Chuyên mục  


Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác lúc sinh thời, Dã tràng ca là một tác phẩm khá bí ẩn. Công chúng biết rất ít thông tin về tác phẩm về hoàn cảnh sáng tác lẫn thời điểm ra đời. Sau này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cùng gia đình Trịnh đã thống nhất thời gian ra đời của tác phẩm là năm 1962. Trong giai đoạn sinh thời của nhạc sĩ, Dã tràng ca cũng chỉ được biểu diễn một lần năm 1963 (thông tin gia đình nhạc sĩ cung cấp).

Đến năm 2009, ca sĩ Ánh Tuyết đã dàn dựng và biểu diễn Dã Tràng Ca trong dịp giỗ lần thứ 8 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ đó, trường ca này, toàn vẹn hoặc trích đoạn, thường được một số người yêu nhạc Trịnh, người ca hát nghiệp dư thu âm hoặc biểu diễn.

Đến năm 2019, nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của cố nhạc sĩ (28/2/1939 – 28/2/2019), Đức Tuấn thu âm Dã tràng ca và phát hành đến công chúng một cách chính thức. Dù đã thể hiện nhiều nhạc phẩm của cố nhạc sĩ nhưng đây là lần đầu anh ghi âm một ca khúc nhạc Trịnh.

 Năm 2009, ca sĩ Ánh Tuyết dàn dựng và biểu diễn Dã tràng ca trong dịp giỗ nhạc sĩ. Từ đó, trường ca này, toàn vẹn hoặc trích đoạn, cũng được một số người yêu nhạc Trịnh biểu diễn.

Bản gốc Trường ca Tiếng hát dã tràng hay Dã tràng ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dài hơn 20 phút. Tuy nhiên, Đức Tuấn cùng nhạc sĩ Lê Thanh Tâm soạn lại để tác phẩm gọn gàng hơn với gần 12 phút. Bản phối cũng nhịp nhàng, hoành tráng, mang hơi thở của âm nhạc đương đại và sắc thái âm nhạc phong phú để đến gần hơn với công chúng, những người biết rất ít hoặc gần như không biết gì về bản nhạc.

“Tôi chủ đích chọn một tấm ảnh rất đẹp, rất trẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm bìa bởi tôi không chỉ muốn người hâm mộ được nghe một tác phẩm rất tiêu biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trai trẻ mà còn được nhìn ngắm ông trong dung mạo của một thanh niên với ánh mắt ấm áp, cương trực cùng gương mặt thông minh, thanh tú. Tôi tin rằng nhạc Trịnh luôn trẻ, tràn đầy sức sống cùng những lý tưởng và thông điệp không bao giờ xưa cũ mà người nghe sẽ thấy rõ điều đó qua ấn phẩm Dã tràng ca lần này”, Đức Tuấn chia sẻ.

Dã tràng ca như món quà dành cho ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng là nỗ lực của Đức Tuấn khi đến với nhạc Trịnh theo cách riêng của mình.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng giúp Đức Tuấn rất nhiều trong việc tìm lại các tư liệu của tác phẩm đặc biệt.

“Là một trường ca nên Dã tràng ca không dễ để biểu diễn đơn ca hay ở các sân khấu nhỏ. Vì vậy, Dã tràng ca đã nhiều năm nằm im trong ngăn kéo của gia đình hay các nhà sưu tầm. Với bản thu hoàn chỉnh và chính thức đầu tiên của ca sĩ Đức Tuấn, đã tới lúc bản nhạc này được vang lên rộng rãi hơn, đến với nhiều khán giả hơn để di sản nhạc Trịnh Công Sơn thực sự đầy đủ hơn. Qua bản ghi mang đậm hơi thở của âm nhạc hiện đại của Đức Tuấn, chúng tôi cũng hi vọng Dã tràng ca với thông điệp ‘con người sinh ra đã đối mặt khổ đau, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi con người’ sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ”, Trịnh Vĩnh Trinh tâm sự.

Những mầm mống cho Dã tràng ca đã bắt đầu từ thuở thiếu thời của Trịnh Công Sơn ở Huế, khi ông thường xuyên theo mẹ đi chùa Phổ Quang tìm hiểu Phật học. Một thời gian sau, để lập thân, Trịnh Công Sơn vào học trường Sư phạm Quy Nhơn. Mảnh đất ven biển tuyệt đẹp là nơi đã tạo cảm hứng để những bản tình ca hay nhất của Trịnh Công Sơn ra đời như Diễm xưa, Biển nhớ… và đặc biệt là bản trường ca đầu tiên: Tiếng hát dã tràng.

Thời điểm đó, trường Sư phạm Qui Nhơn yêu cầu Trịnh Công Sơn soạn một bài hát để trình bày trong Đại nhạc hội. Và bản Dã Tràng Ca ra đời, tên ban đầu là Tiếng Hát Dã Tràng.

Đó là một bài hát thơ dài gồm 2 phần với 13 đoản khúc có tựa đề riêng, xoay quanh thân phận con người.

Các đoản khúc trong Dã Tràng Ca có độ dài khác nhau. Có bài gần như một ca khúc hoàn chỉnh (Lời biển vọng); có bài chỉ dài 2 câu. Tác phẩm được viết cho dàn đồng ca, có xen kẽ những đoạn lĩnh xướng ngắn với giai điệu giản dị, nhẹ nhàng.

Dã Tràng Ca đã chất chứa những tinh thần cơ bản nhất của âm nhạc Trịnh Công Sơn, mở đường cho dòng ca khúc thân phận đã làm nên tên tuổi của ông, và quen thuộc với chúng ta sau này với tên Ca Khúc Da Vàng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020