Ngày 12-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) và môn lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này.
Học sinh Trường THCS- THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, học lịch sử mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia - Ảnh: Tuấn Sơn
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cùngcác thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn lịch sử trong chương trình GDPT 2018 có mặt trong buổi làm việc.
Lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn lịch sử trong Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Riêng với việc dạy học môn lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, học sinh phải học 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, lịch sử trở thành môn học tự chọn.
Không ít chuyên gia bày tỏ sự lo ngại khi lịch sử trở thành môn tự chọn. Theo nhiều chuyên gia, việc đưa lịch sử thành môn tự chọn chính là đã buông một thứ không được phép buông, bởi vì lịch sử là một trong những môn học để "làm người". Trở thành môn học tự chọn, rất có thể càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn môn này, và lịch sử sẽ dễ bị "khai tử" khỏi chương trình giáo dục của nhiều học sinh.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng khi lịch sử trở thành môn tự chọn. Với chuyên gia này, lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này.
"Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. Nhiều người vẫn cho rằng toán, văn, tiếng Anh là môn chính, các môn như sử, địa chỉ là môn phụ nhưng đó là quan điểm sai lầm. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước, lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Con người cần cả quá khứ, hiện tại và tương lai mới thành người được" - PGS Phạm Tất Dong nói.