Chuyên mục  


Hơn 40 trường ĐH đã thông báo xét tuyển bổ sung, trong đó có cả các trường tốp đầu.

Cơ hội rộng mở ở cả trường tốp trên

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, cho hay cơ hội trúng tuyển vào các đợt xét tuyển sau của ĐHQG Hà Nội vẫn còn rộng mở với thí sinh.

Ba trường thành viên của ĐHQG Hà Nội vừa thông báo xét tuyển bổ sung 428 chỉ tiêu. Trường ĐH Việt - Nhật xét tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu cho 3 ngành: Khoa học và kỹ thuật máy tính, kỹ thuật xây dựng, nông nghiệp thông minh và bền vững. Trường Quản trị và Kinh doanh công bố xét tuyển bổ sung với 98 chỉ tiêu của 4 mã ngành: Quản trị và an ninh, quản trị doanh nghiệp và công nghệ, marketing và truyền thông, quản trị nhân lực và nhân tài. Trường ĐH Quốc tế thông báo xét tuyển bổ sung 230 chỉ tiêu.

Vẫn còn nhiều cơ hội cho thí sinh vào các trường đại học trên cả nước. Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, Học viện Ngân hàng xét tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho các mã ngành: kế toán định hướng Nhật Bản (Học viện Ngân hàng cấp bằng), công nghệ thông tin định hướng Nhật Bản (Học viện Ngân hàng cấp bằng) với 2 phương thức là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ. Trường ĐH FPT thông báo tuyển bổ sung đến ngày 30-9. Thí sinh cần đạt ngưỡng chất lượng đầu vào của Trường ĐH FPT là tốp 40 điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT theo xếp hạng của SchoolRank.

Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM thông báo tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu. Cụ thể, trường tuyển bổ sung 95 chỉ tiêu vào 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng và 935 chỉ tiêu vào 26 ngành liên kết với các trường ĐH nước ngoài. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM thông báo tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành; Trường ĐH Kinh tế TP HCM thông báo tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho Phân hiệu Vĩnh Long; Trường ĐH Tôn Đức Thắng thông báo dành hơn 500 chỉ tiêu…

Nhiều trường địa phương tuyển hàng loạt

Nhiều trường ĐH vùng, ĐH địa phương liên tục thông báo tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu. Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung đợt 2 với 420 chỉ tiêu cho 2 ngành điều dưỡng, hộ sinh. Trường ĐH Quy Nhơn xét tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu với 25 ngành đào tạo, thời gian đăng ký từ nay đến ngày 3-10. Đáng chú ý, đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các ngành sư phạm toán, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý, thí sinh phải đạt từ 28,5 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển.

Trường ĐH Đà Lạt thông báo xét tuyển 640 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo, mỗi ngành 20 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tây Nguyên xét tuyển bổ sung 587 chỉ tiêu cho 22 ngành. Trường xét tuyển cả nước theo 3 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm học bạ THPT và kết quả thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐHQG TP HCM…

Vì sao công bố xét tuyển bổ sung sớm?

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thí sinh trúng tuyển ở đợt xét tuyển vừa qua phải thực hiện xác nhận nhập học trên hệ thống của bộ từ ngày 18-9 đến trước 17 giờ ngày 30-9.

Dù chưa kết thúc thời gian xác nhận nhập học nhưng nhiều trường ĐH đã thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chỉ tiêu. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng thông thường, sau khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học, các trường mới thông báo xét tuyển bổ sung nhưng năm nay các trường thông báo tuyển bổ sung rất sớm. Đó là do số thí sinh trúng tuyển vào ngành ít hơn so với chỉ tiêu, chưa kể số trúng tuyển vẫn không làm thủ tục nhập học.

Kỳ tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo chung cho nhiều phương thức xét tuyển nhằm giảm ảo nhưng tính hiệu quả có thể không cao. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng dù thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT hoặc xác nhận nhưng không làm thủ tục nhập học tại trường đều gây ra ảo. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT lọc ảo nhưng cũng không thể giảm ảo nên các trường buộc phải tuyển bổ sung sớm để đủ chỉ tiêu. 

Hủy kết quả nếu không xác nhận nhập học

Đến trước 17 giờ ngày 30-9, thí sinh đã trúng tuyển phải xác nhận trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Quá thời gian này, thí sinh không xác nhận nhập học xem như từ bỏ kết quả xét tuyển.Tuy nhiên, hiện nhiều trường ĐH cho biết tỉ lệ này còn rất thấp.

Dù Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM đã tổ chức khai giảng năm học mới nhưng kết quả tuyển sinh mới đạt 50%. Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tính đến trưa 24-9, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trên hệ thống đạt khoảng 60%, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường gần 50%.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, sau 8 ngày Bộ GD-ĐT mở cổng cho thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học, mới có 80% thí sinh làm thủ tục xác nhận. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tỉ lệ này là khá thấp vì những năm trước, sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh làm thủ tục nhập học tại trường chỉ trong 5 ngày là xong.

Còn tại Trường ĐH Gia Định, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT đạt trên 60%, trong đó gần 80% đã làm thủ tục nhập học tại trường.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020