Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tenmu đến từ Trung Quốc đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam với giá hàng hoá rẻ đến bất ngờ. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương còn cho biết: "Bản thân tôi cũng giật mình vì thấy giá của họ (Temu) rất rẻ, nhưng chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là cho hàng thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường" .
Với những “tín đồ” mua sắm online, Tenmu không còn là cái tên xa lạ. Thế nhưng, không nhiều người biết về lai lịch của sàn TMĐT này. Đặc biệt hơn, đơn vị chủ quản của Tenmu lại có nhiều điểm chung thú vị với những doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Temu ra mắt năm 2022, là một nền tảng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc là PDD Holdings. Nền tảng này tập trung vào việc bán hàng với mức giá thấp, tạo ra sự cạnh tranh với các đối thủ lớn khác. Tenmu được xem là phiên bản quốc tế của Pinduoduo - nhà bán lẻ trực tuyến nội địa hàng đầu Trung Quốc.
Pinduoduo, có nghĩa là “cùng nhau tiết kiệm nhiều hơn”, được thành lập vào năm 2015 bởi Colin Huang, cựu nhân viên Google. Nhà bán lẻ trực tuyến này ban đầu cung cấp hàng hóa tươi sống giá rẻ nhưng sau đó đã nhanh chóng đa dạng hóa sang các danh mục sản phẩm có mức giá bình dân khác.
Nhờ sự hậu thuẫn của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings, PDD đã mở rộng thị trường trong nước của Pinduoduo và bắt đầu hành trình xâm chiếm thị trường nước ngoài cùng Tenmu. Đến cuối năm 2023, PDD huy động được 1,63 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
PDD sau đó niêm yết trên Nasdaq, chính là điểm đến của VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong hành trình vươn ra thế giới. Thời điểm hiện tại, giá trị vốn hoá của PDD lên đến hơn 171 tỷ USD, xếp thứ 85 thế giới (theo companiesmarketcap.com). Trong khi đó, hãng xe điện của Việt Nam đang có giá trị vốn hoá hơn 9 tỷ USD.
Sự tăng trưởng của PDD đẩy khối tài sản của nhà sáng lập Colin Huang (43 tuổi) lên 43,4 tỷ USD, xếp thứ 4 trong danh sách tỷ phú của Trung Quốc theo Forbes. Cuối năm ngoái, nhà sáng lập PDD còn là người giàu thứ 2 Trung Quốc với khối tài sản lên đến hơn 54 tỷ USD. Cũng trong danh sách này của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam đang xếp thứ 829 với khối tài sản ước tính hơn 4,2 tỷ USD.
Trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), BlackRock cho biết đang nắm 33,01 triệu cổ phiếu PDD, tỷ lệ sở hữu 2,4%. Ước tính, số cổ phần PDD trong tay công ty quản lý tài sản này có giá trị vào khoảng 4 tỷ USD.
Nhắc đến BlackRock, chứng sỹ Việt Nam hẳn chưa quên cái tên này khi vào đầu tháng 6 năm nay, “gã khổng lồ” quản lý tài sản lớn nhất thế giới (quy mô hơn 10.000 tỷ USD) đã ra thông báo dừng hoạt động một trong những ETF từng khuynh đảo thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo kế hoạch, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/3/2025.
BlackRock cho biết, trong thời gian thanh lý kéo dài, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ không được quản lý theo mục tiêu và chính sách đầu tư vì quỹ sẽ bán bớt tài sản của mình. Theo quyết định của BlackRock, tiền thu được từ việc thanh lý dự kiến sẽ được gửi cho các cổ đông trong khoảng ba ngày sau ngày giao dịch cuối cùng. Đến giữa tháng 9 vừa qua, ETF này đã bán sạch cổ phiếu Việt Nam trong danh mục.
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi, tiền thân là Ishare MSCI Frontier Markets 100 ETF với chỉ số tham chiếu là MSCI FM 100 Index. Tới tháng 3/2021, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF như hiện tại và lấy chỉ số MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index làm tham chiếu. Trước khi BlackRock quyết định đóng quỹ, Việt Nam là thị trường có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của ETF này.