Mua hàng qua mạng (online) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Với sự tiện lợi mà nó mang lại, cùng những ưu đãi lớn mà các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thường đưa ra để thu hút khách hàng, không bất ngờ khi cách mua sắm này ngày càng được lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giữa vô vàn những lợi ích của việc mua hàng online, thì cũng không thể không kể đến những bất cập của nó. Từ việc nhận hàng với mẫu mã và chất lượng không đúng như quảng cáo, cho đến việc nhầm kích thước hay màu sắc gây phiền toái cho người dùng; đặc biệt, các hình thức lừa đảo mới liên tục xuất hiện.
Mới đây, chị N.T.H, 40 tuổi, nhân viên văn phòng đang làm việc tại phố Vũ Trọng Phụng, thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội trở thành nạn nhân của kiểu lừa đảo cực tinh vi.
Mua đồ bơi trên Shopee, 4 ngày sau nhận gói hàng mà 'đứng hình'
Nhà chị H. ở ngoại thành. Ngày nào chị cũng vượt qua quãng đường khoảng 50km cả đi lẫn về đi làm. Với tính chất công việc khá bận rộn, đi làm xa, lại phải chăm sóc 2 con nhỏ nên chị ít có thời gian rảnh để đi mua sắm. Chính vì vậy, chị thường ưu tiên chọn cách mua hàng online vì sự tiện lợi của nó.
Nói vui là hầu như tuần nào chị cũng "đóng họ" cho các nền tảng TMĐT, từ Facebook, cho đến Tiki, Lazada, Shopee.
Vào hôm 28/7 vừa qua, chị H. lên Shopee đặt một bộ đồ bơi của một cửa hàng đăng ký trụ sở tại TP.HCM, dự kiến sẽ nhận hàng sau tầm 4, 5 hôm.
Đến ngày 1/8, khi thấy shipper gọi điện thoại, chị H. đã xuống chân tòa nhà nơi chị làm việc để nhận hàng. Nhìn qua gói hàng với các thông tin về tên người nhận, số điện thoại, tên món hàng, số tiền cần thanh toán, tất cả đều khớp với những gì chị đã đặt.
Chị H. đã chuyển khoản tiền cho shipper.
Chị H. nhờ đồng nghiệp quay lại quá trình bóc gói hàng của mình. (Ảnh: NVCC)
Tuy hàng này không được tiền kiểm, nhưng là một thói quen, khi mang đồ lên văn phòng, chị H. đã nhờ đồng nghiệp dùng điện thoại quay lại ngay tại cơ quan, để nếu hàng có vấn đề thì sẽ báo cửa hàng. Tuy nhiên lần này, chị H. đã được một phen "đứng hình".
Bình thường, nếu là gửi nhầm hàng thì chắc cũng chỉ nhầm về size (kích thước) hoặc màu sắc của món hàng thôi, nhưng lần này, chị H. nhận được 2 thứ không hề liên quan đến đơn hàng đã đặt.
Chị H. ngỡ ngàng khi nhận được 2 món đồ cũ và không hề liên quan. (Ảnh: NVCC)
Chị đặt một bộ đồ bơi, nhưng lại nhận được 1 chiếc áo phông trắng trông có vẻ đã cũ, 1 chiếc áo hai dây với màu xanh nõn chuối như thể hàng tồn, và chúng có lẽ có giá trị chỉ bằng 1/10 số tiền đã chuyển khoản!
Chị H. cho biết, giá trị của 2 món đồ cũ này chẳng đáng là bao so với số tiền chị bỏ ra. (Ảnh: NVCC)
Liên hệ với bên bán, nhận được câu trả lời ngỡ ngàng
Sau khi có đoạn video bóc hàng làm bằng chứng, chị H. đã liên hệ ngay với bên bán hàng qua Shopee. Nhưng chị càng bất ngờ khi cửa hàng cho biết, gói hàng màu đen này không phải của họ.
"Chủ cửa hàng khẳng định rằng gói hàng màu đen không phải hàng của họ, và không rõ tại sao tôi lại nhận được gói hàng với các thông tin về món hàng, tên khách hàng, số điện thoại và số tiền món hàng giống hệt như vậy?"
Ngoài ra, chủ cửa hàng cho biết, gói hàng của họ sẽ được gói bằng giấy nilon màu xanh, bên trên có logo Shopee, còn gói hàng màu đen kia thì không phải của Shopee. Thêm nữa, chủ cửa hàng kiểm tra tình trạng đơn hàng thì thấy vẫn ghi là "Đang giao hàng", trong khi chị H. đã nhận hàng rồi!
Cuối cùng, chủ cửa hàng khẳng định họ là cửa hàng làm ăn uy tín, nếu có nhầm lẫn thì chắc chắn chỉ liên quan đến mẫu mã hàng, hoặc nhầm size và màu sắc, chứ không bao giờ lại có chuyện lừa đảo khách hàng như vậy!
Cũng theo chị H, chủ cửa hàng ông khuyên nên đợi vài ngày nữa xem có nhận được hàng của bên họ không là sẽ rõ ngay.
Và đúng như vậy, đến ngày 2/8, chị H. đã nhận được gói hàng là bộ đồ bơi mà mình đã đặt với đúng màu, đúng size và chất lượng như mong đợi!
Bộ đồ bơi mà chị H. nhận được từ cửa hàng vào hôm 2/8.
Shipper: "Không biết gì hơn"
Chị H. cho biết bản thân cũng đã liên hệ với shipper giao món hàng "không liên quan" cho mình. Người này cho biết chỉ nhận hàng từ bưu cục và không biết thông tin gì hơn.
Người này cũng chỉ hỗ trợ cho chị số điện thoại của người gửi chứ không thể hỗ trợ hoàn hàng cho chị được.
"Sau khi biết số điện thoại và địa chỉ cửa hàng như trên gói hàng, tôi đã gọi cho họ nhiều lần, nhưng lần nào điện thoại cũng báo bận hoặc không liên lạc được, nhắn tin cũng không thấy ai trả lời. Vì cửa hàng thì quá xa, và vì giá trị món hàng cũng chỉ vài trăm nghìn nên thôi, coi như mình xui và tự an ủi rằng những kẻ kinh doanh bằng cách lừa đảo thì cũng sẽ không bao giờ có được cái kết tốt đẹp", chị H. nói tiếp.
Người phụ nữ này cũng đưa ra phán đoán rằng, rất có thể thông tin mua hàng của chị trên Shopee đã bị lộ cho bên thứ 3 - bên sao chép thông tin đơn hàng để lừa khách. Chị H. cho rằng, đây cũng là điều mà các nền tảng TMĐT, trong đó có Shopee cần phải lưu ý để bảo vệ thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng.
"Rất may số tiền tôi bỏ ra để mua hàng lần này không quá lớn, nhưng nếu lần sau, giá trị lên tới tiền triệu thì sao? Và sẽ ra sao nếu rất nhiều người đều bị lừa như thế này?", chị H. bức xúc.
Người dùng cần tỉnh táo hơn khi mua hàng online để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa)
Theo thông tin của báo Lao Động, báo cáo “Thị trường TMĐT - Thời của mua sắm và giải trí” của Kirin Capital phát hành vào đầu tháng 4.2024 cho thấy số lượng khách hàng Việt ưa thích lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tỉ trọng tới 50%. Trong khi đó, chỉ có 30% số người mua hàng vẫn ưa thích kênh mua sắm truyền thống.
Điều này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt, khi cả số lượng cửa hàng online và người mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Các sàn TMĐT, với những ưu đãi hấp dẫn, đã trở thành những trung tâm mua sắm ảo, nhất là với khách hàng thuộc thế hệ trẻ.
Thống kê cho thấy có đến 61% người mua hàng trực tuyến là qua các sàn TMĐT, 55% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... và 34% qua các website TMĐT bán hàng.
Những lưu ý khi mua hàng online để giảm thiểu rủi ro
- Nên mua hàng tại những website, nền tảng uy tín.
- Tham khảo đánh giá, feedback của khách hàng cũ
- Tham khảo giá bán của nhiều bên trước khi mua
- Xem kỹ thông tin về sản phẩm trước khi mua
- Khi nhận hàng, lưu ý địa chỉ, số điện thoại cửa hàng, logo trên gói hàng, xem có đúng là nền tảng TMĐT mình đã đặt hàng hay không, kiểm tra trạng thái đơn hàng xem có khớp hay không.