Chuyên mục  


Năm học 2022-2023, giá sách giáo khoa (SGK) mới tăng gấp nhiều lần so với SGK hiện hành. Lý do mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra là "sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ".

Không cần in SGK quá đẹp, quá đắt

Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được các chuyên gia lẫn phụ huynh học sinh, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, trong giáo dục, không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. SGK cũng có thể coi là sản phẩm thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với sách cũ là không hợp lý .Ảnh: BẢO LÂM

"Vấn đề cần quan tâm là SGK có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của ta hiện nay hay không? Liệu SGK có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không" - ông Phan Viết Lượng đặt vấn đề.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng việc tăng giá SGK mới gấp 2-3 lần so với SGK cũ là không hợp lý. Theo ông, SGK phục vụ đại trà, do vậy cần phải lựa chọn chất liệu cho phù hợp, cân bằng các nhu cầu của người dân chứ không nhất thiết phải in đẹp, khổ to rồi tăng giá một cách bất hợp lý. Chất lượng giáo dục không quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt.

Chuyên gia này nhận xét với các loại sách bài tập mà học sinh làm bài ngay trên sách thì nên in bằng loại giấy phù hợp. Chỉ những cuốn sách, học liệu sử dụng dài lâu thì mới cần sản xuất bằng vật liệu tốt.

Chị Nguyễn Thu Trang - phụ huynh một học sinh lớp 2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - đánh giá bộ SGK mới sử dụng quá lãng phí vì có không ít cuốn cả năm không thấy nhắc tới, học hết năm mà sách vẫn mới nguyên, chưa hề mở ra để học. "Có cuốn dùng vài lần, có cuốn vẫn mới nguyên. SGK trước đây có tính kế thừa, còn sách bây giờ thì học xong năm nào bỏ năm đó vì học sinh làm bài trực tiếp lên sách. Việc này quá lãng phí cho cha mẹ học sinh cũng như xã hội" - chị Trang bày tỏ.

Cô Trần Thu Hương, giáo viên một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy, cho hay dưới góc độ giáo viên, kết quả học tập của học sinh được quyết định bằng ý thức của các em chứ không phải bằng sách to đẹp, nhiều màu. Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành là việc dạy học dựa vào chương trình, SGK chỉ là một tài liệu.

"Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh là quan trọng chứ không phải SGK. Chỉ là tài liệu nên theo tôi, không nhất thiết SGK phải to đẹp, nhiều màu và giá bán đắt gấp 2-3 lần SGK cũ. Điều này gây khó khăn cho nhiều gia đình ngay cả ở thành phố chứ không phải nông thôn hay vùng khó khăn" - cô Hương nhìn nhận.

Phải quản lý giá SGK

Theo quy định của Luật Giá, giá SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do doanh nghiệp, NXB tự xây dựng, quyết định, đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, ông Phan Viết Lượng cho rằng SGK cũng có thể coi là sản phẩm thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của ai đó mà đẩy giá sách lên. Vì thế, nhà nước cần quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá.

Đồng quan điểm này, ông Lê Viết Khuyến cho rằng cần có sự quản lý giá SGK một cách rõ ràng. SGK cũng như gạo, xăng dầu, đều là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Nhà nước cần có sự quản lý giá cả, thậm chí bù lỗ nếu cần, chứ không thể thả nổi giá SGK.

Theo một giảng viên của ĐHQG Hà Nội, không thể để các NXB quyết định giá SGK theo thị trường vì người làm kinh doanh luôn muốn bán càng lãi càng tốt. Giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến trên thế giới đang đi theo xu hướng một chương trình, nhiều bộ SGK. Các NXB cạnh tranh với nhau cả về chất lượng nội dung, hình thức, giá cả để bán sách.

"Chúng ta đang đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, có một vấn đề là thông thường cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí, riêng giá SGK ở Việt Nam thì ngược lại. Vì thế, giá SGK là vấn đề cần phải kiểm soát. Cần phải có khung trần về giá SGK và các NXB không được vượt quá khung này. Với mức trần đó, các NXB sẽ có những điều chỉnh về thiết kế, mẫu mã, chất liệu giấy sao cho phù hợp nhất, cạnh tranh nhất" - giảng viên này góp ý.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá. 

"PGS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng trong thời điểm tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cần phải xem xét kỹ trước khi tăng giá SGK.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020