Chuyên mục  


Tham gia buổi tập huấn có TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM; TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận; cô Nguyễn Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng THPT Phan Chu Trinh, TP Phan Thiết và hơn 150 giáo viên từ 6 trường THPT trên địa bàn TP Phan Thiết.

Giáo viên các trường THPT trên địa bàn TP Phan Thiết tham gia buổi tập huấn

Phát biểu khai mạc, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho biết theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng nghiệp là hoạt động bắt buộc, có sách giáo khoa riêng. 105 tiết/năm chỉ là số tiết giảng dạy trên lớp, thực tế số tiết giảng dạy cho các em học sinh trên trường chắc chắn nhiều hơn.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận

Mặc dù việc trải nghiệm được thực hiện nhiều năm nay nhưng số lượng cán bộ, giáo viên được đào tạo chính quy về giáo dục hướng nghiệp trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn. Phần lớn các cán bộ, giáo viên triển khai hướng nghiệp chủ yếu là lòng yêu nghề, thu thập tài liệu và dựa vào kinh nghiệm tích lũy được. Vì vậy, buổi tập huấn hôm nay thật sự cần thiết cho cán bộ, giáo viên trong bối cảnh thực hiện việc thay sách giáo khoa lớp 10 từ năm học 2022-2023. Buổi tập huấn sẽ mang lại kiến thức và kỹ năng bổ ích cho người tham dự.

"Thay mặt cộng đồng giáo dục tỉnh nhà, tôi xin cảm ơn Báo Người Lao Động đã thực hiện chương trình, cám ơn thầy cô báo cáo viên nhận lời trình bày các chủ đề, cám ơn thầy cô giáo thuộc 6 trường THPT trên địa bàn TP Phan Thiết đã sắp xếp thời gian để tham gia. Hy vọng thầy cô tiếp thu nhiều nhất có thể những kiến thức về giáo dục hướng nghiệp. Mong rằng những buổi tập huấn tương tự sẽ được tổ chức nhiều hơn trong tương lai" - ông Phan Đoàn Thái hy vọng.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lưu ý thầy cô phải giúp các em học sinh tìm hiểu thật kỹ về yêu cầu xét tuyển của trường ĐH mình đăng ký. Việc hướng nghiệp phải được làm sớm và rất cần thiết để phân luồng học sinh. Hướng nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, kết quả phần luồng so với mong đợi còn thấp.

TS Phạm Như Nghệ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT

"Có hai luồng sau khi tốt nghiệp THPT: một là tiếp tục học lên, hai là tham gia thị trường lao động. Việc tiếp tục học lên thì có thể học ở ĐH, CĐ và trung cấp nghề nghiệp, mỗi cái đều có ưu và nhược điểm. Giáo viên phải phân tích rõ để học sinh lựa chọn phương thức tốt nhất. Luồng thị trường lao động thì không phải học gì, đi làm ngay, nhưng giáo viên phải giải thích rõ rằng không được đào tạo thì lương thấp và công việc nặng nhọc, chuyển đổi nghề cũng khó, đến khi tuổi cao thì không đi học được. Giáo viên phải có thông tin chính xác về thị trường lao động", TS Phạm Như Nghệ phân tích.

Giáo viên phải chủ động tìm hiểu các trường ĐH ở Việt Nam, ngành đào tạo, nhóm ngành, khối ngành vì khi hiểu rõ mới có thể tư vấn cho học sinh nếu các em hỏi ngành này học xong ra trường có việc làm không, lương ra sao, thăng tiến thế nào. Chính phủ yêu cầu các địa phương cung cấp thông tin quy hoạch phát triển nhân lực theo giai đoạn, các bộ - ngành đều phải thực hiện tương tự.

Bên cạnh đó, TS Phạm Như Nghệ cũng nhấn mạnh trong đợt 1, các trường ĐH phải tuân thủ lịch của Bộ GD-ĐT, không được gọi sinh viên nhập học trước.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp - cho rằng giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp rất khác các môn còn lại. Các môn khác có giáo trình, gần như là bất biến; trong khi hướng nghiệp thì phải cập nhật thường xuyên và không có giáo trình. Giáo viên hướng nghiệp phải tự đi tìm những thông tin cần thiết để tư vấn cho học sinh.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp

"Việc phân luồng học sinh theo đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn. Như ở tỉnh Bình Thuận, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2022 là 12.840 học sinh/15.683, đạt 82%, vậy chỉ còn 18% là học giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, đề án đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS học giáo dục nghề nghiệp" - TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, khẳng định hướng nghiệp phải xuyên suốt và cần làm sớm. Mục đích của hướng nghiệp là giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

TS Trần Đình Lý , Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM

"Thầy cô, gia đình, bạn bè có thể tư vấn cho các em, đưa ra những thông tin về nghề nghiệp nhưng quyết định cuối cùng phải thuộc về các em" - thầy Lý nhấn mạnh. Theo ông, có 10 kỹ năng cần nâng lực cần thiết trong toàn cầu hoá: kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng vi tính; kỹ năng huấn luyện; kỹ năng toán và khoa học; kỹ năng quản lý tiền bạc; kỹ năng quản lý thông tin; kỹ năng ngoại ngữ; kỹ năng quản trị kinh doanh.

TS Phạm Như Nghệ phát biểu tại buổi tập huấn

Giáo viên chia sẻ những khó khăn trong công tác hướng nghiệp hiện nay.

Những trăn trở trong công tác hướng nghiệp được các chuyên gia chia sẻ, giải đáp trong buổi tập huấn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020