Ví dụ thực tế được đại diện doanh nghiệp chia sẻ trong hội thảo về "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ" tổ chức tại TP HCM sáng 25/3.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Sao Mai cho biết, công ty ông từng tham gia chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất dầu ăn và các sản phẩm bột cá, bột nêm... từ mỡ cá tra. Công nghệ này giúp nâng tầm giá trị cá tra Việt Nam lên 28%, chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập.
Khi đổi mới công nghệ, doanh thu các sản phẩm từ dầu cá tra tăng 2,9 lần (khoảng 800 tỷ đồng), doanh thu sản phẩm bột cá tra tăng 57% (khoảng 1.700 tỷ đồng). "Việc làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để chúng tôi nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Công ty Bách Tùng (trụ sở tại Bình Dương) cho biết, công ty chuyên sản xuất các chi tiết kim loại dạng trục cỡ nhỏ trong ngành cơ khí chính xác theo đặt hàng trong và ngoài nước. Nhờ sự hỗ trợ một phần tài chính từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia đã giúp công ty ông nghiên cứu các thiết bị tự động hóa, thay thế nhân công, giúp giảm 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% nhân công vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần mỗi sản phẩm. Những đổi mới này giúp năng suất lao động tăng 5 lần so với công nghệ cũ.
Theo ông Tòng, ngoài hỗ trợ kinh phí, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ kết nối các viện trường, cử nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trong trường hợp doanh nghiệp hạn chế về nguồn lực con người.
"Việc đổi mới công nghệ từ các hỗ trợ này giúp chúng tôi tự động hóa trong sản xuất, thay thế các máy móc lạc hậu, giảm người lao động. Điều này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng số lượng hàng và thời gian giao hàng cho đối tác", ông Tòng nói. Theo ông, sự đồng hành của cơ quan nhà nước giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ hơn, giảm một phần gánh nặng tài chính, giúp công ty tiến nhanh hơn.
Ông Nguyễn Bá Tòng chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hà An
Theo báo cáo của Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, đến năm 2020 đã huy động 872 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đổi mới công nghệ thực hiện thông qua nhiệm vụ tài trợ (chiếm 74,5% kinh phí của các dự án đã ký hợp đồng). Doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 300 tỷ đồng mỗi năm (lớn hơn ngân sách tài trợ). Gần 50 công nghệ được ứng dụng tại doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện đại hóa quy trình sản xuất.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cho biết, Bộ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm tới. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong việc quản lý các chương trình. Các chương trình khoa học công nghệ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... cũng huy động tối đa các nhà khoa học, doanh nghiệp toàn quốc tham gia.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo về đổi mới công nghệ tại Đại học Bách khoa TP HCM, sáng 25/3. Ảnh: Văn Nguyên
Theo Bộ trưởng Đạt, doanh nghiệp được coi trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong chuyển hóa các thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống. Ông cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng ngành khoa học công nghệ, vì vậy cần sự chủ động tham gia của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện trường.
"Chúng tôi mong muốn được tiếp thu những đóng góp của các bên hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ", Bộ trưởng Đạt nói.
Đóng góp kiến nghị, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP HCM chia sẻ, cơ quan nhà nước không chỉ hỗ trợ về vốn mà cần đào tạo cho doanh nghiệp tư duy, kỹ năng lựa chọn công nghệ cần thiết, ứng dụng cho sản xuất kinh doanh của họ. Các chương trình về kết nối giữa viện trường và doanh nghiệp cần tổ chức mạnh hơn.
Hội doanh nhân trẻ TP HCM sắp tổ chức ngày hội R&D Summit kết nối doanh nghiệp và viện trường để giúp doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm về nghiên cứu triển khai, xu thế nghiên cứu thế giới. "Chúng tôi mong muốn nhà khoa học lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp để đưa ra định hướng nghiên cứu, kết nối cung cầu công nghệ", ông Trường đề xuất.
Ở góc độ đại học PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết, nhà trường hiện có 8 trung tâm chuyển giao công nghệ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với doanh số khoảng 100-170 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng mô hình này gặp một số vướng mắc vì đây là một tổ chức mang tính đặc thù, cần nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ, pháp lý, kinh doanh, đối ngoại... Tuy nhiên các cơ chế chính sách hiện chưa có những hỗ trợ mang tính đặc thù này. "Cần có cơ chế đột phá để các giảng viên có thể thành lập các spin-off (doanh nghiệp khởi đầu) một cách tự do hơn. Các trung tâm chuyển giao công nghệ cũng cần mô hình hoạt động chuyên nghiệp hơn", PGS Phong nói.
Hà An