Chuyên mục  


base64-17326701785831987055161.jpeg

Khách đến làm các thủ tục về thuế VAT tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người nộp thuế khi trả lời Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, cho rằng những chính sách lạc hậu và bất cập cần phải được sửa đổi kịp thời. Nếu chậm trễ sẽ không giải quyết được các điểm nghẽn của thể chế, chưa kể đến ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của hàng triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương. Tuổi Trẻ xin ghi lại ý kiến một số đại biểu, chuyên gia và người dân.

* Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):

Phải điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh

ong-ha-ca35-4257-bb99-a8d2a6e17c18-read-only-17326341601511541116731.jpg

Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Các cử tri và đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng khẳng định mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, không đáp ứng thực tế cuộc sống. Do đó yêu cầu phải sớm điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Ngay khi Quốc hội bàn về vấn đề nâng mức lương cơ sở từ ngày 1-7 vừa qua (lên 2,34 triệu đồng), các đại biểu Quốc hội và người dân cũng đề nghị phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Lẽ ra ngay khi đó đã phải có sự ưu tiên, quan tâm nhất để có phương án. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện sửa đổi, điều chỉnh nội dung này. Bộ Tài chính mới đây thông tin phải đến tháng 10-2025 mới trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh, và phải đến tháng 5-2026 mới thông qua, thực hiện từ năm 2027. Dù đúng với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đề ra nhưng so với yêu cầu thực tiễn là chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại việc này. Đây là vấn đề cấp bách từ thực tiễn đặt ra, không nên để hai kỳ họp mà cần tích cực nghiên cứu và trình Quốc hội quyết trong một kỳ họp sẽ tốt hơn.

Vừa qua một số vấn đề cấp bách cần sửa đổi trong các luật cũng đã được trình xem xét thông qua một kỳ họp như luật sửa đổi một số luật liên quan tài chính và đầu tư, Luật Điện lực sửa đổi... Điều này cũng có thể xem xét áp dụng đối với việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để có thể sớm sửa giảm trừ gia cảnh...

Khi sửa đổi cũng nên đưa ra phương pháp tính, nguyên tắc phù hợp để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ điều tiết kịp thời. Theo tôi, khi mức lương cơ sở tăng 30%, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng ít nhất thêm 30%. Nhưng khi tăng lương còn có trượt giá, chưa kể giá cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng trước rồi. Do vậy mức giảm trừ gia cảnh cần tăng ít nhất 50%. Việc này sẽ giúp tạo ý nghĩa tốt với việc tăng lương.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Chờ sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân mới điều chỉnh là quá lâu

ong-huan-0063-4a1f-a082-8b1aecf010bc-read-only-173263416015513553990.jpg

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương)

Các đại biểu Quốc hội, cử tri đã nêu nhiều ý kiến về việc cần sớm xem xét sửa đổi, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Bởi mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc đã rất lạc hậu, không đáp ứng được thực tế cuộc sống và mức thu nhập của người dân. Tuy nhiên theo thông tin của Bộ Tài chính, phải đến năm 2026 dự luật sửa đổi mới được thông qua, áp dụng từ năm 2027 là quá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.

Chúng ta đẩy mạnh đổi mới công tác xây dựng pháp luật, không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội và những nội dung quá chi tiết cứ mang ra hỏi Quốc hội là không ổn. Do vậy khi sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân, nên xem xét giao cho Chính phủ quy định cụ thể về mức giảm trừ gia cảnh nhằm đơn giản hóa thủ tục. Căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)..., Chính phủ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.

Thậm chí cần có quy định đề nghị mức giảm trừ gia cảnh này nên được điều chỉnh hằng năm chứ không phải 2-3 năm mới xem xét. Nếu mức thu nhập tăng tương ứng với tăng trưởng GDP, cần điều chỉnh hằng năm để đảm bảo phù hợp. Nếu mức tăng này không tương ứng thì không cần điều chỉnh.

* TS NGUYỄN QUỐC VIỆT (phó viện trưởng VERP):

Chính sách lạc hậu phải được sửa đổi kịp thời

le-quoc-viet-06ca-453b-87cb-579f35befe7c-read-only-173263416014277460737.jpg

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT (phó viện trưởng VERP)

Mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu là quá rõ ràng rồi khi không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Bên cạnh đó bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu lũy tiến từng phần quá dày đã gây áp lực, tạo gánh nặng thuế lên người làm công ăn lương... Đây là những bất cập lớn nhất của chính sách thuế Thu nhập cá nhân nên không thể trì hoãn việc sửa đổi thêm nữa.

Điều quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói điểm nghẽn của thể chế chính là chất lượng pháp luật. Chất lượng pháp luật hạn chế có nhiều yếu tố, trong đó có việc chính sách không theo kịp với biến động tình hình thực tiễn cuộc sống đặt ra. Theo tôi, không nên cứng nhắc sửa luật theo lộ trình đã đặt ra. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cũng như đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, những chính sách lạc hậu và bất cập cần phải sửa đổi kịp thời, nếu chậm trễ sẽ không giải quyết được các điểm nghẽn của thể chế.

Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận cần thiết phải sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân, trong đó có giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế... Do đó Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân theo thủ tục rút gọn. Luật Thuế Thu nhập cá nhân cần được đưa vào chương trình bổ sung trong kế hoạch sửa luật của Quốc hội ngay trong năm 2025 và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2026.

Với mức giảm trừ gia cảnh, theo tôi, không chỉ nâng lên một mức nhất định mà cần phải phân theo mức sống thực tế ở từng vùng miền. Cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng để có mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc cho tương ứng ở vùng miền đó. 

Mặt khác để đảm bảo công bằng, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc. Đơn cử như chi phí học tập, khám chữa bệnh... phải được khấu trừ trước khi tính thuế giảm trừ gia cảnh.

Bên cạnh đó Luật Thuế Thu nhập cá nhân mới cần phải giảm bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Điều này sẽ giúp những người lao động đang nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là người trẻ tuổi, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống. Thực tế giá nhà đất và các chi phí dịch vụ liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ.

* Ông LÊ TRUNG HIẾU (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh càng sớm càng tốt

le-trung-hieu-1cd9-4e3a-8718-f9af84f73e78-read-only-17326341601472061894517.jpg

Ông LÊ TRUNG HIẾU (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Thông tin Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ được sửa toàn diện vào giữa năm 2026, những người nộp thuế Thu nhập cá nhân lại thấy buồn và lo lắng. Bởi phải chờ đến tận hơn 2-3 năm nữa những chính sách lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế mới được chỉnh sửa.

Đời sống của người làm công ăn lương vô cùng khó khăn trước cơn bão giá. Thực tế các chi phí thiết yếu từ học hành, đi lại, ăn uống… đều tăng 10 - 30% so với 3 năm trước. Chỉ riêng tiền học và sách vở cho một học sinh bậc THPT ở trường công tại Hà Nội cũng 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể các nhu cầu thiết yếu khác như ăn uống, mặc, đi lại…

Trong thực tế thu nhập 25 triệu đồng/tháng của tôi trong năm nay hoàn toàn khác với 25 triệu đồng của 2020 - 2021. Năm 2020, với 25 triệu đồng mỗi tháng, ngoài chi trả nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, tôi còn tích lũy một khoản nho nhỏ. Nhưng hai năm trở lại đây, do giá hàng hóa tăng chóng mặt nên số tiền này thậm chí không đủ trang trải cuộc sống.

Hai năm nay gia đình tôi không dành dụm được đồng nào mà thậm chí còn ăn tiêu gần hết khoản tiết kiệm theo dự định sẽ dùng để sửa lại căn nhà đang ở. Có thể khẳng định mức GTGC đang áp dụng đã gây thiệt thòi, thậm chí bất lợi cho người nộp thuế. Thế nhưng những khó khăn, tâm tư của người nộp thuế cá nhân không được người làm chính sách thấu hiểu và chia sẻ.

Do vậy tôi cho rằng trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế TNCN, Chính phủ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức GTGC càng sớm càng tốt nhằm giảm gánh nặng thuế cho người làm công ăn lương. Nếu chờ đến giữa năm 2027 mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, khi Luật Thuế TNCN thay thế có hiệu lực, người nộp thuế đã kiệt quệ mất rồi.

Sửa luật đã lạc hậu nên làm khẩn cấp phù hợp với chính phủ điện tử, chứ chờ đến... 2026 lại lạc hậu nữa.
Bạn đọc Đoàn Hòa

Bạn đọc mong được áp dụng sớm

cua-hang-tap-hoa-thue-doanh-nghiep-6-read-only-1732634160159885211051.jpg

Khi giá cả hàng hóa ngày càng tăng, đời sống người dân thêm khó khăn nhưng mức giảm trừ gia cảnh nhiều năm nay vẫn giữ nguyên - Ảnh: BÉ HIẾU

Phản hồi xung quanh thông tin Luật Thuế Thu nhập cá nhân thay thế sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5-2026 và áp dụng từ tháng 1-2027 (Tuổi Trẻ ngày 26-11), nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng việc chờ đến 2-3 năm sau mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá lâu.

Một số bạn đọc cho rằng chi phí tiêu dùng ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội rất cao, mức giảm trừ gia cảnh đang áp dụng không còn phù hợp. Bạn đọc Le cho rằng quá thiệt thòi cho người lao động có thu nhập chân chính, đề nghị sửa đổi ngay và luôn.

Cũng theo nhiều bạn đọc, về quy định để được giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc phải có thu nhập bình quân tháng không quá 1 triệu đồng, được áp dụng hơn chục năm nay, không còn phù hợp khi giá cả biến động rất lớn.

"Mẹ tôi tiền lương hưu chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng thôi. Số tiền này không đủ đóng tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền gạo hằng tháng; chưa tính tiền thuốc men, ăn uống, sinh hoạt...", bạn đọc Ha chia sẻ và mong muốn có sự thay đổi sớm từ Bộ Tài chính.

Nhiều bạn đọc cũng góp ý về hướng sửa đổi. Bạn đọc Thầy Dương đặt câu hỏi sao cơ quan thuế lại không căn cứ mức lương tối thiểu để tính mức lũy tiến thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh bản thân, người phụ thuộc có phải dễ dàng và linh động hơn không? Như vậy mỗi lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức giảm trừ, mức lũy tiến thuế TNCN tự khắc điều chỉnh theo. Bạn đọc có email vanm****@gmail.com đề xuất mức giảm trừ gia cảnh nên 10 triệu đồng/người phụ thuộc ở TP.HCM và Hà Nội. Với các địa phương còn lại, mức giảm trừ gia cảnh là 8 triệu đồng/người phụ thuộc.

Bạn đọc Vũ Tấn đề xuất mức chịu thuế nên tính theo mức lương tối thiểu vùng theo một hệ số nào đấy, và giảm trừ gia cảnh cũng vậy. Thu nhập cứ vượt mức lương tối thiểu vùng nhân với hệ số thì phải nộp thuế. "Cần sửa theo hướng cho phép cá nhân tính tổng thu với tổng chi rồi trừ ra, đóng trên tổng dư. Khi đó mọi tiêu dùng hằng ngày, cá nhân cũng có hóa đơn nhập vào", bạn đọc Dieu Hanh đề xuất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020