Chuyên mục  


Tên lửa New Glenn của Blue Origin trên bệ phóng. Ảnh: NASA Space Flight

Trên một bệ phóng đã không hoạt động suốt gần hai thập kỷ ở Florida, một tên lửa mới cao khoảng 98 m do công ty Blue Origin phát triển sắp thực hiện chuyến bay đầu tiên. Phương tiện không người lái mang tên New Glenn sẽ đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm phóng tên lửa lên quỹ đạo của Blue Origin, một thành tựu cần thiết nếu công ty này muốn làm lung lay sự thống trị của SpaceX trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, theo CNN.

New Glenn sẽ cất cánh từ Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral trong tuần này. Cao ngang tòa nhà 30 tầng, tên lửa bao gồm vài bộ phận. Tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên sẽ cung cấp lực đẩy ban đầu khi cất cánh. Đặt bên trên tên lửa đẩy là tầng trên chứa khoang chở hàng được bảo vệ bởi chóp hình nón.

Trong nỗ lực mô phỏng thành công mà SpaceX đạt được khi tái sử dụng tên lửa đẩy trong thập kỷ qua, Blue Origin cũng hướng tới điều khiển tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên của New Glenn hạ cánh an toàn ở sà lan trên biển mang tên Jacklyn vài phút sau khi phóng. Giống như SpaceX, Blue Origin cũng muốn thu hồi, tân trang và tái sử dụng tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên để giảm chi phí. Thành công của New Glenn rất cần thiết đối với những mục tiêu tham vọng nhất của Blue Origin. Một ngày nào đó, tên lửa này sẽ đưa các vệ tinh Internet Amazon vào không gian, thậm chí góp phần xây dựng trạm vũ trụ mà Blue Origin đang phát triển cùng vài đối tác thương mại.

Blue Origin thông báo phát triển New Glenn nhằm cạnh tranh với tên lửa Falcon 9 của SpaceX và chở tới 45 tấn hàng lên quỹ đạo vào năm 2016. Phương tiện phát triển chậm so với lịch trình do trước đó, công ty lên lịch phóng lần đầu vào năm 2020. Tuy nhiên, việc chậm trễ rất phổ biến trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Chuyến bay đầu tiên của một phương tiện mới hầu như luôn muộn nhiều hơn lịch trình.

Những công ty tên lửa cũng có cách tiếp cận bảo thủ đối với lần cất cánh đầu tiên, phóng khối hàng giả như vật thể kim loại, chẳng hạn tên lửa Falcon Heavy của SpaceX bay vào năm 2018 với một chiếc xe thể thao cũ. Blue Origin cũng phát triển tên lửa theo phương châm chậm rãi và từ tốn, không "trải qua bất kỳ lối tắt nào", theo Bezos, người sáng lập Blue Origin.

Blue Origin chủ yếu được biết tới với hoạt động du lịch không gian, chở khách hàng trả phí và người nổi tiếng bằng New Shepard, tên lửa cận quỹ đạo nhỏ hơn nhiều so với New Glenn, không đủ mạnh để phóng vệ tinh vào không gian. Trong số hơn 20 chuyến bay mà New Shepard đã thực hiện tính đến nay, phương tiện từng thất bại trong một nhiệm vụ khoa học không người lái.

Trong nhiều năm, Blue Origin đã giới thiệu New Glenn như một tên lửa có khả năng cạnh tranh với cả SpaceX và United Launch Alliance, liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin. Lực lượng không gian Mỹ chọn Blue Origin, ULA và SpaceX vào tháng 6 năm ngoái để cạnh tranh hợp đồng trị giá 5,6 tỷ USD cho các nhiệm vụ phóng liên quan tới an ninh quốc gia, dự kiến diễn ra trong 4 năm tới.

Tên lửa New Glenn rất mạnh. Là phương tiện phóng hạng nặng, khả năng của nó nằm trong khoảng giữa tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX. Ví dụ, tên lửa vận chuyển Falcon 9 có thể chở 22,8 tấn hàng vào không gian. Trong khi New Glenn có thể chở gấp đôi mức đó, nó có chi phí tương đương Falcon 9, khoảng 60 - 70 triệu USD cho mỗi lần phóng.

Một đặc điểm khiến New Glenn trở nên nổi bật là nắp khoang hàng hay còn gọi là chóp hình nón lớn. Bộ phận bảo vệ khoang hàng của tên lửa rộng 7 m, lớn hơn gần 2 m so với Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX. Jezos từ lâu tiết lộ khao khát chuyển các ngành công nghiệp sản xuất gây ô nhiễm khỏi Trái Đất. Để làm được điều đó, ông cần tên lửa có thể chở vật thể khổng lồ.

Blue Origin từng lên kế hoạch phóng hai vệ tinh sao Hỏa cho NASA trong chuyến bay đầu tiên của New Glenn. Nhưng trì hoãn trong quá trình phát triển khiến NASA phải thay đổi kế hoạch. Do đó, trong chuyến bay sắp tới, Blue Origin quyết định phóng thiết bị thử nghiệm để kiểm tra công nghệ cần thiết cho tàu vũ trụ Blue Ring của công ty, đóng vai trò như một phương tiện dùng chung trong không gian, kéo vệ tinh lên cao hơn khi cần. Thiết bị sẽ ở trên tên lửa trong suốt chuyến bay kéo dài 6 giờ và kiểm nghiệm khả năng liên lạc từ quỹ đạo tới mặt đất. Sau khi dùng phần lớn nhiên liệu để đẩy tầng đầu tiên của tên lửa vào không gian, tên lửa đẩy ở tầng thứ nhất sẽ cần tách ra gọn gàng, sau đó tái khởi động động cơ để căn thời gian chính xác nhằm tránh đâm xuống biển và hạ cánh nhẹ nhàng trên sà lan Jacklyn.

An Khang (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020