nặng.
"Đọc những thông tin do sinh hoạt, ăn uống mới khiến con bị bệnh hiểm nghèo, tôi hối hận vô cùng vì đã xa con", chị nói.
Trong những năm làm công nhân may, mỗi tháng chị Hương vượt hơn 600 km cả đi về để thăm con. Năm ngoái chị chuyển sang công ty điện tử, có hai tuần làm ca đêm nên một tháng về thăm con hai lần. Đồng lương công nhân eo hẹp, mỗi lần về nhìn con ăn uống thiếu chất, chị lại cố gắng tăng ca, tiết kiệm từng đồng gửi về.
Cậu bé Đức hào hứng khi nhận một suất ăn từ thiện. Ảnh: Gia đình cung cấp
Tin Minh Đức bị ung thư lan xôn xao xóm nhỏ miền Tây xứ Nghệ. Cậu bé về đến nhà là anh em, xóm giềng tới thăm. Người đôi ba trăm nghìn, người một vài triệu gom góp để cứu em. Nhờ có sự hỗ trợ này, mẹ con chị Hương cùng bác của Đức, chị Cao Thị Hiền, lên đường ra Bệnh viện K Tân Triều.
Lộ trình điều trị của Đức gồm 6 đợt truyền hóa chất và 33 mũi xạ. Mới nhập viện đã phải đóng 9 triệu đồng đặt buồng (dụng cụ y khoa được ứng dụng để truyền hóa chất cho các bệnh nhân ung thư) và gần 2 triệu đồng mua mặt nạ đeo vào để xạ trị khiến chị Hương hoảng. Trong túi chỉ còn hơn 10 triệu đồng, chị không biết làm cách nào đi hết lộ trình điều trị của con.
Nỗi hoang mang lên tới đỉnh điểm khi bác sĩ thông báo thể trạng suy dinh dưỡng của Đức không đảm bảo để tiêm thuốc mê đặt buồng. "Tôi nghe xong ngồi sụp xuống đất, ký tên lên giấy bảo lãnh mà run rẩy không làm được", người mẹ nhớ lại.
Các y bác sĩ phải động viên, trấn an muốn cứu con thì mẹ phải mạnh mẽ. Hồi lâu chị Hương ký được xong nhưng tinh thần vẫn hoảng loạn. Chị nhờ bác gái trông Đức, còn mình tìm đến một ngôi chùa cạnh đó cầu xin. Ở quê nhà, ông bà nội, ngoại cũng thắp hương xin tổ tiên phù hộ cho ca đặt buồng diễn ra thuận lợi.
Chị Cao Thị Hiền cho biết một tháng đầu phải đồng hành với hai mẹ con Hương để lo các thủ tục ở viện bởi Hương khủng hoảng, ngay đến cả việc chăm con cũng làm không nổi. Có bữa chị đã dặn đi dặn lại chuẩn bị tới giờ truyền canxi đi báo cho điều dưỡng, nhưng Hương cứ ngồi ngây ra quên mất. Bác sĩ trách chậm một tiếng vẫn chưa sao nhưng qua một ngày thì thực sự ảnh hưởng nên mẹ buộc phải lấy lại tinh thần.
Đến giờ chị Hương đã nắm được lịch tiêm truyền, các loại thuốc con uống đến chăm sóc con mỗi khi con vào thuốc bị nôn mửa, nhiệt miệng, chân tay tê nhức. Chị cũng biết được lịch cơm từ thiện, kết giao với những người đồng cảnh ngộ để hỗ trợ nhau. Riêng kinh phí chữa bệnh vẫn phải "chai mặt" vay mượn anh em, họ hàng.
Đến giữa tháng 6 vừa qua, bác sĩ cho nghỉ một khoảng trước khi đợt truyền mới nên hai mẹ con được về nhà. Cùng thời điểm, chồng chị Hương được cho ra khỏi viện tâm thần về nhà chăm sóc. Những tưởng là cuộc đoàn tụ gia đình, nhưng giờ anh Dũng không còn nhận ra ai, thường nói linh tinh, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc người khác. Hương biết rằng, hai đứa con chỉ có thể dựa vào mình.
Hiện tại bé Đức đang bước vào đợt truyền hóa chất và 13 mũi xạ cuối cùng. Người mẹ cầu mong chuyến này thuận lợi, để khai giảng sắp tới con được trở về đi học cùng anh trai.
"Tôi chưa dám thở phào, còn bao nỗi lo vẫn đang nặng trĩu", chị nói và cho biết sắp tới chắc chỉ làm được ruộng đồng quanh quẩn ở nhà, chưa biết phải kiếm kế sinh nhai gì để nuôi gia đình. Hành trình chữa bệnh của Đức vẫn còn phía trước.
Trong căn phòng trọ 0 đồng chiều mưa tháng 7, cậu bé không hiểu gì về những nỗi lo của mẹ. Em vẫn hồn nhiên vui thì cười, đau thì khóc và nói về ước mơ mình được khỏe mạnh, bình an.
"Con nhớ anh Nhân. Con muốn nhanh được về nhà với anh", cậu bé vừa sống sót qua những cơn sốt cao co giật do nhiễm khuẩn buồng, cười tươi nói, đối lập với khuôn mặt buồn khổ của mẹ em.
Nhằm hỗ trợ bệnh nhi ung thư (trong đó có Cao Xuân Đức, Nghệ An), Quỹ Hy vọng phối hợp với nền tảng vRace triển khai giải chạy bộ và đạp xe gây quỹ. 100% phí đăng giải sẽ được ủng hộ để tài trợ viện phí cho các em. Giải chạy đặt mục tiêu thu hút 3.000 runner tham gia và gây quỹ 300 triệu đồng.
Độc giả tìm hiểu thông tin tại đây.
Phan Dương