Chuyên mục  


Howard Carter làm việc bên quan tài của vua Tutankhamun. Ảnh: BBC

Nhà khoa học Ross Fellowes cho rằng có một nguyên nhân sinh học phía sau cái chết của những người tiến vào mộ vua Tutankhamun, Science Times hôm 29/4 đưa tin. Nghiên cứu của Fellowes công bố trên tạp chí Scientific Exploration xác định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là nhiễm độc phóng xạ từ những vật thể tự nhiên chứa uranium và chất thải độc hại được cố tình đưa vào trong hầm mộ bịt kín.

Việc tiếp xúc với hợp chất nguy hiểm có thể dẫn tới một số loại ung thư, như căn bệnh cướp đi mạng sống của nhà khảo cổ học Howard Carter, người đầu tiên bước vào bên trong ngôi mộ của vua Tutankhamun cách đây hơn 100 năm. Giả thuyết của Fellowes chứng minh hiệu quả ngôi mộ thực sự "bị nguyền rủa" có chủ ý theo cách thức sinh học thay vì do thế lực siêu nhiên.

Carter qua đời vào năm 1939, nhiều khả năng do đau tim sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư mạch Hodgkin, căn bệnh ác tính ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của cơ thể. Nhiễm độc phóng xạ là nguyên nhân gây ra dạng ung thư này. Lord Carnarvon, một trong những người đàn ông đi qua những căn phòng chứa đầy báu vật, chết do nhiễm độc máu 5 tháng sau phát hiện. Ông bị muỗi đốt và nhiễm trùng sau khi dùng dao cạo.

Không lâu sau khi mở ngôi mộ, sự cố mất điện trong thời gian ngắn xảy ra và tất cả đèn ở Cairo vụt tắt. Con trai của Carnarvon kể lại con chó của anh tru lên và bất ngờ lăn ra chết. Những người khác liên quan đến cuộc khai quật chết do ngạt thở, đột quỵ, tiểu đường, suy tim, bệnh phổi, ngộ độc, sốt rét và phơi nhiễm tia X. Tất cả họ đều qua đời ở độ tuổi ngoài 50. Nhà Ai Cập học người Anh Arthur Weigall tham gia lễ mở mộ vua Tutankhamun, nơi ông bị buộc tội kích động lời nguyền. Ông qua đời do bệnh ung thư ở tuổi 54.

Nghiên cứu của Fellowes giải thích lượng phóng xạ cao được ghi nhận ở hai ngôi mộ thời kỳ Cổ Vương quốc tại Giza và một số ngôi mộ dưới lòng đất ở Saqqara. Kết luận tương tự cũng được đưa ra với ngôi mộ Osiris ở Giza. Fellowes nhấn mạnh độ phóng xạ cao gắn liền với hai két đá, đặc biệt từ bên trong. Giáo sư Robert Temple cho biết những chiếc két được làm từ đá bazan là một nguồn phóng xạ, khác với lượng radon tự nhiên từ nền đá vôi ở xung quanh.

Các nghiên cứu khác đo trực tiếp khí radon tại nhiều vị trí khác nhau trong các ngôi mộ ở Saqqara. Khí radon là sản phẩm trung gian của quá trình phân rã uranium, với chu kỳ bán rã 3,8 ngày. Nồng độ radon trong môi trường được xác định tại 6 địa điểm ở Saqqara gồm ngôi mộ phía nam, hầm chứa ở kim tự tháp Djoser và đường hầm của ngôi mộ Serapeum. Hàng nghìn chiếc bình khai quật dưới kim tự tháp Djoser vào những năm 1960 chứa tới 200 tấn hợp chất chưa xác định, chứng tỏ chất độc đã được chôn cùng với xác ướp.

Vào ngày 4/11/1922, nhóm khai quật của Carter tìm thấy bậc thang dẫn tới mộ vua Tutankhamun và dành vài tháng phân loại phòng ngoài. Họ mở phòng chôn cất và phát hiện quan tài vào tháng 2 năm sau đó. Đây là một trong những ngôi mộ xa hoa nhất được phát hiện trong lịch sử, chứa đầy đồ vật quý giá để trợ giúp vị pharaoh trẻ trong hành trình sang thế giới bên kia. Số đồ vật mai táng lên tới 5.000 món, bao gồm giày bằng vàng ròng, tượng, vũ khí. Kích thước nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun, xét đến vị thế của ông trong lịch sử Ai Cập, khiến các chuyên gia bối rối suốt nhiều năm. Carter và cộng sự mất 10 năm để thu thập kho báu trong ngôi mộ.

Vị vua trẻ Tutankhamun là một pharaoh Ai Cập thuộc triều đại thứ 18, trị vì từ năm 1332 đến năm 1323 trước Công nguyên. Ông là con trai của Akhenaten và lên ngôi khi mới 9 - 10 tuổi. Khi trở thành vua, Tutankhamun kết hôn với em gái cùng cha khác mẹ là Ankhesenpaaten. Ông qua đời vào khoảng năm 18 tuổi và nguyên nhân cái chết vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, vị vua gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do cha mẹ ông là anh chị em.

An Khang (Theo Mail/Science Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020