Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chiều 27/12. Theo Bộ trưởng, xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân, được coi là nguồn năng lượng sạch, gần như không phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng hướng đến sử dụng nguồn năng lượng này thông qua việc tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân. "Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành năng lượng hạt nhân, góp phần đảm bảo năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh
Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo bố trí nguồn lực phát triển, nghiên cứu sửa và bổ sung các luật liên quan trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Để lĩnh vực năng lượng hạt nhân đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, yêu cầu Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành, đồng thời nội địa hóa thiết bị hạt nhân và tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn, đòi hỏi các quốc gia tìm kiếm giải pháp bền vững. Trong đó, năng lượng hạt nhân được xem là phương án hiệu quả, cung cấp nguồn điện công suất lớn, ổn định và không phát thải CO2.
"Nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy các chương trình như Net Zero bằng năng lượng hạt nhân, biến đây thành giải pháp cốt lõi trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính," ông Thành nói.
TS Trần Chí Thành báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh
Ông Thành cũng nêu nhiều kết quả ứng dụng công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Theo đó năm 2024, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng trong điều trị ung thư. Trong công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tập trung phát triển kỹ thuật đánh dấu đơn giếng và thiết bị đo lường cho đường ống thép.
Trong lĩnh vực nông nghiệp Viện Nghiên cứu hạt nhân chế tạo sản phẩm nano phòng bệnh nấm, nghiên cứu tăng sinh khối rễ sâm Ngọc Linh. Trung tâm Vinagamma phát triển nano bạc - đồng bảo quản thực phẩm. "Các ứng dụng này góp phần đem lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam", TS Thành cho biết.
Trong thời gian tới, ngành năng lượng nguyên tử sẽ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, cùng với xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Ông Thành cho biết, đây là những bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Nhật Minh