Chuyên mục  


(Nguồn: AFP/Getty Images)

Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft có thể phải thay đổi phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu, khi các chính phủ và các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/3 đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt để hạn chế quyền lực của những “đại gia” này.

Pháp, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết rằng khối này đã đạt được một thỏa thuận tạm thời sau tám giờ đàm phán. Theo đó, Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) đặt ra các quy tắc cho những người “gác cổng trực tuyến” - những công ty kiểm soát dữ liệu người dùng và quyền truy cập các nền tảng phổ biến như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, dịch vụ chia sẻ video, trình duyệt web và trợ lý ảo.

Theo DMA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải điều chỉnh sao cho các dịch vụ nhắn tin của họ có thể tương tác với các dịch vụ hay ứng dụng khác, đồng thời cung cấp cho người dùng doanh nghiệp quyền truy cập vào dữ liệu của mình.

Người dùng doanh nghiệp sẽ có thể quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên một nền tảng, đồng thời được các giao dịch với khách hàng bên ngoài nền tảng đó.

DMA cũng cấm các công ty ưu tiên dịch vụ của riêng họ thay vì dịch vụ của đối thủ, hoặc ngăn người dùng xóa phần mềm, ứng dụng được cài đặt sẵn.

Dự kiến, DMA sẽ được áp dụng cho các công ty có giá trị vốn hóa thị trường 75 tỷ euro (khoảng 82,7 tỷ USD), doanh thu hàng năm 7,5 tỷ euro và ít nhất 45 triệu người dùng hàng tháng.

Các công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của họ nếu vi phạm các quy tắc của DMA. Con số này có thể lên tới 20% nếu họ tái phạm.

Ủy viên phụ trách ngành công nghiệp EU, ông Thierry Breton nói rằng thỏa thuận trên sẽ đảm bảo thị trường kỹ thuật số công bằng và cởi mở hơn cho châu Âu.

[Khủng hoảng Ukraine đẩy đại gia công nghệ Mỹ tới sự lựa chọn khó khăn]

Tuy nhiên, Apple - công ty đã vận động hành lang quyết liệt chống lại DMA - nhắc lại những lo lắng của mình, rằng một số điều khoản của DMA sẽ tạo ra các lỗ hổng bảo mật và quyền riêng tư không cần thiết cho người dùng của họ.

Ngoài ra, một số quy định khác sẽ cấm công ty tính phí đối với tài sản trí tuệ mà họ đã đầu tư rất nhiều tiền của.

Google cũng chia sẻ những quan điểm tương tự. Trong thông báo mới nhất, Google nói rằng mặc dù công ty ủng hộ nhiều tham vọng của DMA xung quanh việc đảm bảo quyền lựa chọn và khả năng tương tác của người tiêu dùng, Google vẫn lo lắng rằng một số quy tắc này có thể giảm bớt sự đổi mới sáng tạo, cũng như những lựa chọn có sẵn cho người dung châu Âu./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020