Chuyên mục  


Tại buổi công bố báo cáo tài chính quý II/2022, CEO Tim Cook khẳng định rằng 15 năm sau khi ra mắt, iPhone vẫn "tiếp tục thay đổi thế giới". Trong tuần đầy khó khăn đối với giới công nghệ, kết quả kinh doanh của Apple vẫn vượt qua dự đoán từ các nhà phân tích, một phần nhờ vào con số hơn 40 tỷ USD do iPhone mang lại.

Tuy nhiên, ở bối cảnh thị trường smartphone đã tiệm cận ngưỡng tối đa, tầm quan trọng của iPhone đối với toàn bộ đế chế Apple đang giảm dần. Nếu như ở thời kỳ đỉnh cao, iPhone mang lại 2/3 doanh thu cho Apple thì quý gần đây nhất, con số này xuống dưới 1/2.

Tại trụ sở hình đĩa bay ở Thung lũng Silicon, các kỹ sư của Apple đang bận rộn với nhiều dự án mới, chuẩn bị cho một tương lai không phụ thuộc vào iPhone.

Trước mắt, mọi thứ khá rõ ràng đối với gã khổng lồ xứ Cupertino: doanh thu và lợi nhuận bắt đầu chuyển dịch từ kinh doanh sản phẩm sang dịch vụ.

Từ "Apple Computer" đến "Apple Telephone"

Trong 3 thập niên đầu tiên kể từ khi thành lập, Apple Computer – hiện nay là Apple Inc. – có mô hình kinh doanh đúng như tên gọi của họ. Sản phẩm chủ đạo bao gồm máy tính để bàn và laptop Macintosh.

Đến năm 2006, iPod trở thành thiết bị đầu tiên của hãng có doanh số vượt qua các dòng máy tính truyền thống và mang lại nguồn doanh thu lớn hơn. Sự kiện này cũng tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới của Apple.

Apple đã trải qua thời kỳ huy hoàng cùng với iPhone. Ảnh: Bloomberg.

Trong thập kỷ tiếp theo, gã khổng lồ xứ Cupertino nên được gọi với cái tên Apple Telephone. Vào năm 2015, doanh thu từ iPhone mang lại 155 tỷ USD, gấp đôi so với tất cả hoạt động kinh doanh khác của Táo khuyết gộp lại.

Tuy nhiên, sau khoảng 15 năm bùng nổ, thị trường smartphone toàn cầu đã bước vào giai đoạn bão hòa. Theo dự đoán của IDC, trong 4 năm tiếp theo, doanh số bán ra điện thoại thông minh về cơ bản không tăng.

Apple vẫn còn dư địa trên thị trường truyền thống. Công ty nghiên cứu Kantar cho biết iPhone chiếm gần 1/2 doanh số smartphone tại Mỹ, trong khi ở châu Âu tỷ lệ này chỉ là 1/4. Do đó, họ vẫn có khả năng thu hút người dùng từ các đối thủ khác. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số đã qua.

Táo khuyết cũng tìm kiếm nguồn thu từ các sản phẩm phần cứng khác. AirPods và Apple Watch đều là những thiết bị dẫn đầu trong phân khúc của mình. Năm 2021, mảng kinh doanh Thiết bị đeo, Gia đình và Phụ kiện đóng góp 10% doanh thu. Dự kiến đến 2023, Apple sẽ giới thiệu kính thực tế tăng cường (AR) đầu tiên – một sản phẩm được Tim Cook đánh giá rất cao.

Apple đang phát triển nền tảng phần mềm dành cho ôtô. Họ cũng sẽ sớm sản xuất một chiếc xe hoàn chỉnh trong tương lai gần. Ngoài ra, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng được xem là thị trường đầy tiềm năng, có thể trở thành trụ đỡ của Apple trong giai đoạn tiếp theo.

Mỏ vàng mới của Apple

Tuy nhiên, trước khi các dự án dài hạn chứng tỏ hiệu quả, Apple đang dịch chuyển chiến lược kinh doanh. Tính đến thời điểm này, họ đã bán 1,8 tỷ thiết bị trên phạm vi toàn cầu. Cơ sở phần cứng khổng lồ này là con đường ngắn nhất để đến gần với túi tiền của người dùng.

Apple bắt đầu bán quyền tiếp cận khách hàng cho các công ty khác thông qua hoạt động kinh doanh trên Apple Store, cũng như thuyết phục người dùng đăng kí các dịch vụ do họ cung cấp.

Năm 2021, mảng Dịch vụ mang lại 68 tỷ USD, tương đương 19% tổng doanh thu của Apple. Con số này cao gấp đôi so với năm 2015. Trong quý gần nhất, tỷ trọng của Dịch vụ thậm chí lên đến 24%.

Apple không công bố chi tiết về nguồn thu. Tuy nhiên, công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower cho rằng phần lớn dựa vào khoản phí hoa hồng trên App Store, có thể lên đến 25 tỷ USD trong năm 2021.

Doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ của Apple đang tăng trưởng nhanh. Ảnh: Getty Images.

Thỏa thuận biến Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple cũng mang về 10 tỷ USD trong năm 2020. Con số này tăng gấp đôi vào năm ngoái, theo dự đoán của các nhà phân tích. Ngoài ra, công ty cũng sẽ kiếm được khoảng 7 tỷ USD từ việc bán quảng cáo trên cửa hàng ứng dụng trong năm nay.

Còn lại, nguồn thu của Apple từ các dịch vụ khác gồm nền tảng lưu trữ đám mây iCloud, thuê bao nhạc Apple Music, bảo hành mở rộng Apple Care cũng có sự tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu, theo nhận định của ngân hàng Morgan Stanley.

Apple cố gắng đa dạng hóa các dịch vụ của họ. Bên cạnh Apple TV+, Apple Fitness, Apple Arcade và Apple Pay, công ty đã giới thiệu thêm nền tảng hỗ trợ công nghệ và quản lý thiết bị Apple Business Essentials vào năm ngoái. Tháng 6 vừa qua, Táo khuyết tiếp tục công bố dịch vụ mua trước, trả sau.

Tính đến hiện tại, có tổng cộng 860 triệu người dùng đăng ký các dịch vụ do Apple cung cấp, tăng gần 25% so với năm rồi.

Chuyển dịch mô hình kinh doanh

Theo nhận định của Erik Woodring – một nhà nghiên cứu làm việc tại Morgan Stanley, mô hình kinh doanh của Apple "đang chuyển dịch từ tối đa hóa doanh số bán ra sang tối đa hóa lợi nhuận dựa trên số thiết bị hoạt động".

Apple có thể biến mọi thứ thành dịch vụ, kể cả cho thuê iPhone theo tháng. Ảnh: Bloomberg.

Ông cho rằng việc đầu tư mạnh vào dịch vụ có thể giúp vốn hóa thị trường của Apple tăng thêm 1.000 tỷ USD. Người dùng Táo khuyết trung bình chi khoảng 10 USD mỗi tháng cho các dịch vụ của Apple (bao gồm mua hàng trong App Store), thấp hơn so với số tiền phải bỏ ra khi đăng ký trên LinkedIn hoặc Peloton.

Hiện tại, thị trường xem Apple là một công ty kinh doanh phần cứng. Tuy nhiên, dường như hãng muốn các nhà đầu tư nghĩ về họ như một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong những năm gần đây, Apple nói nhiều hơn về số lượng các thiết bị đang hoạt động. CEO Tim Cook tuyên bố rằng việc tích hợp dịch vụ với phần cứng và phần mềm của Apple là "trọng tâm trong hoạt động và triết lý của chúng tôi". Thậm chí, có tin đồn cho rằng Táo khuyết dự định cung cấp iPhone theo dạng đăng ký thuê bao hàng tháng.

Tuy nhiên, đầu tư mạnh vào dịch vụ cũng sẽ đối mặt với không ít rủi ro. Theo Erik Woodring, người dùng không mặn mà với việc thuê thiết bị. Apple cần phải tìm cách thức phù hợp, tránh xung đột lợi ích với các đại lý bán lẻ và nhà mạng.

Đã đến lúc Apple tối đa hóa lợi nhuận từ nhóm người dùng iPhone trung thành của mình.

Mảng dịch vụ cũng chịu quy định chặt chẽ về chống độc quyền ở nhiều khu vực, đặc biệt là tại châu Âu. Hôm 28/7, trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý II/2022, Apple cảnh báo sức tăng trưởng của dịch vụ có thể chậm lại trong quý kế tiếp.

Trong tương lai gần, phần cứng vẫn tiếp tục là trụ đỡ cho cả đế chế Apple. Thậm chí, có thể họ ấp ủ những dự án bí mật, tạo nên sản phẩm đột phá tương tự iPhone. Nhưng với gần 2 tỷ thiết bị trên thị trường, Táo khuyết có điều kiện thuận lợi để kiếm tiền từ chính lượng người dùng hiện tại của mình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020