Chuyên mục  


Các kỹ thuật viên lấy mẫu vật thu thập ở phía xa Mặt Trăng từ khoang tàu Hằng Nga 6. Ảnh: CCTV

Khoang chứa mẫu vật của tàu Hằng Nga 6 đã đem 1.935,3 gram đất đá từ phía xa Mặt Trăng về Trái Đất ngày 25/6, đưa Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đạt thành tựu này. Mẫu vật được đưa đến các cơ sở đặc biệt để bảo quản, phân tích, sau đó phân bổ cho nghiên cứu. Nghiên cứu mới về mẫu vật, công bố trên tạp chí National Science Review, mang đến cái nhìn đầu tiên về vật liệu quý giá này, Space hôm 21/9 đưa tin.

Nhà khoa học Li Chunlai tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cùng các chuyên gia khác đã nghiên cứu mẫu vật mà tàu Hằng Nga 6 thu thập. Họ phát hiện rằng chúng có mật độ thấp hơn so với mẫu vật trước đây lấy từ phía gần Mặt Trăng. Cụ thể, mẫu vật phía xa có cấu trúc tơi xốp và nhiều khoảng trống hơn. "Mẫu vật khá tơi và sẽ còn xốp hơn nữa trong trạng thái 'tự nhiên' trên bề mặt Mặt Trăng", nhóm nghiên cứu viết.

So với mẫu vật mà tàu Hằng Nga 5 thu thập ở phía gần của Mặt Trăng năm 2020, mẫu đất đá mới chứa nhiều hạt sáng màu như feldspar và thủy tinh. Đặc điểm này cùng với một số dữ liệu khác về thành phần cấu tạo cho thấy, có nhiều vật liệu từ xa văng đến địa điểm lấy mẫu. Điều này có thể xảy ra khi các sự kiện va chạm (ví dụ tiểu hành tinh đâm xuống) khiến vật liệu xung quanh bắn lên và văng ra khỏi vị trí va chạm. Thành phần của đá basalt tại vị trí lấy mẫu được cho là đã trộn lẫn với vật liệu bắn ra từ vùng không chứa basalt.

Mẫu vật của tàu Hằng Nga 6 cũng chứa nồng độ đá KREEP thấp hơn, loại đá chứa nhiều kali (K), các nguyên tố đất hiếm (REE) và phốt pho (P), vốn phổ biến hơn ở phía gần của Mặt Trăng. Sự bất cân xứng này có thể phần nào giải thích tại sao phía xa lại khác biệt nhiều như vậy so với phía gần.

Theo nhóm nghiên cứu, mẫu vật mới giúp nâng cao hiểu biết về một số khía cạnh quan trọng của khoa học Mặt Trăng, bao gồm quá trình tiến hóa thời kỳ đầu, hoạt động núi lửa khác nhau giữa phía gần và phía xa, lịch sử va chạm ở phần bên trong của hệ Mặt Trời, vết tích của hoạt động thiên hà được bảo tồn trong lớp phong hóa Mặt Trăng, thành phần và cấu trúc của lớp vỏ và lớp phủ Mặt Trăng.

"Những hiểu biết này có thể sẽ mang đến nhiều khái niệm và lý thuyết mới về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt Trăng", nhóm nghiên cứu kết luận. Mẫu vật từ tàu Hằng Nga 6 sẽ được cung cấp rộng rãi cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong tương lai gần. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu quốc tế dự kiến có thể nộp đơn xin mẫu sau hai năm.

Thu Thảo (Theo Space)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020