Đôi hổ mang chúa giao phối trong khu rừng ở Nainital. Video: Hindustan Times.
Sanjiv Chaturvedi, giám đốc bảo tồn lâm nghiệp (CCF) kiêm trưởng nhóm nghiên cứu cho biết họ đã theo dõi rắn hổ mang chúa ở nhiều khu vực của bang trong dự án kéo dài 5 năm.
"Cách đây hơn một tuần, đồng nghiệp Jyoti Prakash Joshi của tôi và nhà nghiên cứu Jigyasu Dolia phát hiện và ghi hình quá trình giao phối của rắn hổ mang chúa trong khu rừng ở quận Nainital. Dù rắn hổ mang chúa nhiều lần xuất hiện trong bang, đặc biệt ở Kumaon, đây là lần đầu tiên cơ quan lâm nghiệp quay lại hành vi giao phối của chúng", Chaturvedi cho biết. Những rừng thông và sồi ở Nainital cung cấp môi trường phù hợp cho quá trình nở của trứng rắn vốn nhạy cảm với nhiệt độ.
Vào tháng 6/2018, hội đồng tư vấn nghiên cứu (RAC) của cơ quan lâm nghiệp thông qua dự án nghiên cứu 5 năm về rắn hổ mang chúa, nhằm tìm hiểu môi trường sống của chúng, ước tính số lượng, nguy cơ đe dọa và sáng kiến bảo tồn. Dù hổ mang chúa chủ yếu phân bố ở rừng mưa nóng ẩm tại miền nam và đông bắc Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những ổ rắn tại Uttarakhand từ thập niên 1920.
Theo Chaturvedi, dự án nghiên cứu sẽ giúp họ lập kế hoạch bảo tồn rắn hổ mang chúa. Vipul Mourya, nhà nghiên cứu tại Viện động vật hoang dã tại Dehradun (WII), rắn hổ mang chúa chủ yếu bị đe dọa bởi những người coi chúng như loài nguy hiểm.
Tại Ấn Độ, rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) tập trung nhiều ở vùng Tây Western Ghats, Uttar Pradesh, Bihar, Odisha, Tây Bengal và quần đảo Andaman. Chúng thường ăn các loài rắn khác hoặc cá thể cùng loài. Nọc độc của chúng chứa độc tố thần kinh haditoxin. Đây là loài dễ tổn thương theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
An Khang (Theo Hindustan Times)