Chuyên mục  


Bệnh nhân được chụp bằng máy PET-CT tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Loan.

Trong ba ngày (7-9/8) hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (VINANST-13) được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh tổ chức, thu hút hơn 400 đại biểu thảo luận về ứng dụng công nghệ hạt nhân, các nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định vai trò của năng lượng nguyên tử ứng dụng trong các lĩnh vực nhưng cũng là vũ khí nguy hiểm, song "Việt Nam - một nước đang phát triển, chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, điều này đã được ghi trong các chính sách của Chính phủ Việt Nam", ông nói.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hiền.

Thực tế Việt Nam đã ứng dụng thành công khoa học công nghệ hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, hạt nhân, môi trường, công nghiệp đạt được nhiều kết quả, đóng góp vào GDP tăng trung bình 6-7%/năm.

Ở lĩnh vực y tế, các ứng dụng bức xạ ion hóa đang mang lại hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý hiểm nghèo cho người bệnh. Con số này được GS Mai Trọng Khoa, Bệnh viện Bạch Mai minh chứng, nhờ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa đã có hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư có được phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn, được thụ hưởng công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại với chi phí phù hợp ngay tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn giống cây trồng được tạo ra từ đột biến, trong đó gần 90% là từ đột biến phóng xạ, cho năng suất cao, gạo ngon, sạch bệnh. Nhiều lĩnh vực khác cũng thay đổi đáng kể nhờ ứng dụng công nghệ bức xạ hạt nhân.

Báo cáo của chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada... cũng chia sẻ nhiều nghiên cứu, công nghệ mới triển vọng ứng dụng trong cuộc sống. Trong đó có nghiên cứu với chùm tia phóng xạ được lưu giữ với bia hoạt; các kết quả nghiên cứu, tính toán khái niệm mới nhất về nơtron cho lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu thông lượng cao nhằm phục vụ cho Dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân mới trong tương lai của Việt Nam; độ phóng xạ trong lĩnh vực thăm dò dầu khí.

Ban tổ chức cho biết, hội đồng khoa học đã lựa chọn 242 báo cáo, trong đó 165 bài  trình bày tại các 6 tiểu ban chuyên môn (lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ bức xạ; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ, hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ vật liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ) và 77 báo cáo dán bảng (Posters). 

Hà Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020