Bất chấp lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn FDI tiếp tục duy trì ổn định, FDI đăng ký đạt 13,43 tỷ USD (-4,3% so với cùng kỳ), FDI thực hiện đạt 10,02 tỷ USD (-0,1% so với cùng kỳ).
Kinh tế thế giới khó khăn nhưng không thể phủ nhận Việt Nam vẫn có sức hút lớn với nhà đầu tư ngoại. Mới đây, tổng thổng Hàn Quốc và 205 doanh nghiệp lớn cũng đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, kỳ vọng sẽ (1) thúc đẩy thương mại song phương và (2) thu hút nhiều hơn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam từ Hàn Quốc.
Năm 2022 trước đó đánh dấu hành trình 35 năm thu hút FDI của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 27,72 tỷ USD và mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 35 năm, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân.
Việt Nam thực tế có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực. Thứ ba, với số dân 100 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.
Việc tham gia các tổ chức quốc tế, Hiệp định thương mại tự do cũng mở ra cơ hội kết nối Việt Nam với thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế đã góp phần tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia.
Tiền ngoại trên sàn chứng khoán “phập phù”
Khác với làn sóng FDI “ồ ạt” đổ vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) gặp không ít trắc trở. Sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thu hút FII bùng nổ tuy nhiên kết quả vẫn có phần khiêm tốn. Hiện tại, giá trị cổ phiếu nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 50 tỷ USD, tương đương 1/5 so với số vốn FDI đã giải ngân.
Sau giai đoạn mua ròng liên tục trong hơn một thập kỷ từ 2006-2018, dòng tiền khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại trước khi rút ròng rất mạnh trong 2 năm 2020-2021 với tổng giá trị gần 80.000 tỷ đồng. Xu hướng bán ròng kéo dài đến cuối năm ngoái mới đảo chiều khi chứng khoán Việt Nam rơi sâu xuống đáy cùng mức định giá thấp hiếm thấy trong lịch sử.
Dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam thời gian gần đây có dấu hiệu suy yếu
Tuy nhiên, đà mua ròng chỉ kéo dài đến đầu năm 2023 trước khi đảo chiều bán ròng mạnh từ đầu quý 2. Đến thời điểm hiện tại, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.500 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HoSE. Xu hướng này vẫn chưa dừng lại khi cường độ “xả hàng” đang có dấu hiệu gia tăng gần đây khi thị trường tăng mạnh lên đỉnh 9 tháng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE kể trên chưa bao gồm các thương vụ mua cổ phần IPO, mua qua VSD, nhưng đã phần nào cho thấy dòng vốn FII vào Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh yếu tố định giá, dòng vốn ETF cũng đã suy yếu sau khoảng thời gian “ồ ạt” đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm ngoái. Dù được đánh giá là xu hướng của tương lai và mang tính dài hạn tuy nhiên dòng vốn này vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố bên ngoài như lãi suất hay làn sóng rút vốn đang diễn ra trên toàn cầu.
Thiếu hàng hóa chất lượng mới
Trong khi đó, nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang thiếu chất xúc tác để thu hút dòng vốn ngoại. Hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn và IPO diễn ra ảm đạm trong vài năm trở lại đây khiến thị trường thiếu hàng hoá mới chất lượng. 6 tháng đầu năm, số lượng cổ phiếu niêm yết và thương vụ đấu giá cổ phần trên HoSE đều thấp kỷ lục. Nhìn lại lịch sử, các giai đoạn khối ngoại mua ròng mạnh tay đều gắn liền với làn sóng doanh nghiệp “bom tấn” đổ bộ sàn chứng khoán.
Giai đoạn 2006-2010 là sóng thoái vốn, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước kéo theo hàng loạt “tên tuổi” lên sàn như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Bảo Việt (BVH), FPT, Xây lắp Dầu khí (PVX), Nhựa Bình Minh (BMP), PV Drilling (PVD),… Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã niêm yết có thể kể đến Vingroup (VIC), Masan (MSN), Khoáng sản Bình Định (BMC), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), SSI, SHB, Eximbank (EIB),…
Đến giai đoạn 2016-2018, sự ra đời Quyết định 51/2014/QĐ-CP buộc DNNN sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán đã tạo ra một làn sóng hàng hoá mới. Nhiều “tên tuổi” đáng chú ý như Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), DAP – Vinachem (DDV), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Petrolimex (PLX), PV Power (POW), PV Oil (OIL), Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)… đã “ồ ạt” đổ bộ lên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, nhóm tư nhân với các “bom tấn” như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), VPBank (VPB),… cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, thị trường sôi động hay ảm đạm, hàng hóa chất lượng như các doanh nghiệp sản xuất lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại. Điển hình là các thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh,... đều được nhà đầu tư ngoại săn đón. Các "đại gia" nước ngoài sẵn sàng "bạo chi" để sở hữu lượng lớn cổ phần, thậm chí chi phối.
Tuy nhiên, từ sau năm 2018 đến nay, các hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra rất ảm đạm (ngoại trừ đợt sóng ngân hàng lên sàn 2020-2021 theo đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán). Chất lượng hàng hóa mới là một dấu hỏi lớn khi hầu hết các thương vụ chào sàn vài năm gần đây đều không để lại dấu ấn thực sự rõ rệt, hiệu ứng đối với thị trường còn rất mờ nhạt.
Đáng chú ý, dư địa xuất hiện thêm những bom tấn cũng không còn nhiều. Những DNNN thực sự được nhà đầu tư quan tâm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Nhóm tư nhân cũng không có nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk,… Thêm nữa, lộ trình lên sàn của các tên tuổi này vẫn còn bỏ ngỏ.
Cơ cấu mất cân bằng
Một điểm hạn chế nữa khiến dòng tiền ngoại chưa thể bùng nổ trên thị trường chứng khoán Việt Nam dù FDI vẫn nở rộ đến từ sự lệch pha với khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền ngoại có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo số liệu đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký luỹ kế trên các dự án còn hiệu lực lên đến hơn 260 tỷ USD, chiếm 59,3%. Theo sau lần lượt là các lĩnh vực như bất động sản; sản xuất và phân phối điện; dịch vụ lưu trú, ăn uống; xây dựng; bán buôn, bán lẻ phụ tùng ô tô; vận tải kho bãi; thông tin truyền thông; khai khoáng; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ...
Dòng vốn FDI tập trung mạnh vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tận dụng nhiều lợi thế sẵn có của Việt Nam
Ngoài bất động sản, các lĩnh vực trên đều chiếm số lượng ít và tỷ trọng vốn hoá khiêm tốn trên sàn chứng khoán. Cơ cấu lệch hẳn về nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) phần nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và khó được chấp nhận mức định giá cao hơn.
Sự khác biệt có thể thấy rõ khi nhìn vào cơ cấu của chứng khoán Mỹ khi các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế và chăm sóc sức khỏe có tỷ trọng hàng đầu với lần lượt 21,7% và 18,3%. “Hàng xóm” Thái Lan dù chưa thể có một cơ cấu thị trường tiên tiến như Mỹ nhưng cũng đã khác biệt rõ rệt so với Việt Nam với tỷ trọng nghiêng nhiều về các nhóm ngành có định giá cao như tiện ích, viễn thông, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, năng lượng,...
Tỷ trọng các nhóm ngành trên TTCK Việt Nam (Nguồn: Dragon Capital)
Room ngoại vẫn là rào cản
Ngoài sự mất cân bằng về cơ cấu, “room” ngoại cũng là một rào cản khiến khối ngoại khó tiếp cận với cổ phiếu Việt Nam. Giai đoạn năm 2015, câu chuyện nới room từng là chất xúc tác cho thị trường chứng khoán khi mở ra cơ hội dòng vốn ngoại đổ thêm nhiều hơn vào thị trường chứng khoán. Thay vì mức tối đa 49%, lần đầu tiên Chính phủ cho phép mức tỷ lệ sở hữu nước ngoài không hạn chế sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP ra đời.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm, kết quả lại không như kỳ vọng ban đầu. Hiện chứng khoán Việt Nam chỉ có khoảng 100 trong hơn 1.600 tổ chức niêm yết, tương đương khoảng 6%, mở room ngoại ở mức tối đa 100%. Trong khi đó, 343 doanh nghiệp khóa room xuống 0%. Xét riêng ở nhóm cổ phiếu VN30, cũng chỉ có 3 cổ phiếu gồm VNM, SAB và SSI không hạn chế sở hữu của khối ngoại.
Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng bị giới hạn ở mức 30% cũng khiến các cổ phiếu "vua" khó hút khối ngoại. Nhiều ngân hàng "hot" hiện đã gần chạm ngưỡng tối đa 30%, thậm chí kín room. Trong khi đó, một số khác còn trống nhiều, có trường hợp còn nguyên room, lại chưa tìm được đối tác chiến lược phù hợp.
Nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp phải giới hạn “room” ngoại do cần tuân theo điều ước quốc tế, hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp hạ room vì không mấy mặn mà do lợi ích từ câu chuyện thu hút vốn ngoại sau nới “room” chưa đủ để hấp dẫn.
Về cơ bản, những rào cản đối với khối ngoại khó có thể gỡ bỏ trong “một sớm, một chiều”. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “mất điểm” trong hành trình nâng hạng.