Năm 2000, tại phiên giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có 6 Công ty chứng khoán thành viên bao gồm SSI, Đệ Nhất (FSC), CK Bảo Việt (BVSC), ACBS, CK Thăng Long (TLS), BSC. Thị trường bùng nổ, từ 6 công ty ban đầu, các thành viên mới ồ ạt ra đời và đến năm 2010, đã có 105 công ty chứng khoán tại Việt Nam.
Dù vậy, sau những nốt trầm, các cuộc tái cơ cấu, giải thể, sáp nhập… được thực hiện và đến nay thị trường còn hơn 70 công ty chứng khoán. Do sự giới hạn về cấp phép thành lập, thị trường chứng kiến rất nhiều thương vụ mua lại, đổi chủ, đổi tên và thiết lập lại vị thế quy mô cho các công ty chứng khoán. Những cái tên từ ngày thành lập thực sự đã trở thành dĩ vãng.
Sự lột xác của những công ty “tí hon”
Nổi nhất trong 1 năm trở lại đây chính là CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Sau khi Ngân hàng VPbank hoàn tất mua 97,4% cổ phần của CTCP Chứng khoán ASC, Đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 2/2022 của công ty này đã thông qua việc đổi tên và cháo bán cổ phần để tăng vốn lên 8.920 tỷ đồng, tham gia vào hàng ngũ vốn điều lệ lớn nhất thị trường. VPBank Securities sử dụng nhận diện thương hiệu của ngân hàng mẹ.
Trong khi đó, “đứa con” cũ trong mảng chứng khoán của VPBank là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng(VPBS) đã được bán đi và hiện tại đang mang tên VPS, thay đổi hoàn toàn nhận diện thương hiệu sang màu đỏ.
CTCP Chứng khoán Đông Dương thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 125 tỷ đồng do ông Phan Trường Sơn làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Ban đầu có tên viết tắt là DSI, sau đổi sang DDS và tháng 4/2019, đổi tên thành CTCP Chứng khoán AIS. Sau khi phát hành tăng vốn, hiện tại công ty này có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Ngô Thị Thu Phương.
Trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty này tăng 591% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,4 tỷ đồng.
Một “hiện tượng” khác trong ngành chứng khoán nửa đầu năm là CTCK Smart Invest (mã chứng khoán AAS) với kết quả kinh doanh tăng trưởng khủng nhờ hoạt động kinh doanh trái phiếu. Tiền thân của CTCK này là CTCK Hamico.
Những CTCK lọt vào tay các tỷ phú
CTCP Uniben và vợ chồng ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng VIB vừa lộ diện trong danh sách cổ đông của CTCK Kafi. Công ty này khởi nguồn là Chứng khoán Hoàng Gia (Royal Securities), đã đổi tên thành Global Mind Capital trước khi trở thành Kafi như hiện tại.
Trước đó, CTCK Phương Đông (ORS) đã được mua lại bởi nhóm nhà đầu tư TPBank – DOJI của ông Đỗ Minh Phú vào đầu năm 2019 và đổi tên thành TPS như hiện nay.
Sovico Holdings đang nắm trong tay CTCK HD, có tiền thân là chứng khoán Phú Gia.
CTCK Everest tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS), từng do nhóm Ocean Group nắm cổ phần chi phối, nay mang đậm dấu ấn các thương vụ của Gami Group.
Trong khi đó, Huyndai Thành Công của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn đã mua lại CTCK Đà Nẵng (nay là DSC Securities). Trước đó, Tập đoàn này mua CTCK Hùng Vương (nay là CTCK HVS) rồi bán lại cho nhóm cổ đông khác chưa rõ danh tính.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh mua lại CTCK Sen Vàng (GLS) và dự kiến đổi tên thành CTCK Tân Hoàng Minh. Cái tên này rò rỉ từ hình ảnh sự kiện công bố chính thức thành lập CTCK Tân Hoàng Minh vào tháng 2/2022 tại Tp.HCM. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ đã không thành.
Một vài cái tên mới nổi khác như Bamboo Capital – “tay chơi” lớn trên thị trường M&A đang hiện diện tại CTCK CASC (Capital Securities) có tiền thân là Chứng khoán Thủ Đô, hay Sunshine Group tại CTCK KS (KS Securities), tiền thân là CTCK Việt Nam Gateway (HRS).
CTCK “lận đận” bậc nhất phải kể đến CTCK VIX. Cái tên ban đầu là CTCK Vincom với cổ đông sáng lập là Tập đoàn Vingroup. Sau đó, nó được trao tay cho Tập đoàn của bầu Thụy và đổi tên thành CTCK Xuân Thành, rồi IBSC và cuối cùng là VIX như hiện tại. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT Gelex đang là cổ đông lớn nắm 15% cổ phần CTCK này.
Thị trường cũng ghi nhận 2 trường hợp CTCK có sự tham gia của 2 fintech nổi tiếng. Đó là Momo – mua CTCK CVS ( tiền thân là CTCK Hồng Bàng, chuyển thành Hưng Thịnh, Credit Việt) và Finhay với CTCK Vina.
Nhà đầu tư Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản cũng không thể bỏ qua thị trường Việt Nam
Điều này được thấy rõ khi có 15 CTCK được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc là nhóm tích cực nhất, tạo ra những cái tên mới như KB, Shinhan, NH, Asam, Pinetree, JBSV và KIS.
Nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã có mặt tại CTCK Funan, VNCS và Guotai Junan. Nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đã mua lại Yuanta, Phú Hưng. Trong đó, một trong 6 thành viên đầu tiên của TTCK Việt nam - CK Đệ Nhất (FSC) nay đã trở thành Yuanta.
Trong khi đó, Nhật Bản mới có một đại diện là Aizawa Securities với sự tham gia vào CTCK JSI.
Ngô My
Nhịp sống thị trường