Thực bào, một loại tế bào miễn dịch, nuốt và tái chế các tế bào ung thư chết. Ảnh: Design Cells
Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị liệu giết chết những tế bào khối u, thường bằng cách khiến chúng tự hủy, teo lại và chết lặng lẽ, hoặc đôi khi bằng cách kích hoạt một dạng chết tế bào dữ dội hơn. Nhưng điều gì xảy ra với các tế bào ung thư sau khi chết?
Thông thường, chúng sẽ được tái chế giống như bất cứ tế bào chết nào khác trong cơ thể. Khi tế bào ung thư chết, màng ngoài của chúng thường bị tổn thương. Điều này diễn ra ở dạng chết tế bào "lặng lẽ" hay apoptosis, một quá trình được thiết lập sẵn để loại bỏ các tế bào không cần thiết hoặc bị hư hỏng.
Khi công tắc phân tử giúp kích hoạt apoptosis được "bật lên", tế bào sắp chết sẽ co lại và các mảnh màng thoát ra theo những chỗ phình. Điều này khiến thành phần bên trong tế bào rò rỉ ra ngoài và thu hút thực bào - tế bào miễn dịch phụ trách nuốt vụn tế bào.
Thực bào sẽ bọc lấy các tế bào ung thư đã chết, sau đó phân giải chúng thành những thành phần nhỏ hơn như đường và axit nucleic. Thông qua quá trình này, tế bào ung thư chết được tái chế thành thứ mà các tế bào khác có thể tái sử dụng sau. Trong apoptosis - loại chết tế bào mà các liệu pháp điều trị ung thư truyền thống nhắm tới - những mảnh tế bào ung thư thường được tái chế theo cách này thay vì đào thải ra khỏi cơ thể, ví dụ qua nước tiểu.
Liệu pháp điều trị ung thư đôi khi cũng gây ra các loại chết tế bào khác như necroptosis - loại chết tế bào "bùng nổ" trong đó tế bào khối u sưng phồng và vỡ ra thay vì teo lại. Thực bào cũng tiêu diệt hiệu quả những tế bào sắp chết này.
Tuy nhiên, tế bào ung thư không phải lúc nào cũng ra đi lặng lẽ. Nghiên cứu cho thấy, khi giải phóng các mảnh vụn gây viêm sưng, chúng đôi khi có thể thúc đẩy các tế bào ung thư còn sót lại ở gần đó phát triển. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Révész, giúp giải thích nguyên nhân một số trường hợp ung thư tái phát sau khi điều trị.
Một nghiên cứu năm 2023 của nhóm chuyên gia tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ phát hiện, trung tâm điều khiển, hay nhân của tế bào ung thư sắp chết, đôi khi có thể sưng phồng và vỡ tung, phun ADN và phân tử khác ra xung quanh. Ở chuột, những phân tử này có thể đẩy nhanh di căn - tình trạng tế bào ung thư lan rộng ra ngoài khối u ban đầu.
Những nghiên cứu như vậy giúp giải thích cách tế bào khối u chết góp phần vào sự tiến triển và tái phát ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn tương đối sơ khai và giới khoa học chưa hoàn toàn hiểu rõ mối liên hệ này.
Với nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai, họ đặt mục tiêu hiểu rõ hơn về những cơ chế sinh học đằng sau ung thư, từ đó phát triển phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 gợi ý phương pháp chống lại sự phát triển khối u do các mảnh tế bào ung thư chết dựa vào resolvin - phân tử bắt nguồn từ omega 3 có thể giúp giảm viêm sưng và tác động của cytokine, đồng thời thúc đẩy việc thải bỏ mảnh vụn tế bào.
Thu Thảo (Theo Live Science)