Đàn gà sẽ được cung cấp thức ăn và nước uống để sống sót khoảng một tuần trong vỏ quả bom. Ảnh: Sideprojects
Mỹ nổi tiếng với một số ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân kỳ quặc như thả bom nguyên tử lên Mặt Trăng, nhưng họ không phải nước duy nhất định dùng loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt này theo cách khác thường. Vào thập niên 1950, Anh từng phát triển kế hoạch đặt những con gà vào trong một quả bom nguyên tử, theo IFL Science.
Vào thời Chiến tranh Lạnh, Tây Âu lo ngại về nguy cơ quân đội Nga xâm phạm thông qua miền bắc nước Đức. Chính phủ Anh cũng lo lắng trước khả năng đó và bắt đầu tìm cách đẩy lùi nguy cơ. Giải pháp mà họ nghĩ ra vào giữa thập niên 1950 với bí danh Blue Peacock là chôn mìn hạt nhân 10 kiloton ở miền bắc nước Đức, có thể kích hoạt từ xa hoặc hẹn giờ để nổ sau 8 ngày. Ý tưởng của Anh là Nga sẽ bị chùn bước do ô nhiễm phóng xạ từ vụ nổ. Theo một tài liệu mật từ năm 1955, mìn hạt nhân đặt ở vị trí chiến lược không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng trên khu vực rộng lớn mà còn ngăn kẻ thù xâm chiếm khu vực trong thời gian dài do ô nhiễm.
Có một số thách thức trong việc tạo ra bãi mìn hiệu quả như vậy. Vấn đề lớn là quả bom hạt nhân duy nhất có sẵn ở Anh thời điểm đó là Blue Danube cần lưu trữ trong điều kiện khí hậu có kiểm soát. Những thử nghiệm do Anh tiến hành cho thấy điều kiện lạnh ở châu Âu vào mùa đông có thể khiến vũ khí mát đến mức không hoạt động.
Ngoài tăng cường cách nhiệt, năm 1957, những chuyên gia làm việc trong dự án nghĩ ra giải pháp sử dụng gà. Để giữ cho quả bom ấm áp và hoạt động được, họ định đặt một đàn gà vào bên trong lớp vỏ của quả bom. Đám gà sẽ được cung cấp thức ăn và nước uống bên trong ngôi nhà tạm thời mới, đủ để chúng sống sót trong khoảng một tuần. Nhiệt lượng từ cơ thể đàn gà sẽ giữ cho quả bom luôn ấm trước khi phát nổ.
Nguyên mẫu mìn hạt nhân từng được chế tạo nhưng dự án bị hủy sau một thử nghiệm. Khi kế hoạch được tiết lộ bởi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh vào năm 2004, nhiều người cho rằng đây là trò đùa ngày Cá tháng Tư khiến tổ chức này buộc phải xác nhận dự án có thực trên mạng xã hội.
An Khang (Theo IFL Science)