Novita Tan, đồng sáng lập công ty tái chế Rebrick. Ảnh: AFP.
Sau hai năm hiện thực hóa ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành gạch lát đường thân thiện với môi trường, đôi bạn thân Novita Tan và Ovy Sabrina (34 tuổi) đã ra mắt công ty tái chế Rebrick, trong bối cảnh Indonesia trở thành quốc gia xả rác thải nhựa xuống biến lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với hy vọng có thể góp phần giúp đất nước 270 triệu dân này đạt mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trong vòng 4 năm tới.
Cặp đôi bắt đầu bằng việc ghé thăm các quầy hàng thực phẩm trên khắp thủ đô Jakarta để tìm kiếm những gói cà phê hòa tan bỏ đi, bao bì mì gói và túi nylon. Nhờ chiến dịch truyền thông xã hội hiệu quả, họ nhanh chóng nhận được hàng đống bao bì nhựa phế thải từ các nhà tài trợ trên cả nước.
"Nó cho thấy người Indonesia có ý thức mạnh mẽ trong việc tái chế rác thải nhựa nhưng họ không biết phải làm điều đó ở đâu và như thế nào", Sabrina chia sẻ.
Rác thải nhựa được xử lý và cát thành những mảnh nhỏ. Ảnh: AFP.
Tại xưởng tái chế của công ty Rebrick, bao bì nhựa phế liệu được cắt thành những mảnh nhỏ, sau đó trộn với xi măng và cát để đúc thành các khối xây dựng. Chúng trông giống những viên gạch thông thường nhưng khó vỡ hơn, trong khi có mức giá tương đương.
"Mỗi ngày, chúng tôi có thể ngăn chặn khoảng 88.000 mảnh bao bì nhựa xả ra môi trường", Tan nói. "Công ty đến nay đã sản xuất được hơn 100.000 viên gạch".
Gạch lát đường Rebrick rẻ như gạch thường nhưng bền hơn. Ảnh: AFP.
Một số thành phố của Indonesia đã cấm đồ nhựa dùng một lần nhưng việc tái chế chất thải vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vấn đề ô nhiễm được nhấn mạnh vào năm 2018 sau khi một con cá nhà táng chết dạt vào bờ biển nước này với gần 6 kg rác thải nhựa trong dạ dày của nó.
Tan và Sabrina có kế hoạch mở rộng công ty và mô hình tái chế bao bì nhựa phế thải của họ. Cặp đôi này cho biết đang đàm phán với một công ty tiêu dùng lớn về khả năng hợp tác trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo AFP)