Chuyên mục  


Những chai rượu champagne trên xác tàu đắm. Ảnh: Ancient Origins

Năm 2010, một nhóm thợ lặn ở quần đảo Åland của Phần Lan bắt gặp xác tàu đắm vào năm 1852. Họ rất bất ngờ khi tìm thấy 145 chai rượu champagne ở độ sâu 48,8 m. Điều đặc biệt hơn là các chai vẫn đầy và có vị rất đặc biệt, theo mô tả của một giáo sư hóa sinh hóa học thực phẩm. Tất cả nhãn mác đã phai mờ nhưng những chuyên gia về rượu kiểm tra mặt bên trong của nút chai và tìm thấy ảnh thương hiệu cho phép họ xác định nguồn gốc của chúng. Nhiều chai champagne đến từ công ty Juglar maison, biến mất vào năm 1829 khi vườn nho của họ bị đối thủ cạnh tranh tiếp quản. Ngoài ra, có 47 chai rượu hiệu Veuve Clicquot, theo Guardian.

Hai năm sau phát hiện, 11 chai rượu được bán đấu giá với tổng giá trị là 156.000 USD ở Mariehamn, trên quần đảo Åland giữa Phần Lan và Thụy Điển, nơi xác tàu Föglö được tìm thấy. Đặc biệt, một chai rượu Veuve Clicquot đạt giá bán lên tới 16.342 USD. Đó là trước khi rượu trong chai được phân tích và nếm thử bởi các chuyên gia. Hiện nay, giá trị của những chai rượu lấy từ xác tàu có thể đạt 190.000 USD.

Philippe Jeandet, giáo sư hóa sinh học thực phẩm ở Đại học Reims, nằm ở trung tâm vùng sản xuất champagne của Pháp, được giao mẫu vật nhỏ lấy từ ba chai rượu để tiến hành phân tích chất rượu. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của ông kết luận "sau 170 năm ngâm dưới biển sâu trong điều kiện gần như hoàn hảo, những chai rượu champagne ngủ yên này đã thức tỉnh để kể cho chúng ta một chương mới về câu chuyện sản xuất rượu".

Một loạt chuyên gia ban đầu mô tả rượu trong chai bằng những từ ngữ như "mùi động vật", "tóc ướt", "kém", và đôi khi "tồi tệ". Nhưng sau khi để rượu lắng trong cốc thủy tinh và oxy hóa, nó tỏa ra hương thơm dễ chịu hơn, cay nồng và giống mùi da. Dominique Demarville, quản lý sản xuất rượu champagne ở Veuve Clicquot, nếm chai rượu ba lần và phát hiện vị trái cây, nấm cục và mật ong. Ông kết luận đây là một trong những loại champagne ngon nhất thế giới. "Tôi chưa bao giờ nếm loại rượu như vậy trong đời. Hương thơm lưu lại trong miệng tôi suốt 3 - 4 giờ sau khi nếm", Jeandet chia sẻ với tạp chí Smithsonian.

Công ty Veuve Clicquot hứng thú với việc tái phát hiện những chai rượu của họ đến mức quyết định tái tạo điều kiện tương tự bằng cách dìm hàng chục chai champagne ở cùng vị trí tại quần đảo Åland. Một số chai rượu sẽ nằm ở đó 40 năm. Nhà sản xuất rượu cho rằng biển sâu có thể là môi trường hoàn hảo để ủ rượu champagne. Với độ mặn thấp hơn 20 lần so với Đại Tây Dương và nhiệt độ ổn định ở 4 độ C, biển Baltic cung cấp môi trường ủ tối ứu, theo Veuve Clicquot.

An Khang (Theo Guardian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020