Chuyên mục  


Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) cho biết, ở một số xã vùng sâu vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là dân tộc Mông, có nhu cầu sử dụng xe máy nhưng lại không biết tiếng Việt, do đó chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Chứng kiến nhiều bà con dân tộc Mông nơi mình sinh sống không đủ kiến thức về giao thông đường bộ khiến nhóm học sinh mong muốn giúp đỡ họ có thể luyện thi lấy bằng lái xe máy dễ dàng. Và website của nhóm học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên ra đời.

Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy được nhóm phát triển trong thời gian một năm, có thiết kế đơn giản và dễ sử dụng. Trang chủ có các video giới thiệu tính năng trên website bằng tiếng Mông và dịch sang tiếng Việt. Trang có 4 menu chính học 200 câu lý thuyết, các loại biển báo giao thông đường bộ, các mẹo thi, đề thử sát hạch gồm có file tiếng mông và chữ Việt đáp ứng nhiều đối tượng có thể luyện thi. Hiện website chỉ tập trung thiết kế luyện thi sát hạch GPLX hạng A1.

Giao diện Website hỗ trợ dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy. Ảnh chụp màn hình

Giao diện trang hiển thị tiếng Việt, tuy nhiên có file âm thanh dành riêng cho bà con dân tộc Mông, bằng cách chọn hỗ trợ nghe bằng tiếng dân tộc. Phần thu âm đều được các học sinh tự thực hiện. Hiện website đã hỗ trợ 13 ngôn ngữ như tiếng dân tộc Thái, Tày, Sán Dìu, Si La, Mường, Khơ Mú, Giáy... Nhóm cũng dự định phát triển mở rộng các dân tộc khác như Cống, Phù Lá, La Hủ, Sán Chay.

Hà Giang cho biết, thống kê có 263 người sử dụng web để ôn luyện, trong đó có người đã biết tiếng Việt và chưa. Theo nữ sinh, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở sát hạch chưa tổ chức thi trong năm nay, nên mới có 12/15 người thi đạt đợt thi tháng 12/2021. Chỉ có 3 người không đạt do chưa đảm bảo thời gian ôn luyện vì nhiều lý do khác nhau.

Anh Giàng A Tro (35 tuổi), xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, dân tộc Mông, được người thân giới thiệu cho trang web ôn thi bằng lái xe này. "Tôi không biết Tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn khi thi bằng lái xe. Khi sử dụng tôi thật sự bất ngờ vì nghe tiếng Mông rất rõ và dễ hiểu, giúp tôi ôn thi rất tốt và nhờ vậy thi được bằng lái xe máy", anh nói và kể thêm đôi khi việc thi thử bị gián đoạn do mạng không ổn định, nhưng không sao cả.

Một người dân tộc Mông tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đang ôn luyện thi bằng lái xe trên trang website. Ảnh: NVCC

Hà Giang cho biết trong quá trình sử dụng, nhiều bà con không thành thạo tiếng Việt góp ý nên thêm biểu tượng các thanh hiển thị để người dùng dễ nhận dạng. Hiện trang đã được thiết kế với những biểu tượng sinh động, gần gũi và dễ hiểu. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, mong muốn phát triển hướng tới nhiều dân tộc và website có thể sử dụng rộng rãi cả nước.

"Không chỉ dừng lại ở việc ôn luyện thi giấy phép lái xe, chúng em hy vọng website sẽ giúp bà con tìm hiểu, nâng cao nhận thức về luật giao thông đường bộ góp phần giảm tỉ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung", Giang nói.

Chia sẻ với VnExpress, thầy Lê Thành Long, trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên, cho biết website hỗ trợ hiệu quả và dễ dàng sử dụng, phục vụ cho đồng bào dân tộc Mông nơi các em đang sinh sống."Các học sinh tự thu các file âm thanh nên ngôn ngữ rất gần gũi với đời sống hàng ngày của bà con khiến nhiều người cảm thấy thân thiện và giới thiệu cho nhau để cập nhật thông tin an toàn giao thông", thầy Long nói.

Theo thầy Long, trang web vẫn tồn tại một số hạn chế bởi được phát triển bởi thành viên ở lứa tuổi học sinh. Thiết kế còn khá đơn giản, những thanh menu còn ở mức sơ khai chưa thể tối ưu hóa nhiều vấn đề đặt ra. Tuy nhiên anh nhận xét ý tưởng rất đáng khích lệ. "Các em tuổi còn nhỏ có niềm đam mê khoa học lớn", anh nói.

Thầy Long mong muốn các em sẽ nhận được sự đồng hành, góp ý và hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển ứng dụng sản phẩm cho các dân tộc thiểu số khác.

Anh chia sẻ cuộc thi Sáng kiến Khoa học do VnExpress tổ chức đã giúp các trò có thêm những trải nghiệm mới. "Tôi tin tưởng và kỳ vọng những lứa học sinh sẽ lớn dần hơn, trưởng thành hơn sau mỗi cuộc thi", anh nói.

Với ý tưởng hướng tới khoa học công nghệ hỗ trợ cho người thân và mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng, dự án của nhóm Dream Makers đã giành giải khuyến khích cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022.

Nhóm nữ sinh trường trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên (thứ năm từ trái qua) nhận giải thưởng từ Cuộc thi. Ảnh:Tùng Đinh

Năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 của VnExpress kỳ vọng tạo ra sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên. Cuộc thi hướng tới các nhà khoa học trẻ, tuổi dưới 40, tìm kiếm và thúc đẩy những ý tưởng sản phẩm có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

Như Quỳnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020