Chuyên mục  


Tỷ phú Elon Musk hôm 24/11 chia sẻ video hàng loạt phương tiện bay không người lái (drone) phối hợp hoạt động theo bầy. "Trong khi đó, một số kẻ ngốc vẫn chế tạo tiêm kích có người lái như F-35", ông viết trong bài đăng và kèm theo biểu tượng thùng rác.

"Thiết kế F-35 đã tệ hại ngay từ giai đoạn triển khai, vì nó được yêu cầu làm quá nhiều nhiệm vụ cho quá nhiều lực lượng. Điều này khiến nó trở nên đắt đỏ và phức tạp, làm được nhiều thứ nhưng không vượt trội trong lĩnh vực nào. Dự án này không thể thành công. Tiêm kích có người lái đang dần lạc hậu trong thời đại của drone, chúng chỉ khiến phi công sớm thiệt mạng", ông nói thêm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và các cựu binh khẳng định UAV không thể thay thế tiêm kích có người lái. Điển hình là Ukraine liên tục đề nghị phương Tây viện trợ tiêm kích, dù phi công của họ phải đối mặt với môi trường tác chiến nguy hiểm và chiến trường luôn dày đặc các loại thiết bị bay không người lái (drone).

Một số người nhận định chỉ trích của Elon Musk nhắm vào ngân sách khổng lồ dành cho chương trình F-35. Đây là dự án tiêm kích đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc với tổng chi phí lên tới khoảng 485 tỷ USD và có thể tiếp tục tăng lên. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.000 tỷ USD để chế tạo và duy trì hoạt động của máy bay.

UAV XQ-58A (trái), cùng tiêm kích F-35 và tiêm kích F-22 trong cuộc thử nghiệm tháng 12/2020. Ảnh: USAF.

Drone giá rẻ đang thay đổi phương thức tác chiến trên bộ ở châu Âu và Trung Đông, cung cấp giải pháp mới cho hoạt động trinh sát chiến thuật và tập kích mục tiêu. Tuy nhiên, với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Mỹ phải tác chiến không quân và hải quân trên diện tích rộng lớn, drone có tốc độ quá chậm, không đủ tầm bay và vũ khí để làm nhiệm vụ.

"Phần lớn UAV mà Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển để tăng quy mô lực lượng hoặc áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương đều không có năng lực bằng máy bay có người lái", Stacie Pettyjohn, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho hay.

Theo Pettyjohn, drone có giá rẻ cho phép sản xuất và triển khai với số lượng lớn, song chúng không đủ khả năng sống sót và mang được nhiều vũ khí như máy bay có người lái. "Drone không thể thay thế năng lực của oanh tạc cơ tàng hình B-2 và tiêm kích F-35", bà nói.

Ở khu vực rộng lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quân đội Mỹ cần phương tiện bay nhanh, khó bị phát hiện và sở hữu khả năng cơ động cao, mang được những cảm biến tiên tiến cùng vũ khí tầm xa, cho phép hoạt động trong không phận tranh chấp với đối phương.

"Đây không phải điều mà drone cỡ nhỏ có thể làm được", Justin Bronk, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết.

UAV đáp ứng những yêu cầu trên sẽ có kích thước lớn, tinh vi hơn và chi phí rất cao. Các loại UAV trong biên chế Mỹ hiện nay chỉ đáp ứng được một số yêu cầu, một số hệ thống đắt ngang tiêm kích F-35 nhưng dễ bị phòng không hoặc tác chiến điện tử đối phương bắn hạ.

UAV QF-16 bay thử trên biển tháng 9/2013. Ảnh: USAF

Quân đội Mỹ đang tích cực phát triển máy bay bán tự động và do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển, từ mẫu F-16 không người lái tới UAV trợ chiến phối hợp với tiêm kích có phi công điều khiển.

"Nếu phát triển tiêm kích không cần phi công, nhà sản xuất có thể bỏ buồng lái, thiết bị tạo oxy và nhiều hệ thống hỗ trợ sự sống khác để lấy chỗ cho cảm biến, vũ khí. Các loại máy bay này chắc chắn có lợi thế", Guy Snodgrass, cựu phi công hải quân Mỹ, cho biết.

Lĩnh vực này có tiềm năng to lớn, nhưng đang gặp hạn chế vì công nghệ chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, nếu không sở hữu tiêm kích có người lái, đặc biệt là các mẫu tiên tiến như F-35, Mỹ có nguy cơ tụt hậu đáng kể về năng lực quân sự trong thời gian dài.

"Nguyên nhân là công nghệ và năng lực của UAV không chỉ liên quan đến mặt sản xuất, mà còn phụ thuộc vào quá trình vận hành cùng chiến thuật, chiến lược mà Mỹ hiện chưa xây dựng", Snodgrass nhận định.

Sau phát biểu của tỷ phú Musk, phát ngôn viên Lockheed Martin khẳng định F-35 là "tiêm kích hiện đại nhất, có khả năng sống sót và kết nối cao nhất thế giới, đồng thời là phương tiện răn đe quan trọng, đóng vai trò nền tảng của hoạt động hiệp đồng tác chiến đa mặt trận".

Các phiên bản F-35 hiện nay không chỉ làm nhiệm vụ của tiêm kích mà còn thực hiện vai trò của oanh tạc cơ, máy bay tác chiến điện tử, trinh sát cơ, máy bay cảnh báo sớm và quản lý chiến trường, cũng như đầu mối liên lạc giữa các đơn vị đồng đội.

"UAV hiện tại chưa làm được điều này, đơn giản là vì chưa có công nghệ", Mark Gunzinger, cựu phi công Mỹ đang làm việc tại Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, nhận xét.

Mô phỏng UAV trợ chiến phối hợp với tiêm kích có người lái. Đồ họa: USAF

Ngay cả khi có dòng UAV sở hữu tất cả khả năng trên, máy bay có người lái vẫn mang lại lợi thế đáng kể, do diễn biến chiến trường liên tục thay đổi, rất khó đoán trước và cần những quyết định chớp nhoáng trong tình huống không chắc chắn.

Các hệ thống AI chưa có khả năng phân tích tình huống ngoài dữ liệu có sẵn, ví dụ trường hợp radar thu được tín hiệu sai lệch, để đưa ra quyết định sáng suốt.

"Máy móc cứng nhắc hơn. Sự linh hoạt của phi công cho phép sử dụng máy móc và hệ thống tích hợp trên đó trong những trường hợp khó lường trước, cũng như các nhiệm vụ và bối cảnh khác biệt mà hệ thống tự động rất khó học hỏi", Bronk nói.

Một số cuộc tập trận giả của quân đội Mỹ cho thấy giải pháp chỉ dùng máy bay có người lái hoặc UAV không phải giải pháp tốt nhất. "Chúng ta cần cả hai. Bước tiến lớn nhất về năng lực tác chiến là tìm cách kết hợp UAV với máy bay không người lái một cách hiệu quả nhất", Gunzinger nói.

Giới chuyên gia và cựu binh Mỹ nhận định quân đội nước này không thể phụ thuộc vào UAV hoặc máy bay có người lái, mà hai loại phương tiện này bổ sung cho nhau. Họ thừa nhận F-35 không phải cầu nối hoàn hảo, song mẫu tiêm kích này đóng vai trò quan trọng cho năng lực tương lai của các quân chủng Mỹ.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, BI)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020