Chuyên mục  


Traveloka bắt tay cùng công ty cung cấp dịch vụ taxi Bluebird. (Nguồn: detik.com)

Traveloka - công ty khởi nghiệp về du lịch trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á - đã mở rộng sang lĩnh vực đặt xe như một phần trong kế hoạch trở thành nền tảng kỹ thuật số toàn diện, làm nóng thêm cuộc đua siêu ứng dụng trong khu vực.

Ngày 18/1, công ty khởi nghiệp "kỳ lân" trị giá 3 tỷ USD có trụ sở tại Jakarta này đã ra mắt tính năng QuickRide cho phép người dùng tại 16 thành phố của Indonesia đặt xe taxi từ Bluebird - nhà cung cấp dịch vụ taxi địa phương có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Iko Putra, Giám đốc điều hành vận tải của Traveloka, cho biết công ty giới thiệu tính năng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với dịch vụ đặt xe trực tuyến. Song hiện Traveloka vẫn chưa có kế hoạch giới thiệu dịch vụ gọi xe ngoài taxi.

Ông Iko khẳng định: "Sự ra mắt Traveloka QuickRide củng cố cam kết của Traveloka như một siêu ứng dụng phong cách sống nhằm cung cấp các dịch vụ đầu cuối tốt nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng."

Sự kiện ra mắt QuickRide đánh dấu việc Traveloka lấn sân sâu hơn vào phân khúc kinh doanh của các "gã khổng lồ" công nghệ GoTo, Grab và Shopee.

Trước đó, Traveloka đã ra mắt dịch vụ cho vay tín dụng trực tuyến thông qua Traveloka PayLater vào năm 2018 và giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn qua Traveloka Eats vào cuối năm 2020.

Năm 2021, Traveloka đã tăng gấp đôi lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ tài chính bằng cách tung ra thẻ tín dụng ảo hợp tác với ngân hàng Bank Negara Indonesia (BNI) và bằng cách giới thiệu tính năng đầu tư vàng hợp tác với hãng kinh doanh cầm đồ PT Pegadaian thuộc sở hữu của nhà nước.

Đối với Bluebird, các tính năng mới giúp hãng điều hành taxi này mở rộng chiến lược truy cập đa kênh để cung cấp dịch vụ đặt xe taxi trên nhiều nền tảng.

Trước đó, công ty này đã có các dịch vụ tương tự với Shopee và Gojek. Hồi năm 2017, Bluebird cũng đã ra mắt quan hệ đối tác để cung cấp dịch vụ đón và trả khách tại sân bay thông qua Traveloka.

Phó Chủ tịch Blue Bird Group Adrianto Djokosoetono cho biết: "Traveloka QuickRide có thể cung cấp cho công chúng sự truy cập an toàn và thoải mái đối với các dịch vụ Bluebird nhằm hỗ trợ việc di chuyển của họ."

Trong cuộc đua siêu ứng dụng, Gojek và Grab là những siêu ứng dụng tiên phong tại Indonesia.

Hai công ty "kỳ lân nhiều sừng" (decacorn - công ty khởi nghiệp được định giá hơn 10 tỷ USD) này bắt đầu hành trình siêu ứng dụng của mình vào năm 2015, trong đó Gojek triển khai dịch vụ giao đồ ăn GoFood còn Grab ra mắt dịch vụ chuyển phát nhanh.

Gần đây, các công ty khác như Sea Group của Singapore, Traveloka của Indonesia và AirAsia của Malaysia đã thách thức hai tên tuổi lớn này trong việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn diện.

Với vốn hóa thị trường 94,84 tỷ USD, Sea Group - thông qua Shopee - khởi đầu là một nền tảng thương mại điện tử song đã đa dạng hóa thành ví điện tử thông qua ShopeePay và dịch vụ giao đồ ăn thông qua ShopeeFood.

Trong khi đó, Gojek đã hợp nhất với "gã khổng lồ" thương mại điện tử Tokopedia - "đối thủ" của Shopee - vào tháng 5/2021 để tăng cường năng lực và thách thức vị trí của Grab và Shopee tại Indonesia.

GoTo - công ty hợp nhất giữa Gojek và Tokopedia - đã được định giá 18 tỷ USD. Về phần mình, AirAsia đã thâm nhập thị trường Indonesia thông qua một sàn mỹ phẩm trực tuyến và đang có kế hoạch triển khai dịch vụ gọi xe mang tên AirAsia Ride.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp (CELIOS) Bhima Yudhistira đánh giá: "Cuộc đua tích hợp các dịch vụ rộng rãi hơn sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ngay bây giờ, không chỉ là vấn đề định giá của một công ty khởi nghiệp mà còn là vấn đề có bao nhiêu dịch vụ liên quan trong một ứng dụng."

Các nhà phân tích cho rằng Traveloka sẽ cần một số tiền lớn để lôi kéo khách hàng từ các "ông trùm" dịch vụ gọi xe hiện nay là Gojek và Grab.

[Traveloka lên kế hoạch triển khai dịch vụ tài chính tại Việt Nam]

Giám đốc Trung tâm kinh tế kỹ thuật số thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) Nailul Huda cho rằng Traveloka phải có khả năng "đốt tiền" để có thể cạnh tranh với Gojek và Grab.

Công ty khởi nghiệp du lịch này đã huy động được 250 triệu USD vào năm ngoái để giúp củng cố các hoạt động trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và trong bối cảnh du lịch nội địa bắt đầu phục hồi tại Indonesia sau khi chính phủ nước này dần nới lỏng các hạn chế đi lại.

Theo số liệu tổng hợp của Crunchbase, khoản tài trợ mới nói trên nâng tổng số tiền tài trợ của Traveloka lên 1,2 tỷ USD sau 6 vòng gọi vốn kể từ năm 2012.

Traveloka cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Indonesia hoặc Mỹ. Hiện công ty khởi nghiệp đặt mục tiêu đạt mức định giá 5-6 tỷ USD.

Ông Nailul lưu ý rằng điểm hạn chế của Traveloka là không thuộc bất kỳ hệ sinh thái siêu ứng dụng nào có đủ khả năng hỗ trợ các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ như vậy. Hiện chỉ có ba hệ sinh thái như vậy tại Indonesia là GoTo, Shopee và Grab-Emtek-Bukalapak.

Theo ông Nailul, có khả năng Traveloka sẽ tham gia một trong những hệ sinh thái siêu ứng dụng vì nếu không có chúng, công ty khởi nghiệp du lịch này "có thể sẽ thua cuộc" trong cuộc cạnh tranh dịch vụ gọi xe./.

 
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020