Ảnh minh họa.
10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 4,3 triệu tấn phân bón các loại, cao gấp 3 lần lượng phân bón xuất khẩu sang các nước khác, khoảng 1,4 triệu tấn.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2024, cả nước nhập khẩu 515.096 tấn phân bón, tương đương 158,66 triệu USD, tăng 36,2% về lượng, tăng 13% kim ngạch so với tháng trước. So với tháng 10/2023, tăng 25,2% về lượng, tăng 12% kim ngạch.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 4,35 triệu tấn, trị giá trên 1,43 tỷ USD, giá trung bình đạt 329,2 USD/tấn, tăng 31,1% về khối lượng, tăng 27,1% về kim ngạch nhưng giảm 3,1% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
10 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 42,5% trong tổng lượng và chiếm 41% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt gần 1,85 triệu tấn, tương đương 588,2 triệu USD,, tăng 12,9% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình 318,5 USD/tấn, tăng nhẹ 0,03%.
Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch, với 502.820 tấn, tương đương 209,52 triệu USD, giá trung bình 416,7 USD/tấn, tăng 151% về lượng, tăng 123% về kim ngạch nhưng giá giảm 112% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Lào đạt 291.491 tấn, tương đương 75,47 triệu USD, tăng 17,6% về lượng, nhưng giảm 9,3% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,7% trong tổng lượng và chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Đáng chú ý, một nhà cung cấp phân bón đang đẩy mạnh đưa phân bón đến Việt Nam với mức tăng trưởng 3 chữ số là Malaysia. Cụ thể trong 10 tháng, nước ta nhập khẩu từ thị trường này hơn 75 nghìn tấn phân bón, trị giá hơn 26,6 triệu USD, tăng mạnh 139% về lượng và tăng 108% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Bình quân trong 10 tháng, phân bón nhập từ Malaysia có giá 353 USD/tấn, trong khi cùng kỳ có giá 405 USD/tấn, tương đương mức giảm 12,7%.
Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước khoảng hơn 11 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng phân bón công nghiệp sản xuất trong nước đạt khoảng gần 8 triệu tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng cao nhất là vào giai đoạn từ Q4/2024 đến Q1/2025 khi cả nước bước vào vụ Đông Xuân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất và tiêu dùng phân bón đang mất cân đối, trong khi các sản phẩm urê và phân lân dư thừa, thì nhiều sản phẩm phân bón khác như kali, các loại phân bón vi lượng, phân bón hữu cơ vẫn thiếu hụt, dẫn đến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, một số loại phân Việt Nam vừa sản xuất dùng trong nước và xuất khẩu được như UREA hay Super Lân...
Tỉ trọng xuất khẩu phân bón của Việt Nam ngày một tăng. Cách đây hai năm, Việt Nam xuất đi dưới 1 tỷ USD. Từ năm 2022, nước ta đã có bước đột phá khi xuất được 1,7 tỉ USD do một số nước hạn chế xuất khẩu phân bón. 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam mới xuất khẩu được 1,44 triệu tấn phân bón, tương đương 590 triệu USD.
Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.