Chuyên mục  


Mảnh vỡ hình khuyên rơi xuống làng Mukuku. Ảnh: KSA

Mảnh vỡ rơi xuống làng Mukuku, hạt Makueni, miền nam Kenya, hôm 30/12/2004. KSA đã "phong tỏa khu vực và thu hồi mảnh vỡ để điều tra thêm".

Jonathan McDowell, chuyên gia theo dõi vệ tinh tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết: "Không có vật thể vũ trụ nào được ghi nhận rơi xuống khu vực này. Tôi không chắc chắn đó có phải là mảnh vỡ từ máy bay hay không. Không có bằng chứng rõ ràng về nhiệt độ tái nhập khí quyển".

Tuy nhiên, Darren McKnight, chuyên gia mảnh vỡ không gian tại LeoLabs, chỉ ra rằng đôi khi mảnh vỡ không gian được bao phủ bởi "vật liệu hy sinh" cháy hết khi tái nhập khí quyển, để lộ phần cứng bên trong.

Inside Outer Space đã xem xét Cơ sở dữ liệu Tái nhập của Trung tâm Nghiên cứu Mảnh vỡ Quỹ đạo và Tái nhập (CORDS) của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ. Kết quả cho thấy vật thể này có thể liên quan đến thân tên lửa Atlas Centaur được phóng vào năm 2004.

Mảnh vỡ tên lửa này, được gắn thẻ là vật thể 28385, được dự đoán sẽ tái nhập vào ngày 30/12, với đường bay đi qua châu Phi.

Tên lửa Atlas Centaur được phóng từ Trạm Không quân Cape Canaveral vào ngày 31/8/2004, mang theo vệ tinh bí mật USA-179 của Mỹ.

Theo Kho lưu trữ Dữ liệu Khoa học Không gian của NASA, USA-179 là vệ tinh quân sự của Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO), được phóng bằng tên lửa Atlas 2AS từ Cape Canaveral. Đây là chuyến bay cuối cùng của dòng tên lửa Atlas 2.

Tuy nhiên, McDowell cho biết dữ liệu của Lực lượng Không gian Mỹ cho thấy tầng tên lửa 28385 đã rơi xuống hồ Baikal ở Nga. Do đó, KSA sẽ tiếp tục đánh giá về khả năng đây là mảnh vỡ không gian.

Thông thường phần lớn thân tên lửa gần như cháy rụi trong khí quyển Trái Đất, tuy nhiên các mảnh vỡ rơi trở lại Trái Đất không phải hiếm gặp. Năm 2020, mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc rơi xuống ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số công trình nhưng không gây thương tích.

Hồi tháng 5/2021, tầng lõi nặng 23 tấn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rơi xuống sau 10 ngày ở trên quỹ đạo Trái Đất.

Tháng 1/2022, Persei - tầng trên của tên lửa đẩy hạng nặng Angara A5 của Nga rơi mất kiểm soát qua khí quyển Trái Đất và đáp xuống Thái Bình Dương.

Nhà thiên văn học kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonia, cho biết, phân tích dữ liệu công cộng có sẵn và nhận định sẽ không có miệng hố lớn khổng lồ bốc khói nghi ngút nếu mảnh vỡ rơi xuống đất liền. "Thiệt hại từ mảnh vỡ còn sót lại sẽ rất nhỏ. Nó có thể làm thủng mái nhà nhưng không đe dọa nhân loại", McDowell nói trong một vụ việc tương tự năm 2022.

Bảo Anh (Theo Space)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020